Miệng lui binh nhưng chân chưa lùi bước

ĐOÀN HẠO| 11/09/2010 09:26

31/8/2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama chính thức tuyên bố rút toàn bộ lính chiến đấu Mỹ khỏi Iraq...

Miệng lui binh nhưng chân chưa lùi bước

31/8/2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama chính thức tuyên bố rút toàn bộ lính chiến đấu Mỹ khỏi Iraq. Khác với những lời hùng hồn 7 năm trước về “sứ mệnh đã hoàn thành” của cựu tổng thống George Bush, ngài Obama luôn gọi cuộc chiến này là vô nghĩa đến mức “gàn dở” nên cần “sớm chấm dứt” và ngừng dây dưa... Thế nhưng sự hiện diện của người Mỹ trên mọi phương diện liên quan tới chiến tranh thì không có gì thay đổi.

Rút chân khỏi "hố tử thần"

Thực tế chứng minh sự điềm đạm của ông Obama là đúng. Mỹ cùng các đồng minh đã khép Trung Đông vào tội “độc tài nhuốm máu” nhưng rồi phải ngậm ngùi thừa nhận: vũ khí giết người hàng loạt của Saddam Hussein chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Vậy nên, nhiều người Mỹ than vãn rằng Iraq là vụ lùm xùm đánh dấu hướng đi sai lầm của Hoa Kỳ từ sau khi trùm khủng bố Osama bin Laden gây ra thảm kịch 11/9.

Lễ rút quân Mỹ khỏi Iraq ngày 31/08/2010

Hiện tại, gần 6 trong 9 người Mỹ phản đối “cuộc chiến tranh chính nghĩa” của Tổng thống Obama chống lại al-Qaeda và Taliban... Cũng chính lúc này, khủng hoảng kinh tế kéo dài khiến mầm họa nợ công bùng nổ và tỷ lệ thất nghiệp dâng cao gần 10%. Càng nhiều người Mỹ hoài nghi về việc quốc gia mình nhúng tay quá sâu (và dư thừa) vào tình hình an ninh chiến sự tại Trung Á và Trung Đông.

Người nộp thuế khó có thể chấp nhận khoản chi 700 tỷ USD ngân sách cho quốc phòng, xấp xỉ tổng chi phí quốc phòng của tất cả các quốc gia còn lại trên thế giới...

Công nghệ chiến đấu phát triển và máy móc kỹ thuật tiên tiến đã giúp Hoa Kỳ dẹp tan khủng bố và phế truất độc tài Afghanistan và Iraq trong chớp mắt chỉ với rất ít thương vong. Tuy nhiên, thành lập chính quyền tự trị sau đó mới là vấn đề. Trong 10 năm qua, khoảng 2 triệu lính Mỹ tham chiến, 40.000 lính bị thương và hơn 5.000 lính chết.

Thấu hiểu nỗi bất bình của người dân, Tổng thống Obama đã xuất hiện với một hình ảnh hoàn toàn mới: tập trung tài và lực để chăm lo kinh tế quốc nội, đồng thời, ngừng phô diễn sức mạnh trên chính trường quốc tế.

Tháng 12/2009, với tuyên bố “sẽ không đặt mục tiêu quốc phòng vượt quá khả năng của Hoa Kỳ”, ông trở thành đại diện cho một nước Mỹ “hiền hòa” trước thế giới Hồi giáo tại Cairo, khiêm nhường trước chương trình hạt nhân ở Iran, lễ độ trước Thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc và Vua Abdullah của Ả Rập Saudi...

Hầu hết nỗ lực của ngài tổng thống trẻ đều bị phê bình “yếu hèn, phi thực tế và kém hiệu quả”. Nhưng, không ai có thể phủ nhận những thành công nhất định, như việc thiết lập lại quan hệ với Nga, cùng hợp lực thiết lập lệnh trừng phạt Iran. Hơn thế nữa, ông Obama lành miệng nhưng chưa hẳn yếu tay. Dù quê nhà không ủng hộ, tháng 12/2009, ông đã tuyên bố tiếp tục gửi viện quân sang Afghanistan.

Cải thiện quan hệ với Trung Quốc, nhưng ông cũng không ngưng vụ giao dịch vũ khí 6,4 tỷ USD với lãnh thổ Đài Loan (gồm 114 tên lửa Patriot, 60 trực thăng Black Hawk và thiết bị truyền thông cho hạm đội F-16). Washington cũng vui vẻ tiếp đãi Lạt ma tại Nhà trắng. Mỹ còn gắn kết quan hệ ngày càng sâu rộng với những quốc gia Đông Nam Á. Ông Obama đưa vấn đề Israel và Palestin ra hàng quan trọng cấp thiết giải quyết, chứ không né tránh dai dẳng như những đời tổng thống trước...

Nghèo vì chiến tranh, phải làm giàu từ vũ khí

Từ đó có thể thấy, Hoa Kỳ, và vị tổng thống da màu đầu tiên của mình, luôn tin rằng “chiến tranh, khủng bố, vũ khí hủy diệt hàng loạt sẽ không tự nhiên biến mất chỉ vì Hoa Kỳ rút chân khỏi những vùng tử thần”. Hoa Kỳ sẽ rút chân khỏi những cuộc chiến hao người tốn của và không được lòng dư luận nhưng tìm cách thu được lợi nhuận nhiều hơn từ chiến tranh.

Trong khi tìm cách rút dần khỏi Iraq, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ lại nới lỏng các điều khoản hỗ trợ cho các công ty sản xuất vũ khí Mỹ mở rộng thị trường. Quốc hội Mỹ đã công bố kế hoạch cung cấp vũ khí cho Ả rập với tổng trị giá lên tới 60 tỷ USD.

"Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ cung cấp vũ khí lớn nhất từ trước tới nay", William Hartung, giám đốc Chương trình "Sáng Kiến Vũ khí và An ninh" thuộc Quỹ New America có trụ sở đặt tại New York nói. Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông báo, Mỹ đã bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận buôn bán vũ khí quân sự tới Indonesia...

Vài giờ sau khi tuyên bố rút khỏi Iraq, tại Baghdad, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates thông báo, sau 7 năm chiến đấu, “chiến dịch Tự do” chấm dứt nhưng vai trò của quân đội Mỹ vẫn tiếp tục với chiến dịch mang tên “Bình minh mới”.

Đối với Hoa Kỳ, rút quân tác chiến ra khỏi Iraq sẽ cho phép Washington huy động được nhiều nguồn nhân lực và phương tiện tài chính cho chiến trường Afghanistan nơi mà các chiến lược gia Mỹ tiến hành sách lược được xem là đã thành công tại Iraq.

Theo một thỏa thuận ký kết năm 2007 giữa chính quyền Bush và Bagdad, khoảng 50 ngàn quân Mỹ sẽ tiếp tục ở lại Iraq cho đến cuối năm 2011. Thực tế là Iraq vẫn cần đến “ô dù” an ninh của Hoa Kỳ. Tuy Thủ tướng Maliki tuyên bố “Iraq lấy lại chủ quyền và độc lập” nhưng cường quốc cấp vùng của thập niên 80 không có quân đội hùng mạnh như các nước láng giềng Iran hay Syria. Iraq vẫn còn đặt dưới sự cai quản theo điều 7, Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Hai mươi năm sau vụ xâm chiếm Kuwait, Bagdad vẫn còn bị Hội đồng Bảo an trừng phạt và hàng năm phải cung ứng 5% tiền thu nhập bán dầu hỏa cho một quỹ đặc biệt của Liên Hiệp Quốc trong khuôn khổ bồi thường chiến tranh vùng Vịnh, tổng cộng lên đến 50 tỷ USD.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Miệng lui binh nhưng chân chưa lùi bước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO