![]() |
Hai nữ nhà báo Mỹ bị giam cầm ở Bắc Triều Tiên cuối cùng đã đoàn tụ gia đình hôm 5/8. Công đầu được ghi cho “hiệp sĩ” Bill Clinton, người thân chinh bay đến Bình Nhưỡng để đàm phán. Đến bây giờ, mới có tin tiết lộ cho biết khoảng giữa tháng 7 vừa rồi, chủ tịch Kim Jong-il của Bắc Triều Tiên đánh tiếng: “Nếu muốn hai nữ nhà báo được tự do, hãy gửi Bill Clinton đến đây”
Sau 20 tiếng lưu lại trên bán đảo Triều Tiên, cựu tổng thống Bill Clinton đã trở về California, cùng với hai nữ nhà báo. Khi máy bay đáp xuống sân bay Bob Hope, ở Burbank, bang California, cô Euna Lee xuống máy bay trước, nhào đến ôm chầm lấy chồng và con gái Hana. Cô Laura Ling xuống sau cũng giang tay ôm lấy người thân. Sau đó, cựu tổng thống Clinton mới từ từ ra khỏi khoang máy bay, với mái đầu bạc trắng, như vị cứu tinh của hai nữ nhà báo.
Sứ mạng thành công của “hiệp sĩ” Bill ClintonCựu phó tổng thống Al Gore phát biểu tại buổi lễ đón hai nữ nhà báo đoàn tụ gia đình. Cựu tổng thống Bill Clinton (bìa trái) im lặng. Hai nữ nhà báo được phóng thích và gia đình đứng sau ông Al Gore. Ảnh: Reuters
Nhà báo Ling nói: “Euna và tôi muốn tỏ lòng tri ân sâu sắc đến tổng thống Clinton và nhóm làm việc tuyệt vời của ông”. Trong nước mắt, nhà báo Ling kể lại: “Cách đây 30 tiếng, Euna Lee và tôi còn là tù nhân ở Bắc Triều Tiên. Lúc đó, chúng tôi sợ hãi vì có thể bị chuyển đến trại cải tạo bất cứ lúc nào. Bất ngờ họ triệu tập chúng tôi đến một buổi gặp mặt. Khi đi ngang qua cánh cửa phòng gặp mặt, chúng tôi thấy cựu tổng thống Bill Clinton đang đứng đó. Chúng tôi sốc. Nhưng ngay lúc đó, tận trong tim chúng tôi biết rằng ác mộng đời chúng tôi cuối cùng cũng kết thúc”.
Cựu phó tổng thống Al Gore có mặt trong buổi đón tiếp nói với hai nhân viên của mình: “Hana rất ngoan từ khi cô đi vắng. Laura, mẹ cô đang nấu xúp chờ cô”. Sau đó, ông cảm ơn bộ Ngoại giao và Nhà Trắng đã giúp phóng thích hai nhân viên của ông.
Cựu tổng thống Clinton im lặng chứng kiến cảnh đoàn tụ.
Cả hai nhà báo đến nay đều không hé môi về điều kiện giam cầm ở Bắc Triều Tiên. Cô Lee bị sụt gần 7kg. Chỉ có Lisa Ling, chị của nhà báo Laura Ling cho biết em mình hơi yếu và thèm ăn. Lisa nói: “Em tôi thật sự thèm trái cây và đồ ăn tươi. Khi bị giam cầm, em tôi phải ăn cơm có sạn”.
Hai nhà báo Ling và Lee bị giam cầm tách biệt trong suốt bốn tháng rưỡi, hiếm khi gặp nhau. Ngày ra toà, hai cô mới thấy mặt nhau và ôm từ biệt nhau trở về nhà giam. Tuy nhiên, hai người không bị giam trong xà lim, mà trong nhà khách.
Đằng sau chuyến bay giải cứu tù nhân
Vì Mỹ không có bang giao với Bắc Triều Tiên, nên đại sứ Thuỵ Sĩ Mats Foyer là người giúp chăm sóc hai nữ nhà báo, trong suốt 140 ngày hai người bị giam cầm. Ông Foyer là người sắp xếp để chuyển thư từ, thuốc men cho hai tù nhân này.
Hai cô Lee và Ling thỉnh thoảng được phép gọi về gia đình. Trong những lần đó, hai cô trở thành người chuyển tin nhắn của nhà cầm quyền Bắc Triều Tiên đến gia đình, và gia đình hai cô chuyển tin nhắn đó lên bộ Ngoại giao Mỹ. Khoảng giữa tháng 7, gia đình hai cô đồng loạt nhận được tin nhắn: “Nhà cầm quyền Bắc Triều Tiên sẽ xem xét ân xá nhân đạo với điều kiện Mỹ phải gửi một phái đoàn đặc biệt đến Bình Nhưỡng”.
Trước đó, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng đề xuất cử cựu phó tổng thống Al Gore, người sáng lập Current TV, nơi hai nữ nhà báo gặp nạn đang làm việc, đến Triều Tiên để đàm phán, nhưng phía Bình Nhưỡng bác bỏ. Lần này, Bắc Triều Tiên nêu đích danh: “Hãy gửi Bill Clinton”.
Trả lời phỏng vấn đài NBC, ngoại trưởng Hillary Clinton kể lại: “Lúc đó thông tin được chuyển cho gia đình hai nữ nhà báo, rồi đến cựu phó tổng thống Al Gore, đến Nhà Trắng rằng cách tốt nhất để phóng thích họ là cử chồng tôi đến”.
Khi tin đó đến Nhà Trắng, ông Jim Jones, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama, được giao nhiệm vụ xem xét nếu tổng thống Clinton sang Bắc Triều Tiên để giải cứu tù nhân, việc đó có hợp hiến và có chắc chắn hai nhà báo được phóng thích hay không. Khoảng ngày 24 - 25/7, cố vấn Jim Jones hỏi cựu tổng thống Clinton có sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm giải cứu tù nhân hay không. Cựu tổng thống Clinton gật đầu.
Nhà Trắng thông báo chuyến đi của ông Clinton cho các đồng minh trên bàn đàm phán sáu bên với Triều Tiên, bao gồm: Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật. Tuy nhiên, Nhà Trắng nhấn mạnh, chuyến đi này mang tính chất cá nhân, sứ mạng nhân đạo, nên những vấn đề khác, trong đó có vấn đề chương trình phát triển hạt nhân của Bắc Triều Tiên sẽ không được đề cập đến.
Sau đó, công tác hậu cần được xúc tiến ngay. Andrew Bradley, phát ngôn viên của tập đoàn Avjet, nơi đang chăm sóc chiếc Boeing thương mại của nhà sản xuất phim giàu có Steve Bing, bạn thân lâu năm của gia đình Clinton và là ủng hộ viên trung thành của đảng Dân chủ, kể lại: “Ngày 31/7, ông Bing gọi điện đến tập đoàn Avjet, yêu cầu chuẩn bị cho máy bay khởi hành đi Bắc Triều Tiên. Các cơ quan liên bang có liên quan sẽ cấp giấy phép trong ngày 1.8”.
Ngày 1/8, một nhóm quan chức của Tổng thống Obama đến tư dinh của cựu tổng thống Bill Clinton ở Washington để họp riêng báo cáo tình hình.
Ông Marc Foulkrod, chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành Avjet cho biết 3g sáng 3/8, ông Clinton cùng ông John Podesta, cựu chánh văn phòng Nhà Trắng dưới thời Clinton, vài trợ lý thân cận và vài nhân viên an ninh mật vụ, cất cánh từ Burbank, trên chiếc Boeing của nhà làm phim Steve Bing. Sau hai lần dừng tiếp nhiên liệu tại căn cứ không quân Mỹ ở Alaska và Nhật, máy bay đáp xuống Bình Nhưỡng.
Tại đây, cựu tổng thống Clinton gặp, nói chuyện tay đôi với chủ tịch Kim trong hai tiếng đồng hồ. Sau đó, hai bên chụp ảnh chung. Cuối cùng, hai người ăn tối chung trong hai tiếng.
Trong suốt thời gian ông Clinton làm việc ở Bình Nhưỡng, chỉ có hãng thông tấn trung ương Triều Tiên, KCNA, được phép tiếp cận đưa tin. Tin ân xá cho hai nữ tù nhân do chính hãng này phát đi. Sau khi hãng này phát tin, văn phòng cựu tổng thống Clinton ở New York phát hai câu: “Tổng thống Clinton đã an toàn rời Bắc Triều Tiên cùng Laura Ling và Euna Lee. Họ đang trên đường đến Los Angeles để đoàn tụ gia đình”.
Ý KIẾN CỦA BẠN