Na Uy rung chuyển vì khủng bố liên tiếp

23/07/2011 09:48

Một vụ nổ lớn tại trụ sở chính phủ Na Uy ở Oslo chiều 22/7 khiến 7 người chết và gây hư hại nặng cho văn phòng thủ tướng. Ngay sau đó là vụ xả súng tại trại thanh niên của đảng Lao động cầm quyền, làm 10 người thiệt mạng.

Na Uy rung chuyển vì khủng bố liên tiếp

Một vụ nổ lớn tại trụ sở chính phủ Na Uy ở Oslo chiều 22/7 khiến 7 người chết và gây hư hại nặng cho văn phòng thủ tướng. Ngay sau đó là vụ xả súng tại trại thanh niên của đảng Lao động cầm quyền, làm 10 người thiệt mạng.

Toà nhà chính phủ Na Uy ở Oslo sau vụ đánh bom. Ảnh: AFP.

Tất cả các cửa kính trong văn phòng Thủ tướng Nauy Jens Stoltenberg ở thủ đô Oslo đều bị phá vỡ, nhưng ông may mắn bình an vô sự sau vụ đánh bom. Cố vấn cao cấp cho thủ tướng Na Uy cho biết thêm, ông Stoltenberg đang làm việc tại nhà vào thời điểm xảy ra vụ nổ nên không có mặt tại văn phòng của mình. 

Ngoài 7 người thiệt mạng còn có hàng chục người bị thương trong vụ đánh bom. Hiện chưa có tổ chức nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công xảy ra lúc 15h30' giờ Oslo (20h30' giờ Hà Nội) này. Kính vỡ, gạch đá và tài liệu phủ kín trên các con phố xung quanh những toà nhà bị hư hại do vụ nổ, trong khi khói bốc cao từ đây suốt nhiều giờ.

Nhân chứng Oistein Mjarum, giám đốc truyền thông hội Chữ thập Đỏ Na Uy cho biết, văn phòng cơ quan này nằm ngay gần hiện trường vụ nổ. "Đây là khu vực rất đông đúc vào buổi chiều thứ sáu và có rất nhiều người trên phố, đồng thời có nhiều người đang làm việc trong các toà nhà bị cháy", BBC dẫn lời ông Mjarum.

Những người bị thương đang được cấp cứu ngay trên phố. Ảnh: AP.

Theo nhân chứng khác có tên Ole Tommy Pedersen, ông đang đứng cạnh bến xe buýt thì xảy ra vụ nổ cách đó khoảng 100 mét. "Tôi nhìn thấy những người bị thương được đưa ra khỏi toà nhà vài phút sau vụ nổ. Có đám khói lớn bốc ra từ các tầng thấp của toà nhà", Pedersen kể lại.

Phóng viên kênh truyền hình NRK Ingunn Andersen thì mô tả, ngoài toà nhà văn phòng thủ tướng, trụ sở Bộ Dầu mỏ và Năng lượng còn có trụ sở tờ báo khổ nhỏ VG nằm gần đó cũng bị hư hại nặng. "Tôi thấy các cửa sổ trong trụ sở báo VG và toà nhà chính phủ bị phá vỡ. Một số người toàn thân dính đầy máu nằm ngay trên phố. Tình hình tại đây cực kỳ hỗn loạn", AP dẫn lời Andersen.

Một chiếc xe bị vụ nổ xé nát và lật nhào. Ảnh: AP.

Vài giờ sau vụ đánh bom ở trung tâm Oslo là vụ xả súng đẫm máu tại trại thanh niên thuộc đảng Lao động cầm quyền đặt trên đảo nhỏ Utoeya, phía tây thủ đô Na Uy. Nghi phạm gây ra vụ khủng bố bị bắt tại chỗ và giới chức xác nhận đây là một công dân Na Uy. Các nhân chứng mô tả nghi phạm 32 tuổi có mái tóc vàng, dáng cao lớn và ăn mặc giả danh một sĩ quan cảnh sát.

Tay súng trang bị súng ngắn, súng máy và một khẩu shotgun khi đi tấn công. "Hắn giả làm một cảnh sát rồi đi bằng phà từ đất liền ra hòn đảo và nói rằng tới đây để điều tra những manh mối liên quan đến các vụ nổ bom. Anh ta yêu cầu mọi người tập hợp thành một vòng tròn rồi bắt đầu nổ súng. Những thanh niên sợ hãi bỏ chạy vào rừng và nhảy xuống nước để thoát thân", nhân chứng Ole Torp là phóng viên truyền hình kể với BBC. 

Nhân viên cứu hộ đang ứng cứu các nạn nhân vụ xả súng trên đảo Utoeya. Ảnh: AFP

Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg phát biểu trên truyền hình quốc gia qua điện thoại ngay sau đó và cho rằng các vụ tấn công là những hành động "đẫm máu và hèn nhát". Ông thông báo tất cả các bộ trưởng trong nội các Na Uy đều an toàn, đồng thời tiết lộ việc cảnh sát đề nghị ông không cung cấp thông tin về nơi mình đang có mặt để đảm bảo an toàn.

Người đứng đầu chính phủ Na Uy nhất mạnh: "Chúng ta là một đất nước nhỏ và đáng tự hào. Không ai có thể đánh bom để buộc chúng ta phải im lặng, không ai có thể bắn giết để bắt chúng ta phải im lặng. Nền dân chủ và những tư tưởng của Na Uy sẽ không thể bị phá hoại".

Cảnh sát Na Uy đang đưa một người bị thương mình bê bết máu ra khỏi hiện trường vụ đánh bom. Ảnh: AP.

Hai vụ khủng bố nói trên được coi là có liên quan đến nhau vì Thủ tướng Stoltenberg có kế hoạch tới thăm trại thanh niên trong ngày hôm nay. Ngoại trưởng Na Uy Jonas Gahr Store xác nhận thông tin này và nói thêm ông Stoltenberg dự định tới thăm để tôn vinh những thanh niên đang tham gia hoạt động tại trại.

Truyền hình quốc gia Na Uy NRK cho biết, tất cả các ngả đường dẫn vào trung tâm thành phố Oslo lập tức bị lực lượng an ninh phong toả, trong khi nhân viên cứu hộ nhanh chóng sơ tán mọi người khỏi khu vực xảy ra đánh bom gần trụ sở chính phủ nước này vì lo ngại sẽ có các vụ đánh bom tiếp theo.

Những nơi chịu thiệt hại nặng nhất trong vụ nổ ở trung tâm Oslo gồm các toà nhà văn phòng chính phủ, trụ sở Bộ Dầu mỏ và Năng lượng và trụ sở báo khổ nhỏ VG. Ảnh: Microsoft.

Giới chức Oslo kêu gọi mọi người ở yên trong nhà và tránh xa các khu vực trung tâm thành phố sau vụ tấn công. Hai vụ khủng bố này gây chấn động đối với người dân đất nước Bắc Âu vốn nổi tiếng yên bình. Trước đây Na Uy chưa từng chứng kiến vụ khủng bố nào tương tự nên bạo lực đẫm máu liên tiếp trong ngày 22/7 đã khiến mọi người kinh hãi.

Vụ tấn công kép xảy ra ngay sau khi Na Uy vừa phá một âm mưu khủng bố liên quan đến các phần tử khủng bố trong nước và hai nghi phạm bị bắt. Trong khi đó, chủ nghĩa khủng bố cũng đang là mối lo ngại của nước láng giềng Đan Mạch kể từ sau vụ tranh biếm hoạ Nhà tiên tri Muhammad gây phẫn nộ trong thế giới đạo Hồi, 6 năm trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Na Uy rung chuyển vì khủng bố liên tiếp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO