Lào nên hoãn quyết định xây dựng đập Xayabury

P.V| 23/02/2011 08:05

Lào nên trì hoãn việc ra quyết định xây dựng đập Xayabury trên dòng chính sông Mekong. Đó là một trong những kiến nghị đưa ra tại cuộc họp tham vấn quốc gia về công trình thủy điện này do Ủy ban Mekong Việt Nam tổ chức tại TP Hạ Long, Quảng Ninh, ngày 22/2.

Lào nên hoãn quyết định xây dựng đập Xayabury

Ảnh: Internationalrivers.org

Lào nên trì hoãn việc ra quyết định xây dựng đập Xayabury trên dòng chính sông Mekong. Đó là một trong những kiến nghị đưa ra tại cuộc họp tham vấn quốc gia về công trình thủy điện này do Ủy ban Mekong Việt Nam tổ chức tại TP Hạ Long, Quảng Ninh, ngày 22/2.

Dự án đập Xayabury của Lào, một trong 12 dự án đập thủy điện trên dòng chính Mekong, đang trong giai đoạn tham vấn các nước liên quan là Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Tại Việt Nam, hội thảo đầu tiên lấy ý kiến các chính quyền địa phương, giới chuyên gia, nghiên cứu… đã được tổ chức tại Cần Thơ vào tháng 1 năm nay. Theo đó, toàn bộ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đều phản đối kế hoạch xây đập này.

Hiện đang có những tiếng nói khác nhau về tác động của con đập này tới môi trường, hệ sinh thái và sinh kế của các cộng đồng dân cư liên quan.

Ông Trương Hồng Tiến - chuyên viên văn phòng thường trực, Ủy ban sông Mekong Việt Nam - cho biết trong các quốc gia trong Ủy hội sông Mekong (MRC) thì Lào có lợi nhất từ đập Xayabury. Trong khi đó, lượng thủy sản của Việt Nam sẽ giảm từ 200.000 - 400.000 tấn/năm.

Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai: "Vì thông tin chưa đầy đủ, rõ ràng nên chúng tôi sẽ kiến nghị lên Chính phủ để đề nghị Lào trì hoãn quyết định xây dựng đập Xayaburi" - Ảnh: H.Giang

Chủ trì cuộc họp tham vấn hôm nay tại Hạ Long, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Thái Lai khẳng định việc khai thác tài nguyên nước có tác động đến toàn bộ cộng đồng sinh sống ven dòng sông. "Các nhà đầu tư nói đập thủy điện chỉ sử dụng nước và sau đó là trả lại nước cho dòng sông nên không có tác hại; nhưng trên thực tế điều đó làm thay đổi chế độ dòng chảy sâu sắc… Nếu cộng lũy tích của 12 công trình thủy điện thì tác động sẽ rất nghiêm trọng".

Đập Xayabury khi được xây dựng sẽ có chiều dài 820m, cao 32,6m, diện tích ngập 49km2 và khả năng xả lũ thiết kế là 47.500m3/giây. Chủ đầu tư là Công ty TNHH SEAN & Ch. Karnchang Public của Thái Lan, bên mua điện sẽ chủ yếu là Thái Lan và một phần là cung cấp nhu cầu điện của Lào.

Nếu được khởi công theo đúng kế hoạch vào tháng 4 năm nay, đập Xayabury sẽ được vận hành từ năm 2019.

Ông Trương Hồng Tiến cho biết trước đó, tại cuộc họp liên hợp của Ủy hội sông Mekong ngày 14/2, các đại biểu Campuchia lo ngại về tác động của đập Xayabury đến các cộng đồng ven sông và cho rằng thời gian tham vấn 6 tháng là quá ngắn.

Campuchia là nước ủng hộ đề xuất của các chuyên gia quốc tế đưa ra trong báo cáo Môi trường chiến lược là lùi việc xây đập thêm 10 năm nữa. Các đại biểu Thái Lan cũng cho rằng thông tin từ phía Lào cung cấp chưa đầy đủ, nhất là thiếu cụ thể về các tác động xuyên biên giới.

Hạn cuối để các nước thể hiện quan điểm chính thức là 22/4/2011.

Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cho biết sẽ kiến nghị với chính phủ là đề nghị Lào tiếp tục cung cấp thông tin về dự án đập Xayabury.

Ủy ban sông Mekong Việt Nam sẽ kêu gọi các nước và tổ chức quốc tế có kinh nghiệm giúp các nước hạ lưu sông Mekong đánh giá đầy đủ, chi tiết và toàn diện quy hoạch tổng thể thủy điện trên dòng chính, giao cho Ủy ban sông Mekong Việt Nam chủ động nghiên cứu các tác động từ các công trình này và trong khi thông tin chưa đầy đủ, rõ ràng thì kiến nghị Lào trì hoãn ra quyết định xây dựng đập Xayabury.

Sẽ có giống lúa phù hợp đất nhiễm mặn, ngập

Đó là một trong những nội dung của dự án “Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sử dụng đất ở ĐBSCL, sự thích ứng của các hệ thống canh tác trên nền đất lúa” đang được các nhà khoa học ở Viện Lúa ĐBSCL kết hợp với các chuyên gia nông nghiệp trong và ngoài nước bắt đầu triển khai từ ngày 22/2, dự kiến hoàn thành trong 2-3 năm tới.

Giáo sư Nguyễn Thị Lang (Viện Lúa ĐBSCL) cho biết các giống lúa hiện tại chỉ chịu được độ mặn 7‰, trong khi chưa có giống lúa nào chịu được ngập úng. Theo GS Nguyễn Thị Lang, các giống lúa mới được nghiên cứu không chỉ thích ứng được độ mặn cao hơn mà còn giúp nông dân tăng năng suất do tỉ lệ thụ hạt cao và trồng được ba vụ/năm.

Hiện ĐBSCL có khoảng 700.000 ha đất trồng lúa nhiễm mặn và 600.000 ha ngập úng cho năng suất thấp hoặc bị bỏ hoang. Trong khi đó ông Kỷ Quang Vinh - giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên môi trường TP Cần Thơ - cho biết theo báo cáo của một số tỉnh ĐBSCL, độ mặn trên các sông năm nay đã cao hơn cùng kỳ các năm trước.

Tại buổi triển khai dự án, ông Đào Anh Dũng - phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ - nêu thực tế năm 2010 trong khi nước lũ không xuất hiện trên sông Mekong thì tại TP Cần Thơ nước ngập cao hơn mức báo động 3. Ông cho rằng đây là hiện tượng rất đáng quan ngại, vì đó là biểu hiện của nước biển dâng cao và là lời cảnh báo sự ngập mặn của ĐBSCL sẽ diễn ra trong thời gian không xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lào nên hoãn quyết định xây dựng đập Xayabury
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO