Nghịch lý trong chuỗi cung ứng toàn cầu

THỤY KHA| 29/03/2012 07:09

iPhone rồi iPad và nhiều sản phẩm công nghệ cao khác đều được đóng gói với hàng chữ “made in China”, dẫn đến nghịch lý trong chuỗi cung ứng toàn cầu diễn ra ở Trung Quốc.

Nghịch lý trong chuỗi cung ứng toàn cầu

iPhone rồi iPad và nhiều sản phẩm công nghệ cao khác đều được đóng gói với hàng chữ “made in China”, dẫn đến nghịch lý trong chuỗi cung ứng toàn cầu diễn ra ở Trung Quốc (TQ).

Sinh viên Trung Quốc phản đối chính sách lao động tại nhà máy của Apple tại Trung Quốc quá khắc nghiệt

Miếng bánh nhỏ nhất



Sự chênh lệch về chi phí sản xuất ở Mỹ và TQ là động cơ chủ yếu khiến Apple lựa chọn TQ như là một xưởng sản xuất của mình. Để sản xuất một chiếc iPhone tại Mỹ sẽ phải mất 65USD tiền lương, nhưng tại TQ chỉ còn khoảng 8USD.

Con số này là khá lớn nếu như bạn biết rằng trung bình mỗi chiếc iPhone có giá 600USD được bán ra, Apple sẽ kiếm được 250USD. iPhone rồi đến new iPad đều được sản xuất phần lớn tại TQ, hay nói cách khác, TQ hoàn toàn có thể làm ra những sản phẩm công nghệ cao như iPad.

Nhưng năng lực sản xuất của TQ lại càng thể hiện rõ một trong những nghịch lý của ngành công nghiệp hiện đại: Vô số các công ty đa quốc gia đã xây dựng nên những “đế chế toàn cầu” bằng cách mở rộng sản xuất tại TQ.

Thế nhưng, dù là chuỗi cung ứng, lắp ráp trong phần lớn các công đoạn sản xuất ra sản phẩm đó, các doanh nghiệp TQ lại chỉ được định vị là những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm kém chất lượng với giá rẻ mạt.

“Nghịch lý này xuất phát từ đặc trưng riêng trong quá trình sản xuất mà TQ vẫn chưa thể bắt kịp được, đó là chất lượng”, ông Michael Clendenin, Giám đốc Điều hành của Công ty RedTech Advisors, Thượng Hải, tư vấn và nghiên cứu công nghệ tiêu dùng, giải thích.

Liên tiếp từ năm 2007 đến nay, thế giới chứng kiến các vụ khủng hoảng liên quan đến chất lượng và an toàn của sản phẩm “made in China”. Từ thực phẩm, đồ chơi đến nước uống hay sữa sản xuất tại TQ đều có những vấn đề nghiêm trọng về mức độ an toàn.

“Nhiều nhà sản xuất không quan tâm đến chất lượng sản phẩm và xây dựng danh tiếng lâu dài. Một lý do là thị trường bất động sản đang bùng nổ tại đây. Sức hấp dẫn của thị trường này khiến một số nhà sản xuất cho rằng họ chỉ sản xuất đủ tiền để nhanh chóng nhảy vào thị trường bất động sản nhiều lợi nhuận hơn”, Thomas Isaac, Giám đốc Thương mại của Công ty TNS thị trường toàn cầu, nhận định.

Trong khi đó, số lượng lớn các công ty nhỏ rải rác tại đại lục khiến cho việc kiểm soát mạng lưới chuỗi cung ứng phức tạp hơn nhiều.

GS. Suzuki, tại Đại học Hokkaido ở Nhật Bản, chỉ ra rằng: “TQ tập trung phát triển công nghệ cho mục đích quân sự, chứ không phải thương mại là một lý do quan trọng khiến ngành công nghiệp sản xuất của TQ không phát triển. Trong khi chính phủ đã có những bước tiến rất lớn trong công nghệ không gian và các ứng dụng quân sự khác, thì công nghệ thương mại không nhận được ưu tiên cần có”.

Ông Suzuki phân tích thêm: “Các công ty TQ không muốn đầu tư vào các công nghệ không chắc chắn. Nếu vậy, sẽ ít rủi ro hơn nếu họ tận dụng sao chép công nghệ”.

Công nghiệp ô tô của TQ là một ví dụ. Mặc dù nhiều thập kỷ qua, Bắc Kinh có nhiều chính sách hỗ trợ các công ty trong nước, nhưng tất cả các thương hiệu ô tô bán chạy hàng đầu ở TQ là của nước ngoài.

Chẳng hạn, Volkswagen chiếm 15,2% thị phần, GM ở mức 8,2% và Nissan 5,6%, tiếp theo là Toyota, Hyundai và Honda. Các nhà sản xuất địa phương lớn nhất là BYD, Chery và Geely chiếm thị phần nhỏ nhoi còn lại.

“Cận thị” triết lý kinh doanh

Theo quan điểm từ phía TQ, ít nhất trong ngắn hạn, vấn đề hàng chất lượng kém là tất yếu khi sản xuất tăng trưởng quá nhanh. Có thể cho rằng TQ sẽ trải qua một quá trình cải tiến tương tự về chất lượng giống như Nhật thời kỳ hậu chiến hay sự bùng nổ của lĩnh vực sản xuất Mỹ thế kỷ XIX – có điều bây giờ bối cảnh mọi chuyện đã khác trước rất nhiều, hàng TQ đặt trong vòng kiểm soát chặt chẽ hơn.

Nhiều chuyên gia rút ra sự tương đồng giữa TQ ngày nay và các nước khác đã từng xuất phát từ nền sản xuất chất lượng thấp, gồm Nhật Bản trước những năm 1960. Tuy nhiên, các nhà sản xuất Nhật Bản không bao giờ mở rộng sản xuất bằng hình thức làm thuê hay gia công cho các công ty khác.

Thay vào đó, các doanh nghiệp nước này chủ động làm chủ nhiều công nghệ đi đầu trong ngành điện tử, ô tô, hóa chất và ngành công nghiệp khác có giá trị cao.

“Các doanh nghiệp TQ đã đánh đổi tiền mặt trong ngắn hạn hơn là cho một tầm nhìn dài hơn của thương hiệu. Ngành công nghiệp nước này bị “cận thị” trong triết lý kinh doanh”, ông Thomas Isaac nhận định.

Có lẽ một so sánh tốt hơn là Đài Loan. Không giống như ở Nhật Bản, các công ty Đài Loan nhận nhiều hợp đồng gia công OEM, nhưng gần đây, họ cũng đã được cải thiện chất lượng sản phẩm và công nghệ để xây dựng được những thương hiệu lớn như HTC, Acer và ASUS.

“Tại Đài Loan, các doanh nghiệp đều nhận định rằng thị trường nội địa quá nhỏ bé, nên luôn tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu”, ông Chi-Jen Yang, một nhà phân tích chính sách công nghệ tại Trung tâm Về biến đổi toàn cầu tại Đại học Duke, cho biết.

Trái lại, nhiều doanh nghiệp đại lục vẫn chỉ đặt mục tiêu phục vụ thị trường nội địa với quan điểm “1,3 tỷ dân là quá đủ”.

Nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho thấy, TQ thực tế không đóng góp nhiều vào sản xuất iPhone. Lao động TQ chủ yếu lắp ráp linh kiện iPhone, iPad thành sản phẩm tại Công ty Hon Hai Precision trước khi chuyển về Mỹ.

Theo ADB, hoạt động lắp ráp linh kiện tại TQ chỉ đóng góp khoảng 3%, tương đương 6USD, vào giá trị cuối cùng của chiếc iPhone.

Theo tờ Korea Daily trích dẫn từ các nguồn tin cho biết, công nhân của các nhà máy đang sản xuất iPad ở TQ đều kiếm được khoảng 8USD cho mỗi máy tính bảng iPad lắp ráp hoàn chỉnh, tương đương khoảng 1,6% chi phí giá bán iPad rẻ nhất.

Con số này thấp hơn nhiều so với các công nhân của các nhà máy ở Hàn Quốc vốn nhận được khoảng 34USD cho mỗi sản phẩm lắp ráp xong xuôi, chiếm 6,8% giá bán. Phần lớn hoạt động sản xuất iPhone không diễn ra tại TQ hay bất kỳ nước có chi phí lao động thấp nào khác.

Sạc pin, thấu kính máy ảnh đều được sản xuất tại Đài Loan. Màn hình đến từ Nhật, chip xử lý video được sản xuất tại Hàn Quốc và nhiều nhà máy sản xuất chip ở Đài Loan. Như vậy, tính tổng, khoảng 9 nước sản xuất linh kiện để chuyển đến lắp đặt cuối cùng tại TQ.

“Kỹ sư TQ và các công ty nội địa có khả năng làm ra các sản phẩm chất lượng cao, nhưng thị trường sẽ thưởng cho họ cái gì? Tại sao phải lãng phí 5% hoặc 10% ngân sách R&D vào việc tạo ra sản phẩm mà chỉ một vài người sẽ mua? Tôi thà làm sản phẩm thấp hơn với giá cả phải chăng cho nhiều người”, chuyên gia Clendenin của RedTech Advisors đặt giả thuyết về tư duy của giới doanh nghiệp đại lục.

“Với một thị trường khoảng 800 triệu người có thu nhập thấp, người tiêu dùng đại lục vẫn chấp nhận những hàng hóa chất lượng kém với giá thấp. Tuy nhiên, trong khoảng 10 hoặc 20 năm tới, người TQ sẽ không mua hàng kém chất lượng ngay cả khi giá thấp”, GS. Suzuki dự báo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghịch lý trong chuỗi cung ứng toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO