Những trò nhái hàng hiệu “nhức mắt” ở Trung Quốc

04/08/2011 06:27

Trung Quốc từ lâu đã bị coi là "thiên đường" của hàng nhái, hàng giả. Không ở đâu mà hàng nhái được bày bán nhan nhản như ở đất nước này, và thậm chí tồn tại song song với hàng thật, hàng xịn.

Những trò nhái hàng hiệu “nhức mắt” ở Trung Quốc

Trung Quốc từ lâu đã bị coi là "thiên đường" của hàng nhái, hàng giả. Không ở đâu mà hàng nhái được bày bán nhan nhản như ở đất nước này, và thậm chí tồn tại song song với hàng thật, hàng xịn.

Những phát hiện gần đây về các đại lý Quả táo khuyết bị làm nhái đã khiến cộng đồng mạng phẫn nộ. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần rất nhỏ trong muôn hình vạn trạng kiểu nhái hàng, nhái sản phẩm đang tồn tại ở Trung Quốc.

Điều này đang làm các thương hiệu lớn, nổi tiếng thế giới điên đầu khi tìm cách nâng tầm nhận dạng thương hiệu của mình ở Trung Quốc. Và điều quan trọng hơn, là việc làm nhái, làm giả này có thể khiến khách hàng bị nhầm lẫn và tức giận.

Dưới đây là 10 thương hiệu bị nhái gây nhức mắt ở quốc gia châu Á này:

Đại lý Apple

Cư dân mạng gần đây đã bị sốc khi biết được ở Trung Quốc có những cửa hàng Apple nhái y chang, từ thiết kế nội thất cho tới trang phục của nhân viên. Phát hiện ban đầu tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, do một blogger tên là Bird Abroad người Mỹ đưa trên trang blog của cô. Ngay sau khi thông tin này được các báo quốc tế lấy lại, các nhà chức trách Côn Minh đã vào cuộc. Tuy nhiên, chỉ hai trong số 5 cửa hàng nhái bị đóng cửa do thiếu giấy phép kinh doanh.

Báo chí Trung Quốc cho hay, nước này có luật cấm sao chép thiết kế và thương hiệu khi xây dựng cửa hàng, nhưng các nhà chức trách ở Côn Minh chỉ dơ cao đánh khẽ và nhấn mạnh rằng, các sản phẩm họ kiểm tra đều hợp pháp, được nhập về từ những đại lý bán lẻ chính thức của Apple.

Công viên Disney

Không chỉ nhái cửa hiệu, ở Trung Quốc còn có cả công viên "nhái". Một trong những ví dụ điển hình nhất là công viên giải trí Shijingshan ở Bắc Kinh, thuộc quyền quản hạt của chính quyền quận Shijingshan. Công viên này có những kiến trúc tương tự như ở công viên Disney. Mặc dù đã bị Disney cảnh báo năm 2007, song khu vui chơi này vẫn hoạt động cho tới ngày nay và thậm chí trang web của công viên còn có bản tiếng Anh.

IKEA

Trong ảnh là siêu thị nội thất IKEA hợp pháp ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ở thành phố Côn Minh, nơi tìm thấy các đại lý Apple giả hiệu, cũng có một trung tâm nội thất mang tên "11 Furniture" có 4 tầng, được xây dựng trên diện tích hơn 9.000 m2, với thiết kế y hệt IKEA chính hiệu. "11 Furniture" bắt chước thiết kế xanh vàng của IKEA cho tới biển hiệu, cách bài trí trong cửa hàng và cả thiết kế của sản phẩm. Điều "thú vị" nhất, là tên tiếng Trung của "11 Furniture" cũng chính là IKEA.

Cà phê Starbucks

Nếu các cửa hàng này xuất hiện ở Mỹ - Âu, thì chúng rất dễ bị nhầm với chuỗi cửa hàng cà phê Starbucks thứ thiệt. Năm 2006, Starbucks từng giành chiến thắng trong một vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ với công ty Trung Quốc Xingbake, tên tiếng Trung của Starbucks. Song vẫn có nhiều cửa hàng ở quốc gia này bắt chước Starbucks, như One Dollar Coffee, Seayahi Cofee, Lucky Coffee, Bucksstar Coffee...

Công viên World of Warcraft

Có vẻ như việc bắt chước công viên Disney vẫn chưa thỏa mãn, nên một công ty Trung Quốc còn mặc kệ dư luận, xây dựng nên một phiên bản nhái của công viên giải trí World of Warcraft vốn thuộc sở hữu của tập đoàn giải trí Blizzard. Công viên sao chép mang tên World Joyland nằm ở thành phố Thường Châu, phía tây Thượng Hải, có giá trị đầu tư vào khoảng 30 triệu USD.

Gà rán KFC

Mặc dù thương hiệu gà rán Kentucky (KFC) đã có mặt ở Trung Quốc, nhưng không vì thế họ không phải là nạn nhân của trò sao chép giả hiệu. Các cửa hàng KFC "dỏm" không những đổi hình ảnh trên nhãn hiệu của công ty xịn, mà còn cố ý thay đổi chữ "KFC" thành "KLC" để khiến khách hàng bị nhầm lẫn. Theo một nghiên cứu của trường kinh doanh Havard, KFC gần đây đã trở thành công ty kinh doanh nhà hàng lớn nhất ở Trung Quốc, nên có thể cửa hàng nhái khó tồn tại lâu.

Truyện Harry Potter

Theo phát hiện của báo New York Times, Trung Quốc nổi tiếng với việc sao chép các thương hiệu và hàng hóa của Mỹ, thậm chí cả với những cuốn truyện về cậu bé phù thủy Harry Potter. Thị trường Trung Quốc tràn ngập những cuốn sách bị làm giả với muôn hình vạn trạng. Các bản dịch và in trái phép cuốn truyện Harry Potter hay những tác phẩm văn học nổi tiếng khác được bán nhan nhản tại Trung Quốc.

Giày Nike

Nike là một thương hiệu giày thể thao nổi tiếng trên thế giới và ở cả Trung Quốc. Tuy nhiên, thương hiệu càng nổi tiếng thì hàng giả, hàng nhái cũng tăng trưởng theo. Chẳng hạn như cửa hàng trong ảnh, logo và cái tên na ná như Nike xịn. Nếu không tinh mắt, khách hàng nhầm lẫn là chuyện thường. Mặc dù, Nike đã sản xuất ở Trung Quốc hàng thập niên, nhưng ở quốc gia này vẫn đầy hàng giả.

Hamburger McDonald's

Trong ảnh là một cửa hàng chính thức của McDonald's. Thương hiệu hamburger này từ lâu đã nổi tiếng ở Trung Quốc và có vô số chi nhánh tại quốc gia này. Song không vì thế mà không có cửa hàng "nhân bản vô tính". Phần lớn cửa hàng nhái bắt chước kiểu thiết kế của nhà hàng, số khác thì sao chép thực đơn, câu khẩu hiệu của McDonald's, hoặc thô sơ như kiểu nhậm nhèm tên tuổi "Mini Dog" hay "Mcdnoalds".

Gian hàng Disney

Cửa hàng trong ảnh đã được Disney ủy quyền. Tuy nhiên, báo cáo của Reuters gần đây cho thấy, ở ngay tại cửa hàng xịn có trụ sở ở thành phố Côn Minh này cũng có bán cả những đồ giả. Cụ thể, theo báo cáo, cửa hàng bán nhiều sản phẩm của Disney, nhưng lại bán đồ chơi Angry Birds giả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những trò nhái hàng hiệu “nhức mắt” ở Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO