Myanmar từng bước thay đổi

02/10/2011 02:40

Ngày 30/9, Tổng thống Myanmar Thein Sein đã quyết định ngừng công trình xây dựng đập thủy điện khổng lồ Myitsone do Trung Quốc đầu tư ở phía bắc nước này, một động thái đầy bất ngờ sau sáu tháng ông nhậm chức tổng thống.

Myanmar từng bước thay đổi

Ngày 30/9, Tổng thống Myanmar Thein Sein đã quyết định ngừng công trình xây dựng đập thủy điện khổng lồ Myitsone do Trung Quốc đầu tư ở phía bắc nước này, một động thái đầy bất ngờ sau sáu tháng ông nhậm chức tổng thống.

Trong một quán cà phê Internet ở Yangon. Ngày 29/9, chính quyền Myanmar bỏ việc chặn một số trang web thông tin quốc tế cũng như trang YouTube - Ảnh: Reuters

Tổng thống Thein Sein thông báo trước quốc hội là cần dừng dự án đập thủy điện trị giá 3,6 tỉ USD do Trung Quốc đầu tư ở bang Kachin đến khi kết thúc nhiệm kỳ của chính phủ hiện hành.

“Tổng thống đã quyết định ngừng dự án xây đập này vì chính quyền này do dân bầu ra, nên chính quyền đó phải tôn trọng ý nguyện của người dân” - ông Thein Sein giải thích và cho biết sẽ trao đổi lại với Trung Quốc sau.

Tín hiệu tích cực cho mở cửa

Quyết định đầy bất ngờ này đánh dấu một bước quay ngoắt của Chính phủ Myanmar. Các phương tiện truyền thông Myanmar vào đầu tháng 9 còn dẫn lời Bộ trưởng năng lượng Zaw Min khẳng định dự án đập thủy điện Myitsone sẽ vẫn được tiếp tục tiến hành bất chấp phản đối của người dân.

Các nhà hoạt động môi trường từ lâu đã lên tiếng chỉ trích dự án này bởi theo họ, nó sẽ gây ngập hàng chục ngôi làng với diện tích bằng một nước Singapore, buộc ít nhất 10.000 người dân phải di dời cũng như gây nên những thiệt hại không sao sửa chữa nổi cho một vùng đa dạng sinh học.

Lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi đã yêu cầu chính quyền xem xét lại dự án này. “Có một điều gì đó khiến hết thảy chúng ta lo ngại vì sông Irrawaddy rất quan trọng đối với toàn bộ đất nước này cả về kinh tế, địa lý lẫn môi trường và cảm xúc - bà nói với AFP - Tôi nghĩ đã có một nhận thức tăng lên về nhu cầu cần phải bảo vệ sông Irrawaddy”.

Thêm một tín hiệu tích cực của Myanmar. Như Reuters cho biết, ngày 29/9 tại Washington, Ngoại trưởng Myanmar Wunna Maung Lwin đã có cuộc gặp gỡ lịch sử với ông Derek Mitchell, điều phối viên đặc trách về vấn đề Myanmar, trợ lý ngoại trưởng Mỹ về Đông Á Kurt Campbell và chuyên gia nhân quyền Michael Posner. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner mô tả cuộc gặp là tín hiệu tích cực sau gần 24 năm (từ năm 1988) bất đồng trong quan hệ Myanmar - Mỹ về nhân quyền và nhiều vấn đề khác. “Họ đã gặp nhau sau những nỗ lực của Mỹ và đoàn đại biểu của Myanmar tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cuối tuần qua, cũng như chuyến thăm Myanmar của đại sứ Mitchell hồi đầu tháng 9/2011” - ông Toner nói.

Ông Toner nhấn mạnh dưới thời Tổng thống Barack Obama, Washington vẫn theo đuổi chính sách “nước đôi” vừa can thiệp ngoại giao và trừng phạt Myanmar. Song “chúng tôi hoan nghênh những phát triển gần đây ở Myanmar, chẳng hạn chính phủ đã chịu đối thoại với bà Aung San Suu Kyi và Mỹ đang tiếp tục khuyến khích xúc tiến các vấn đề trọng tâm khác” - ông Toner nói.

Tổ chức Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế mới đây đã khuyến cáo các nước phương Tây nên nhanh chóng tiếp cận Myanmar để thúc đẩy những cải cách mà chính phủ mới ở nước này đang xúc tiến. AFP dẫn lời giám đốc chương trình châu Á của tổ chức này Robert Templer cho rằng Tổng thống Myanmar Thein Sein đang thực hiện nhiều biện pháp cải thiện quan hệ với các nhóm sắc tộc và đối lập ở nước này

“Những nỗ lực chân thành”

Cải cách tài chính

Từ tháng 10/2011, Myanmar sẽ cho phép sáu ngân hàng tư nhân mở quầy đổi ngoại tệ, như một bước đầu tiên trong cải cách chính sách tiền tệ và ngăn chặn nạn đổi tiền trái phép ở nước này. Du khách đến Myanmar sẽ dễ dàng hơn khi đổi các ngoại tệ như USD, euro theo tỉ giá của thị trường ngoại tệ quốc tế và loại trừ nạn chợ đen đang tồn tại.

Theo ông Robert Templer, phương Tây không nên tiếp tục giữ thái độ hoài nghi và không can dự với Myanmar, mà cần nắm lấy cơ hội mới để thúc đẩy hơn các tín hiệu tích cực ở nước này. Ông kêu gọi phương Tây cần sớm bãi bỏ cấm vận và khuyến khích các thể chế tài chính quốc tế có mặt ở Myanmar.

Sau nửa thế kỷ dưới chế độ quân sự cầm quyền, Myanmar xem ra đang bước vào một thời kỳ hứa hẹn những cuộc cải cách. Báo The Irrawaddy ghi nhận mỗi ngày qua lại có thêm tín hiệu mở cửa của Myanmar: sau chuyến đi chính trị của bà Aung San Suu Kyi ở tỉnh, chuyến thăm của bà ở thủ đô Naypydiaw, cuộc gặp gỡ của bà với Tổng thống Thein Sein, việc giảm bớt kiểm duyệt, thành lập một ủy ban về quyền con người, việc trả tự do cho những nhân vật đối lập đầu tiên, nay đến việc mở cửa Internet...

Trả lời phỏng vấn báo chí đầu tiên với AFP ngày 13/9 tại Yangon, bà Aung San Suu Kyi, nhân vật từng được trao giải Nobel hòa bình, cho rằng những nỗ lực của Tổng thống Thein Sein là chân thành, dù chưa thể dự đoán sự thành công của ông về lâu dài ra sao. “Đã có những thay đổi, nhưng tôi không nghĩ tất cả chúng tôi đã được tự do hay đã được tự do hoàn toàn. Vẫn còn một con đường dài phải đi, nhưng tôi cho rằng đã có những diễn biến tích cực” - bà khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Myanmar từng bước thay đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO