Nhân tài Mỹ đổ xô vào hoạt động đầu cơ

22/10/2013 06:46

Nhóm tài năng nhất trong số các sinh viên kinh tế tại Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, khi tốt nghiệp lại không dấn thân vào lĩnh vực nghiên cứu hay những công việc đóng góp được nhiều cho xã hội. Phần lớn họ háo hức nhảy vào guồng máy tài chính, cụ thể hơn là các hoạt động kinh doanh tín dụng và đầu cơ.

Nhân tài Mỹ đổ xô vào hoạt động đầu cơ

Nhóm tài năng nhất trong số các sinh viên kinh tế tại Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, khi tốt nghiệp lại không dấn thân vào lĩnh vực nghiên cứu hay những công việc đóng góp được nhiều cho xã hội. Phần lớn họ háo hức nhảy vào guồng máy tài chính, cụ thể hơn là các hoạt động kinh doanh tín dụng và đầu cơ.

Đọc E-paper

Trong năm 2012, có tới 7,4% tổng thu nhập của người lao động tại Mỹ rơi vào tay những người làm việc trong ngành tài chính và bảo hiểm. Tỉ lệ này cao đến mức không thể không đặt câu hỏi. Tuy nhiên, đáng đặt câu hỏi hơn nữa là nhân lực trong những ngành này đều từ nhóm sinh viên ưu tú, công việc lại chẳng đóng góp gì về mặt kinh tế, xã hội, dân sinh.

Theo khảo sát của tờ New York Times, trong năm 2006, 25% sinh viên tốt nghiệp Harvard, 24% sinh viên tốt nghiệp Yale và 46% sinh viên tốt nghiệp Princeton đã bắt đầu sự nghiệp của họ tại thị trường tài chính. Ngày nay, con số này đã có giảm, do tác động của khủng hoảng, nhưng đó chỉ là tác động tạm thời.

Theo một nghiên cứu khác của của Phó Giáo sư Tài chính Thomas Philippon thuộc Đại học New York và nhà nghiên cứu Ariell Reshef, Đại học Virginia, phần lớn tăng trưởng của thị trường tài chính đều tập trung vào đầu cơ nhưng chi phí của nó lại chỉ ở mức của hoạt động tài chính thông thường. Từ năm 1950 - 2006, các khâu trung gian tín dụng (cho vay, dịch vụ ngân hàng truyền thống) đã giảm hẳn so với mảng hoạt động “tài chính thay thế” như chứng khoán, đầu cơ hàng hóa, quỹ đầu tư, vốn đầu tư, liên doanh, ngân hàng đầu tư. Tiền lương của những người hoạt động trong mảng “tài chính thay thế” cũng tăng vọt.

Đương nhiên, là ngành kinh doanh, tín dụng và đầu cơ cũng cần nhiều nhân lực để hoạt động. Tuy nhiên, nhiều là bao nhiêu và như thế nào để những người quản lý trong ngành này biết rằng họ đang có quá nhiều?

Hoạt động đầu cơ thường được gắn với các vấn đề đạo đức. Trong khái niệm đạo đức nói chung, từ “thương nhân” đã gây ấn tượng xấu với không ít người. Một ngành sản xuất hay thương mại bất kỳ đều mang lại lợi ích xã hội gián tiếp. Các nhà kinh tế cũng đã cố gắng đánh giá giá trị này. Thương nhân thuộc các ngành tài chính cũng đang gián tiếp tham gia phân bổ lại lực lượng lao động trong xã hội - những người ưu tú nhất tham gia các công ty, các tập đoàn triển vọng nhất.

Thế nhưng hoạt động của nhóm này cũng bắt các ngành sản xuất, kinh doanh còn lại phải gánh chi phí hoạt động cho họ. Theo một nghiên cứu của các giáo sư Patrick Bolton, Tano Santos (Đại học Columbia) và José Scheinkman (Đại học Princeton) hồi năm 2011, khối lượng đầu cơ và giao dịch tăng lên một cách đáng kể chỉ để kiếm lời mà thôi.

Nói cách khác, các giao dịch này về bản chất phải miễn phí nhưng do khâu kinh doanh này đã sản sinh ra một khoản phí mà xã hội phải gánh chịu. Chỉ những người tham gia giao dịch là được hưởng lợi. Việc này không khác gì việc lãnh chúa xây cầu qua sông trên đất của mình và thuê người thu tiền con tàu di chuyển dưới cây cầu đó.

Cầu không mang lại tác dụng gì cho tàu. Người được thuê đứng ra thu tiền cũng thế. Lãnh chúa không hề cải tạo dòng sông hay giúp bất kỳ ai, theo bất kỳ cách nào, trực tiếp hay gián tiếp. Nếu có quá nhiều lãnh chúa thì con sông có thể sẽ chẳng còn tàu thuyền nào qua lại.

Trong mảng “tài chính thay thế”, các hoạt động diễn ra theo đúng mô hình này. Người trong ngành nhanh chóng chọn lấy những giao dịch lãi nhất và đưa nhóm nào không tham gia thương vụ ra rìa. Với các tài sản xấu (chứng khoán thế chấp dưới chuẩn, một loại tài sản đã “góp công” đáng kể trong khủng hoảng tài chính 2008), nếu các tài sản này vẫn được đẩy ra thị trường và làm mờ mắt những nhà đầu tư kém kiến thức hay non kinh nghiệm và làm lũng đoạn thị trường, thì quả thực việc thu lợi từ những giao dịch như thế không khác gì lãnh chúa thu tiền tàu qua sông.

Trong một bài viết, Giáo sư Patrick Bolton đã mở rộng quan điểm này và đi sâu vào hoạt động của các ngân hàng và Luật Glass-Steagall cấm các ngân hàng thương mại tham gia một loạt các hoạt động được xếp loại “ngân hàng đầu tư”. Từ năm 1999, khi Luật Gramm-Leach-Bliley ra đời thế chân cho Luật Glass-Steagall, các ngân hàng ngày càng lộng hành. Từ năm 2010, Luật Dodd-Frank cũng đã đưa ra Quy tắc Volcker, hạn chế đáng kể một số hoạt động đầu cơ, thâu tóm của các ngân hàng. Tuy nhiên, giới quan sát và các học giả cho rằng vẫn cần phải có biện pháp cứng rắn hơn nữa.

Trên thực tế, việc hạn chế các ngân hàng tham gia bất cứ lĩnh vực nào, can thiệp vào bất cứ công ty nào mang một ý nghĩa rất sâu xa và tinh tế. Và các ngân hàng cần hiểu đâu là hoạt động cốt lõi, mang lại giá trị xã hội và hạn chế các hoạt động xây cầu của lãnh chúa, vốn chỉ làm tăng thêm chi phí cho xã hội.

Việc giám định lợi ích xã hội của mảng “hoạt động tài chính thay thế” còn ở giai đoạn đầu và thiếu nhiều ước tính quan trọng về mặt tác động tích cực. Thế nhưng, bất cứ hoạt động nào cũng có mặt tích cực và tiêu cực. Một khi tác động tiêu cực đã rõ ràng, việc giám sát và hạn chế là rất cần thiết.

(Theo Project Syndicate, bài viết của Giáo sư Robert J. Shiller, người vừa đoạt giải Nobel Kinh tế 2013)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhân tài Mỹ đổ xô vào hoạt động đầu cơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO