Nhà đầu tư châu Á cần lưu ý gì trong tuần này?

09/07/2012 08:51

Tình hình việc làm tháng 6 tại Mỹ, thất nghiệp cao kỷ lục tại châu Âu, kinh tế Trung Quốc giảm tốc mạnh... là những thông tin quan trọng trong tuần trước dự kiến sẽ tiếp tục tác động tới giao dịch hàng hóa tuần này.

Nhà đầu tư châu Á cần lưu ý gì trong tuần này?

Tình hình việc làm tháng 6 tại Mỹ, thất nghiệp cao kỷ lục tại châu Âu, kinh tế Trung Quốc giảm tốc mạnh... là những thông tin quan trọng trong tuần trước dự kiến sẽ tiếp tục tác động tới giao dịch hàng hóa tuần này. Theo dự báo, giá vàng có thể suy giảm, USD tăng giá, Euro suy yếu.

Báo cáo đáng thất vọng của Mỹ

Tình hình việc làm tháng 6 tại Mỹ, thất nghiệp cao kỷ lục tại châu Âu, kinh tế Trung Quốc giảm tốc mạnh hơn

Hôm 6/7, Chính phủ Mỹ đã công bố số liệu việc làm trong tháng 6. Cụ thể, trong tháng qua, khu vực phi nông nghiệp của nước này đã tạo ra được 80.000 việc làm mới. Đây là tháng thứ ba liên tiếp, số việc làm mới dưới mức 100.000. Và theo đó, tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế đầu tàu thế giới giữ nguyên ở mức 8,2%. Điều này đã khiến giới đầu tư thất vọng.

Tình hình thị trường lao động Mỹ khá biến động trong năm 2012 với mức tăng trưởng khả quan trong hai tháng đầu năm. Tuy nhiên, đà suy giảm trong các tháng sau đó đã khiến nhiều người lo lắng về tốc độ phục hồi đã chững lại, thậm chí là bị kéo lùi. Bản báo cáo tháng 6 đã khiến những lo lắng của giới đầu tư về tình hình kinh tế Mỹ trở nên trầm trọng hơn.

Theo giới phân tích, mỗi tháng, kinh tế Mỹ cần phải tạo ra ít nhất 125.000 việc làm để bắt kịp với tốc độ tăng trưởng dân số. Với mức tăng hiện nay, còn lâu thị trường lao động Mỹ mới có thể giải quyết dứt điểm hậu quả nghiêm trọng mà cuộc khủng hoảng tài chính để lại. Trong số 8,8 triệu việc làm đã bị mất, nền kinh tế chỉ mới tạo lại được 3,8 triệu việc làm.

Tuy nhiên, bản báo cáo việc làm tháng 6, theo giới phân tích, vẫn chưa đủ để khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ quyết định tung ra những hỗ trợ tài chính mới, chẳng hạn như một chương trình nới lỏng định lượng như mong đợi của giới đầu tư. Và trong bối cảnh kinh tế yếu kém lại thiếu điều kiện khuyến khích từ giới hoạch định chính sách, thì sự lo lắng càng tăng.

Hậu quả đầu tiên của báo cáo việc làm tháng 6 tại Mỹ là sự lao dốc của thị trường chứng khoán Mỹ cuối tuần trước. Phiên giao dịch hôm 6/7, tất cả 10 nhóm ngành của S&P 500 đều rớt giá, mạnh nhất là hai nhóm cổ phiếu công nghệ và công nghiệp với mức giảm lần lượt là 1,8% và 1,3%. Hai nhóm cổ phiếu này thường diễn biến theo kỳ vọng về nền kinh tế.

Thất nghiệp kỷ lục tại Eurozone

Cũng liên quan tới vấn đề việc làm, theo báo cáo mới nhất của Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp trung bình tại khu vực 17 nước sử dụng đồng tiền chung (Eurozone) tháng 5 đã tăng lên mức kỷ lục mới là 11,1%, cao hơn 0,1% của tháng 4. Thông tin này càng tạo thêm sức ép cho khu vực trong kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng và giảm nợ công.

Đây cũng là tỷ lệ cao nhất kể từ khi đồng Euro chính thức lưu hành năm 1999. Hiện đã có khoảng 17,6 triệu người không có việc làm, cao hơn 1,8 triệu so với năm ngoái. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế về châu Âu, tình trạng nghiêm trọng này có thể vẫn tiếp tục gia tăng trong những tháng tới, khi nền kinh tế của khu vực này đứng ở bờ vực của suy thoái.

Ông Howard Archer, chuyên gia kinh tế trưởng Công ty nghiên cứu thị trường IHS Global Insight, cho biết: “Tình hình vô cùng ảm đạm của vấn đề nợ công trong quý 2 và khả năng tiếp tục xấu đi trong quý 3 cùng với niềm tin ở mức rất thấp vào thị trường khu vực, là cơ sở để dự đoán rằng tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng cao hơn trong những tháng còn lại của năm nay”.

Tình trạng báo động về thất nghiệp diễn ra trong hơn một năm qua. Khủng hoảng nợ công cộng với tương lai kém sáng của đồng Euro đã kìm hãm sự phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp liên tục sa thải người lao động hay ngừng tuyển lao động mới. Nhiều chính phủ phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” cùng với việc cắt giảm việc làm trong khu vực công.

Phát biểu tại diễn đàn kinh tế ở Tokyo cuối tuần trước, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Largade đã bày tỏ sự lo ngại về kinh tế thế giới nói chung đang trở nên đáng lo ngại hơn. Cũng trong bài phát biểu này, bà Lagarde cho rằng, châu Âu vẫn chưa thể thoát khỏi được giai đoạn khó khăn nhất và cần dốc sức cải thiện thị trường lao động trong khu vực.

Kinh tế Trung Quốc tồi tệ hơn

Hôm 5/7, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã bất ngờ hạ lãi suất huy động bớt 0,25% xuống 3% và lãi suất cho vay kỳ hạn một năm bớt 0,31% xuống 6%. Quyết định có hiệu lực từ 6/7. Ngoài ra, PBoC cũng thông báo nới lỏng các quy định cho vay khi cho phép lãi suất cho vay ngân hàng giảm xuống còn 70% lãi suất cơ bản, thấp hơn mức 80% hiện tại.

Đây là lần thứ hai Trung Quốc tiến hành hạ lãi suất huy động và cho vay kỳ hạn trong vòng chưa đầy một tháng qua. Điều này cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trở nên kém sắc, thậm chí tồi tệ hơn rất nhiều so với những dự báo trước đó của giới chuyên gia phân tích và Bắc Kinh cũng đang ngày một lo lắng hơn về triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới.

“Lần hạ lãi suất này của Trung Quốc diễn ra sớm hơn dự báo, cho dù chúng tôi đã trù tính là PBoC sẽ còn hạ thêm lãi suất trong quý 3. Động thái này có thể báo trước cho một loạt thống kê tăng trưởng xấu hơn dự kiến mà Trung Quốc công bố vào tuần tới”, chuyên gia kinh tế Qu Hongbin và Sun Junwei thuộc ngân hàng HSBC có trụ sở tại Hồng Kông nhận định.

Việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc quyết định đưa ra động thái trên là xuất phát từ việc nền kinh tế này đã đón nhận một loạt số liệu thất vọng, dẫn đến lo ngại về tình trạng tăng trưởng ngày một giảm tốc mạnh hơn. Theo dự kiến, Trung Quốc sẽ công bố số liệu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 2 và một loạt chỉ báo kinh tế tháng 6 trong tuần này.

Kết quả cuộc thăm dò được hãng tin Reuters công bố ngày 5/7 cho thấy, GDP quý 2/2012 của Trung Quốc chỉ tăng trưởng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 8,1% trong quý I. Nếu con số này là xác thực thì đây sẽ là mức tăng yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Đồng thời đánh dấu quý thứ 6 liên tiếp, tăng trưởng GDP suy yếu.

Giá vàng tuần này sẽ đổ dốc

Xét từ các yếu tố kinh tế bất lợi trên đây, 55% ý kiến trong cuộc khảo sát giá vàng tuần này của Kitco cho rằng giá vàng sẽ giảm, trong khi có 35% dự báo tăng và 10% giữ ý kiến trung lập. Cuộc khảo sát được thực hiện với 22 người là đại diện các công ty kinh doanh vàng, ngân hàng đầu tư, nhà giao dịch kỳ hạn, nhà đầu tư và những chuyên gia phân tích kỹ thuật.

Về phía ý kiến cho rằng giá vàng sẽ giảm, theo các chuyên gia phân tích, sự đi xuống này là do đồng USD tăng giá mạnh lên. Cuối tuần trước, tỷ giá USD/Euro đã chạm đỉnh hai năm. Thêm vào đó, sự lao dốc của các thị trường chứng khoán sẽ càng củng cố hơn vị trí của đồng USD, và từ đó khiến giá giao dịch trên thị trường kim loại quý quốc tế bị trượt sâu hơn.

Spencer Patton, người sáng lập hãng đầu tư Steel Vine, cho rằng "trong tuần này, thị trường chứng khoán sẽ còn tiếp tục đi xuống. Khi nhà đầu tư ồ ạt bán tháo, lực mua của vàng cũng sẽ giảm do chứng khoán và kim loại quý đang ngày càng có quan hệ tỷ lệ thuận”. Còn theo chuyên gia Frank Lesh, các nhà đầu tư vẫn ưu ái đồng USD hơn đồng tiền chung châu Âu.

Trong khi, những người dự đoán giá vàng tăng vẫn trông đợi vào khả năng gói kích thích kinh tế của các ngân hàng trung ương thế giới, bởi kinh tế toàn cầu vẫn bất ổn và môi trường lãi suất thấp vẫn còn đó nên sớm muộn gì giá vàng sẽ tăng trở lại. Thêm vào đó, nhu cầu theo mùa vụ đối với kim loại quý từ đây đến cuối năm sẽ khởi sắc nên giá vàng có thể lên cao.

Giá dầu có thể xuống sâu hơn

Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 8 đã trượt giảm mạnh tới 2,77 USD, tương ứng 3,2%, xuống còn 84,45 USD/thùng trên sàn trao đổi hàng hóa New York. Đây là mức giảm phần trăm theo ngày lớn nhất kể từ phiên 21/6. Tính chung cả tuần, giá dầu giảm 0,6%. Đây là tuần giảm giá thứ 8 trong vòng 10 tuần qua của dầu thô.

Như vậy, kể từ cuối tuần trước tới nay, giá dầu thô thế giới đã có ít nhất 4 phiên biến động với mức tăng giảm đều rất lớn. Việc giá dầu cuối tuần trước đi xuống xuất phát từ tình hình việc làm ảm đạm ở Mỹ và châu Âu. Lâu nay, thị trường này vốn chịu áp lực từ kinh tế toàn cầu giảm tốc. Do đó, báo cáo việc làm ở Mỹ, châu Âu không khác gì là đổ thêm dầu vào lửa.

Một yếu tố khác cũng khiến giá dầu thô cuối tuần giảm mạnh hơn là việc đồng USD bất ngờ vọt lên cao nhất trong 2 năm so với Euro. Quý 2 vừa qua, giá dầu thế giới đã mất hơn 20% và tính cùng mức tăng giảm tuần qua, giá dầu thế giới đã mất gần 20% trong nửa đầu năm nay. Nếu tình hình kinh tế hiện nay trở nên trầm trọng hơn, khả năng dầu thô còn xuống sâu hơn.

Theo chuyên gia kinh tế huyền thoại Jim Rogers, trong bối cảnh kinh tế địa chính trị hiện nay thì bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Và nếu kịch bản năm 2008 lặp lại thì giá dầu hoàn toàn có thể xuống 40 USD/thùng, thậm chí sâu hơn. Trong lịch sử, giá dầu đã đi từ mức đỉnh 147 USD/thùng xuống chỉ còn quanh mức 40 USD/thùng trong vòng 4 tháng cuối năm 2008.

Jim Rogers cho rằng, các đòn trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu đối với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran nhằm ngăn nước này phát triển vũ khí hạt nhân sẽ không có mấy tác động tới giá dầu, vì những phản ứng này đã có thời gian khá dài trước đó để kiểm chứng. Tuy nhiên, nếu một đòn tấn công quân sự nhằm vào Tehran được tiến hành, giá dầu sẽ phản ứng sốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhà đầu tư châu Á cần lưu ý gì trong tuần này?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO