Nước Mỹ trở thành con tin

04/10/2013 01:18

Lại thêm một lần nữa, nước Mỹ trở thành con tin trong cuộc đối đầu không khoan nhượng nặng tính ý thức hệ giữa Đảng Cộng hoà với cá nhân tổng thống Mỹ Barack Obama và Đảng Dân chủ.

Nước Mỹ trở thành con tin

Lại thêm một lần nữa, nước Mỹ trở thành con tin trong cuộc đối đầu không khoan nhượng nặng tính ý thức hệ giữa Đảng Cộng hoà với cá nhân tổng thống Mỹ Barack Obama và Đảng Dân chủ.

Sau gần 18 năm, nước Mỹ lại lâm vào tình trạng chính phủ cạn kiệt ngân sách nên phải ngừng hoạt động. Bất chấp mọi cảnh báo về hậu quả và hệ luỵ của việc chính phủ ngừng hoạt động và bất chấp nhiều kỳ vọng là hai đảng phái chính trị trong quốc hội và các vị dân biểu không được để tình cảm lấn át lý trí, quốc hội Mỹ đã không đạt được sự nhất trí cần thiết cho ngân sách bổ sung trước hạn định là ngày 1/10 vừa qua.

Chuyện nọ xọ chuyện kia

Cốt lõi của sự bất đồng quan điểm giữa hai phe trong vấn đề này là việc tài chi cho chương trình cải cách y tế mà ông Obama đã khởi xướng và đã được quốc hội Mỹ thông qua. Cuộc cải cách này được coi là thành tựu cầm quyền lớn nhất và có ý nghĩa nhất của ông Obama cho tới nay. Đảng Cộng hoà không muốn để ông Obama gặt hái được và tận hưởng thành quả đó. Vì thế, đảng này gắn việc thông qua ngân sách với việc trì hoãn thực hiện cuộc cải cách y tế nói trên.

> Số nợ của Chính phủ Mỹ đã lên gần 14.300 tỷ USD
> Chính phủ Mỹ có thể phải ngưng hoạt động
> Chính phủ Mỹ đóng cửa một số cơ quan liên bang
> Chính phủ Mỹ bắt đầu ngừng hoạt động

Ông Obama và Đảng Dân chủ không chấp nhận sự trì hoãn ấy. Một bên bám giữ vào quan điểm đã trở thành nguyên tắc đối với đảng là chống đối tất cả những dự định chính sách của tổng thống và không để tổng thống đạt được thành công gì. Còn một bên không từ bỏ một kết quả vừa được dân Mỹ tán thưởng và tâm đắc lại vừa giúp đảng và ông Obama đi vào lịch sử.

Hồi năm 1995 và đầu năm 1996, nước Mỹ đã từng hai lần lâm vào tình trạng tương tự, lần đầu trong 4 ngày và lần sau trong thời gian 3 tuần. Hồi ấy, Đảng Cộng hoà cũng bất hợp tác và chống đối tổng thống Bill Clinton thuộc Đảng Dân chủ. Những tác động và hệ luỵ tai hại của cách hành xử thế đối với Đảng Cộng hoà đã không ngăn cản được đảng này giờ lại hành động tương tự.

Sự khác biệt duy nhất chỉ là có một bộ phận trong Đảng Cộng hoà đã không để cho giới lãnh đạo đảng này thoả hiệp với Đảng Dân chủ và ông Obama. Nước Mỹ trở thành con tin của cuộc đối đầu giữa hai đảng phái chính trị lớn nhất bởi một bên dùng thoả thuận về ngân sách làm áp lực để buộc bên kia từ bỏ cuộc cải cách y tế trong khi bên còn lại kiên quyết không từ bỏ thành quả lịch sử rất vất vả về mọi phương diện mới có được.

Tác động và hậu quả

Trên danh nghĩa thì như vậy nhưng trong thực tế thì chính phủ Mỹ vẫn duy trì hoạt động. Gần một triệu công chức và viên chức trong các cơ quan chính phủ bị buộc phải tạm thời nghỉ. Chỉ có tác động tới người dân là rõ nét hơn cả khi các loại dịch vụ hành chính công bị ảnh hưởng, phụ cấp và phúc lợi xã hội bị cắt giảm, các cơ sở văn hoá du lịch công cộng phải đóng cửa...

Kinh tế Mỹ đương nhiên bị ảnh hưởng và nếu tình trạng này càng kéo dài thì mức độ bị ảnh hưởng sẽ càng lớn. Kinh tế thế giới sẽ bị vạ lây vì Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đồng USD sẽ bị mất giá. Hồi năm 1995/1996, 26 ngày "chính phủ ngừng hoạt động" đã gây thiệt hại 1,4 tỉ USD cho kinh tế Mỹ.

Nhưng tai hại còn hơn thế đối với nước Mỹ là tác động và hậu quả về chính trị. Mức độ phân rẽ và đối kháng như thế trên chính trường gây tổn hại lớn đến thể diện và uy danh của nước Mỹ trên thế giới. Bất hợp tác và đối đầu nhau đến như thế giữa các đảng phái chính trị và chính trị gia bộc lộ những "gót chân Arsin" của cường quốc này.

Nước Mỹ bộc lộ khả năng dễ bị tổn thương về chính trị và xã hội. Càng sa lầy vào những xung khắc nội bộ như thế càng làm giảm khả năng hành động và ưu thế của Mỹ ở bên ngoài. Ngày 17/10 tới này là thời điểm quyết định vấn đề còn lớn hơn đối với nước Mỹ là vỡ nợ hay không vỡ nợ.

Sau ngày đó, nước Mỹ không còn khả năng trả nợ nếu các đảng phái trong quốc hội không đạt được sự nhất trí về nâng trần giới hạn nợ của nhà nước. Hai chuyện gộp lại thì sẽ thành thảm hoạ đối với nước Mỹ. Vì thế, chắc quốc hội Mỹ rồi cũng phải tính cách tránh thảm hoạ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nước Mỹ trở thành con tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO