Nghề mua bán "tóc thánh" ở Ấn Độ

29/05/2017 06:23

Các nhà buôn thu gom những mái tóc dày, mượt của phụ nữ Ấn Độ hiến tặng trong nghi lễ ở đền thờ rồi bán giá gấp hàng chục nghìn lần sang nước ngoài kiếm lời.

Nghề mua bán

Các nhà buôn thu gom những mái tóc dày, mượt của phụ nữ Ấn Độ hiến tặng trong nghi lễ ở đền thờ rồi bán giá gấp hàng chục nghìn lần sang nước ngoài kiếm lời. 

Nhiều phụ nữ Anh và Mỹ sẵn sàng trả gần 1.500 USD để sở hữu bộ tóc nối được làm từ mái tóc thật của các cô gái Ấn Độ. Để trở thành món hàng giá cao này, những bộ tóc đó được cắt trong đền thờ, trải qua hành trình thu thập, xử lý công phu trước khi được bày bán đẹp đẽ trên các gian hàng, theo Mirror.

Tóc phụ nữ Ấn Độ thường được đánh giá cao bởi chúng được nuôi lâu, dày mượt, ít bị tác động của hóa chất nên hàm lượng keratin cao khiến tóc thêm chắc khỏe. Những mái tóc này được gọi là "tóc trinh nữ", thậm chí được mệnh danh là "vàng đen" bởi giá thành đắt đỏ và chất lượng vượt trội.

Rất nhiều bộ tóc có nguồn gốc từ "nghi lễ cạo đầu" được tổ chức hàng năm trước các đền thờ lớn ở Ấn Độ, nơi có khoảng 50.000 phụ nữ hành hương tình nguyện "hiến tóc cho thần Vishnu".

Tại ngôi đền Yadagirigutta ở miền Nam Ấn Độ, nhiều phụ nữ nghèo kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt cạo đầu. Người ta bọc tóc trong bột gỗ đàn hương để khử trùng và sử dụng dao lam để cạo.

Những phụ nữ Hindu khi hiến tặng tóc đều biết nó sẽ được bán đi. Lavanya Kakala, 28 tuổi, cho biết cô hiến tóc cho thần Vishnu mà không cần được đền đáp.

"Tôi làm điều này vì tôi muốn cảm ơn thánh thần. Tôi không bận tâm sau đó người ta sẽ làm gì với tóc mình. Nếu có người muốn dùng tóc của tôi để trông đẹp hơn thì vẫn tốt hơn là quẳng nó vào thùng rác".

Emma Tarlo, giáo sư nhân chủng học tại tổ chức giáo dục Goldsmiths thuộc Đại học London, tác giả cuốn sách Tóc rối: Bí mật của tóc đã tới thăm các ngôi đền Ấn Độ và trò chuyện cùng những người phụ nữ hiến tóc.

"Họ vượt đường xa để thực hiện lời thề và rất hạnh phúc được làm điều đó. Họ cho rằng tóc là vẻ đẹp của phụ nữ, khi hiến tặng nó cho thần, vẻ đẹp của họ cũng sẽ tới với thần", bà nói.

>>Quan niệm về thành công của "tỷ phú tóc"

Tuy nhiên nghi lễ cạo đầu cũng gây rất nhiều tranh cãi bởi những bê bối đằng sau nó. Từ những mái tóc được hiến tặng này, người ta sẽ tẩy trắng và hô biến chúng thành tóc vàng, thứ được bán chạy nhất trong các salon tóc tại Anh, với giá cao ngất ngưởng.

Lợi nhuận từ việc bán tóc thường phải tái đầu tư trở lại cộng đồng, tuy nhiên rất khó có thể kiểm soát khoản tiền lớn này. Lợi nhuận lớn nên những kẻ buôn tóc không từ thủ đoạn để có được thứ hàng "vàng đen" này.

Giới buôn tóc thường gạ gẫm các ông chồng, hứa hẹn trả mỗi người khoảng 7 USD để họ bán tóc vợ, hoặc dùng đồ chơi lừa trẻ em nghèo trong khu ổ chuột để cắt tóc. Thậm chí có người còn bị tấn công, cạo đầu cướp tóc.

Sau khi thu thập, tóc sẽ được chuyển tới nhà máy để xử lý. Đầu tiên, người ta gỡ tóc rối bằng tay một cách cẩn thận, chậm rãi. Công việc này rất dễ gây đau lưng và một người chỉ có thể gỡ khoảng 150 gram tóc mỗi ngày.

"Mắt tôi mờ rồi, nhìn không rõ, nhưng việc này chỉ cần nhẫn nại thôi", một cụ bà Trung Quốc 83 tuổi làm công việc gỡ tóc rối cho một nhà máy nói.

Sau đó người ta dùng lược chải liên tục để làm cho tóc mượt hơn rồi chia tóc thành từng sợi theo độ dài khác nhau và chải một lần nữa rồi buộc lại thành bó.

Tóc chất lượng cao được đặt trong một bồn thẩm thấu để từ từ loại bỏ các sắc tố đen mà không làm hỏng lớp biểu bì. Tóc kém hơn sẽ được ngâm trong axit để loại bỏ vi trùng.

Đối với tóc uốn, người ta sấy tóc rồi quấn quanh các que chuyên dụng và cho vào một cái lò lớn ở nhiệt độ 240 độ C.

Để cung cấp cho thị trường dễ tính hơn, tóc đôi khi được trộn với bờm ngựa hoặc các sợi bào từ da dê, thậm chí đôi khi người ta trộn cả tóc tổng hợp làm từ sợi acrylic nhưng vẫn quảng cáo là "tóc thật".

>>Michelle Phan: Từ làm đẹp đến làm giàu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghề mua bán "tóc thánh" ở Ấn Độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO