Nhật tăng cường khai thác tài nguyên thiên nhiên

T.B (theo The Economist)| 18/06/2012 01:24

Gần đây, khi cả nước Nhật đang trì trệ thì một số tập đoàn như Mitsubishi, Mitsui… lại chuyển hướng mạnh mẽ sang hợp tác với nước ngoài để khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới.

Nhật tăng cường khai thác tài nguyên thiên nhiên

Sự thăng trầm của các tập đoàn kinh tế Nhật Bản có khuynh hướng đi cùng vận nước kể từ khi mới thành lập (thế kỷ XIX) cho đến Chiến tranh thế giới thứ II và sự trồi sụt của “thời kỳ bong bóng”. Tuy nhiên, gần đây, khi cả nước Nhật đang trì trệ thì một số tập đoàn như Mitsubishi, Mitsui… lại chuyển hướng mạnh mẽ sang hợp tác với nước ngoài để khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới.

Đọc E-paper

Trong cuộc cạnh tranh nhằm chiếm được quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên ở nước ngoài, xem ra các tập đoàn của Nhật rất dễ bị các công ty năng lượng khổng lồ của Trung Quốc chèn ép. Vậy mà họ đã dễ dàng qua mặt người Trung Quốc để ký được một loạt hợp đồng lớn tại Bắc Mỹ về hơi đốt, với Chile về quặng đồng và với Úc về khí hóa lỏng.

Dù nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản nhưng hầu hết các tập đoàn nói trên đều tự quyết định đầu tư ở nước ngoài. Marubeni cũng đang chuẩn bị trở thành tập đoàn kinh doanh ngũ cốc lớn nhất thế giới sau khi quyết định mua lại Công ty Gavilon của Hoa Kỳ với giá 5 tỷ USD.

Có hai lý do giải thích cho việc chuyển hướng đầu tư mạnh mẽ để khai thác tài nguyên thiên nhiên của các tập đoàn Nhật ở nước ngoài là:

- Bốn trong số năm tập đoàn lớn nhất gồm Mitsui, Itochu, Sumitomo và Marubeni mới báo cáo rằng họ đạt lợi nhuận ở mức kỷ lục mặc dù đồng yen mạnh lên. Tập đoàn số 1 của Nhật Bản là Mitsubishi cũng dự báo lợi nhuận sẽ tăng 10%, đạt 6,3 tỷ USD trong năm 2013. Như vậy, tình hình tài chính của các “khủng long kinh doanh” của xứ Mặt trời mọc đều lành mạnh.

- Loại hàng hóa quan trọng nhất đối với các tập đoàn chuyên về năng lượng như Mitsubishi, Mitsui, Sumitomo là khí thiên nhiên và bằng nhiều nỗ lực, hiện nay nhóm này đang thật sự là kẻ dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh nắm quyền khai thác các nguồn khí thiên nhiên lớn trên thế giới.

Nhu cầu về khí hóa lỏng tại Nhật Bản càng lớn kể từ khi xảy ra thảm họa hạt nhân Fukushima và người Nhật đã nhìn thấy nguồn cung ứng dồi dào từ các mỏ khí ở Bắc Mỹ. Cho dù một số nhà máy điện hạt nhân sẽ được phép hoạt động trở lại thì đến năm 2015, lượng khí hóa lỏng nhập khẩu của Nhật Bản phải tăng thêm 15 triệu tấn so với con số 70 triệu tấn trong năm 2010, nghĩa là 85 triệu tấn.

Trong tháng 2 vừa qua, Mitsubishi đã ký một hợp đồng năng lượng lớn chưa từng có với Công ty Encana của Canada (nghe nói trị giá đến 2,9 tỷ USD) để khai thác khí tại bang British Columbia. Theo dự tính, nguồn khí dự trữ tại đó có thể đáp ứng nhu cầu của Nhật Bản trong chín năm.

Mặc dù Nhật Bản chưa được phép nhập khí hóa lỏng của Hoa Kỳ (vì chưa có thỏa ước về tự do thương mại với nước này) nhưng ba tập đoàn Mitsubishi, Mitsui và Sumitomo đã và đang tiếp tục thăm dò thị trường khí đốt của Hoa Kỳ.

Tháng qua, Thủ tướng Noda cũng cố gắng vận động Tổng thống Obama nới lỏng lệnh cấm bán khí hóa lỏng cho Nhật trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của ông.

Hiện tượng các tập đoàn kinh tế Nhật Bản trở thành đối tác của các công ty năng lượng và khai khoáng toàn cầu chứng tỏ họ có thế mạnh về tài chính, biết giữ yên lặng và không gây ảnh hưởng về mặt chính trị.

Tuy nhiên, do phải đầu tư công sức và tiền bạc vào quá nhiều dự án lớn nên tạm thời, cổ phiếu của các tập đoàn này đang được giao dịch dưới giá sổ sách, làm ảnh hưởng đến độ tín nhiệm của chính họ và của cả nước Nhật.

Tuy nhiên, biết hy sinh hôm nay để bứt phá ngày mai vốn là truyền thống của người Nhật và điều đó càng khiến các công ty năng lượng khổng lồ của Trung Quốc không thể ngồi yên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhật tăng cường khai thác tài nguyên thiên nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO