"Mở một cánh cửa trong trái tim"

LAM HỒNG| 21/06/2012 05:11

Chuyến thăm châu Âu và nhận giải Nobel Hòa bình sau 24 năm của bà Aung San Suu Kyi tiếp tục lôi cuốn sự chú ý của thế giới đến cuộc đấu tranh giành dân chủ và cải cách kinh tế tại Myanmar.

Chuyến thăm châu Âu và nhận giải Nobel Hòa bình sau 24 năm của bà Aung San Suu Kyi tiếp tục lôi cuốn sự chú ý của thế giới đến cuộc đấu tranh giành dân chủ và cải cách kinh tế tại Myanmar.

Đọc E-paper

Bà Suu Kyi tại Lễ nhận giải Nobel Hòa bình

Nhà đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi đã đến Oslo của Na Uy để đọc bài diễn văn nhận Giải Nobel Hòa bình mà bà được trao tặng vào năm 1991. Năm đó bà đang bị quản thúc tại gia, không thể đích thân đến Oslo để nhận giải.

Trong bài diễn văn nhận giải Nobel, Aung San Suu Kyi cho biết, giải thưởng này đã “mở một cánh cửa trong trái tim” và đã mang lại hy vọng để bà tiếp tục cuộc tranh đấu cho dân chủ và cải cách tại Myanmar.

Bà Aung San Suu Kyi kể lại giải thưởng đã mang lại sức mạnh cho bà như thế nào trong thời gian bị cô lập, quản chế tại gia: “Và điều quan trọng hơn nữa, giải Nobel đã lôi cuốn sự chú ý của thế giới đến cuộc đấu tranh giành dân chủ và cải cách tại Myanmar. Thế giới đã không quên chúng tôi”.

Bà kêu gọi mọi người tạo ra một thế giới trong đó không ai phải bắt buộc dời cư, không nhà, hoặc tuyệt vọng: “Chiến tranh không phải là đấu trường duy nhất mà hòa bình được thực hiện bằng những cái chết. Nơi nào mà đau khổ bị làm ngơ thì ở đó có những hạt giống xung đột, bởi vì đau khổ hạ thấp giá trị con người, tạo chua cay và phẫn nộ”.

Trong bài diễn văn tiếp đón bà Aung San Suu Kyi, Chủ tịch Ủy ban Nobel Thorbjoern Jagland đã khẳng định, trong thời gian lãnh đạo đối lập Myanmar bị cô lập, bà đã trở thành một lãnh đạo tinh thần của toàn thế giới. Aung San Suu Kyi là con gái của vị lãnh tụ đã giành độc lập cho Myanmar Aung San, người bị ám sát vào năm 1947.

Bà đã trở thành người lãnh đạo của phong trào dân chủ Myanmar khi trở về đất nước thăm mẹ bệnh nặng vào năm 1988 sau nhiều năm sống ở nước ngoài. Bà ở lại Myanmar kể từ đó và không rời khỏi đất nước vì lo sợ chính quyền quân sự sẽ không cho bà quay lại một khi bà bước chân ra đi.

Tháng 9/1988, Aung San Suu Kyi và một số người khác đứng ra thành lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ. Chỉ vài tháng sau, bà đã bị quản thúc tại gia lần đầu tiên năm 1990.

Mặc dù lãnh đạo bị giam cầm, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội năm đó. Nhưng tập đoàn quân phiệt cầm quyền đã không công nhận kết quả này.

Hơn hai thập niên qua, bà là tù nhân chính trị của chế độ độc tài quân sự Myanmar.

Có người đã so sánh bà Aung San Suu Kyi với Nelson Mandela, lên cầm quyền ở Nam Phi sau 27 năm tù ngục. Với chủ trương đấu tranh bất bạo động giống như Gandhi, Aung San Suu Kyi cũng đã biết tỏ ra khoan dung với những người đã từng đày ải bà, gác bỏ hận thù để đưa Myanmar đi theo con đường hòa giải dân tộc và phát triển kinh tế.

Nhờ vào những cải cách gần đây, bà được trả tự do vào cuối năm 2010 và sau đó giành được ghế trong một cuộc bầu cử bổ sung vào Quốc hội hồi tháng 4 năm nay.

Chính quyền dân sự, thay thế tập đoàn quân phiệt bị giải tán, đã tiến hành nhiều cải cách theo hướng dân chủ hóa, đưa Myanmar trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất Đông Nam Á hiện nay. Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ trở thành đảng đối lập hàng đầu ở Quốc hội và bà Aung San Suu Kyi đắc cử dân biểu, được tự do đi lại.

Quyết định xuất ngoại của bà được xem là dấu hiệu chứng tỏ bà có niềm tin với chính phủ của Tổng thống Thein Sein - người đã theo đuổi tiến trình cải cách kể từ khi ông lên nắm quyền hồi năm ngoái trong cuộc bầu cử đầu tiên ở Myanmar sau 20 năm.

Việc bà Aung San Suu Kyi và hai cựu tướng lĩnh gồm Tổng thống Thein Sein và chủ tịch Hạ viện Shwe Mann chấp nhận làm việc với nhau là do họ có cùng các mục tiêu.

Hơn nữa, cả ba đã ngoài 60 tuổi. Ba người có thể cùng hợp tác với nhau trong khoảng 5 năm. Đối với họ, đó là cơ hội đầu tiên và cũng là cuối cùng. Họ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu không nắm lấy cơ hội này.

Tuy nhiên, vượt lên mọi toan tính, như ông Geir Lundestad, Thư ký điều hành Ủy ban Nobel, bình luận về kết quả bà Aung San Suu Kyi đã đạt được: “Điều đó cho thấy là về lâu dài không ai có thể cầm quyền trái với ý nguyện của nhân dân”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Mở một cánh cửa trong trái tim"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO