“Lạm phát cắn đuôi giảm phát”

ĐOÀN HẠO (Theo The Economist)| 17/06/2010 01:12

Lạm phát hay giảm phát là mối lo hàng đầu? Lịch sử cho thấy, khi chính sách tiền tệ tại những nước giàu lỏng lẻo thì những nền kinh tế đang nổi cứ “say sưa cho vay” để rồi “điên đầu trong bong bóng tài sản”.

“Lạm phát cắn đuôi giảm phát”

Lạm phát hay giảm phát là mối lo hàng đầu? Lịch sử cho thấy, khi chính sách tiền tệ tại những nước giàu lỏng lẻo thì những nền kinh tế đang nổi cứ “say sưa cho vay” để rồi “điên đầu trong bong bóng tài sản”. Hơn thế nữa, các nước giàu kềm hãm giảm phát hôm nay sẽ gây khủng hoảng vỡ nợ những nền kinh tế đang nổi ngày mai...

Theo diễn đàn kinh tế trực tuyến do Tạp chí The Economist tổ chức cho 50 chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới, giảm phát là mối nguy ngắn hạn tại những nước giàu; lạm phát là mối lo hiện tại ở nhiều quốc gia đang nổi và có nguy cơ trở thành khủng hoảng dài hạn ở những nước giàu.

Tại Hoa Kỳ, khu vực đồng tiền chung EUR, Nhật Bản, giảm phát là tình thế khó khăn nhất hiện nay, bất chấp lãi suất xuống đến mức gần bằng 0 và nhiều nỗ lực khác của ngân hàng trung ương. Trong bốn tháng đầu năm, giá hàng tiêu dùng tại Mỹ tăng khoảng 0,9% - mức chậm nhất trong 40 năm qua. Khu vực đồng tiền chung EUR chỉ tăng 0,7%. Còn tại Nhật Bản, quốc gia trường kỳ chiến đấu chống giảm phát cả thập kỷ qua, giá đã giảm đến 1,5%...

Không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy một cú chuyển ngoạn mục nhằm lật ngược tình thế. Bởi vì, ở cả ba khu vực nói trên, tăng trưởng tín dụng trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp cao, khoảng cách giữa năng suất và khả năng phát triển nền kinh tế lớn...

Những đối sách kinh tế khắt khe tại khu vực đồng tiền chung EUR sẽ ngầm ăn mòn nhu cầu tiêu dùng nội địa. Hiện tại, người mua hàng mong giá đừng lên cao, trong khi các chuyên gia cứ cảnh báo về lạm phát. Hai nhân tố đó kìm hãm sự biến động giá, nhưng lại tạo thành “sự cân bằng đầy mạo hiểm thiên về hướng giảm”.

Những nhà kinh tế lớn của thế giới nhận xét: “Tình trạng kìm hãm giảm phát nguy hiểm hơn bất cứ giai đoạn nào của quá trình lạm phát. Vì giá hàng hóa giảm chỉ khiến người tiêu dùng càng thắt chặt chi tiêu, chờ giá hạ thêm nữa và vô tình đẩy nền kinh tế rơi vào vòng lẩn quẩn sức mua yếu, gây gánh nặng cho nợ quốc gia, nợ tiêu dùng”...

Bên cạnh đó, giảm phát khó xử lý hơn lạm phát. Hai mươi năm qua, những ngân hàng trung ương đã tích lũy được kinh nghiệm đương đầu với tình thế giá cả tăng mạnh. Trong khi cuộc chiến dai dẳng của Nhật chống giảm phát trong một thập kỷ là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy chưa có đối sách tất thắng để kềm giá thành hạ...

Tóm lại, ba ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới tại Mỹ, khu vực đồng tiền chung EUR và Nhật lo ngại giảm phát. Chính sách thắt chặt chi tiêu gợi ý việc duy trì lãi suất ngân hàng thấp trong nhiều năm nữa. Và điều này sẽ khiến dòng tài chính đổ vào nơi có lợi tức cao hơn, làm các quốc gia đang nổi khó giữ ổn định nền kinh tế.

Lãi suất thực tế là âm tại 2/3 của 25 quốc gia đang nổi, nơi nền kinh tế đang nóng, giá cả lên cao, bong bóng tài sản, lạm phát tăng. Một vài ngân hàng trung ương, tiêu biểu là Brazil và Malaysia, đã bắt tay thắt chặt chính sách tiền tệ. Nhưng, nền kinh tế đang nổi quan trọng nhất là Trung Quốc lại giới hạn khả năng tăng lãi suất, chống lại việc đồng tiền tăng giá.

Trên thực tế, các chuyên gia đánh giá: “Tiền tệ mạnh tại những thị trường đang nổi là phần thiết yếu của quá trình tái cân bằng kinh tế thế giới, giúp nền kinh tế yếu của các nước giàu thoát khỏi áp lực giảm phát...

Kiểm soát vốn cũng rất quan trọng trong chiến lược hoạt động của những nền kinh tế đang nổi, nhằm chống lại dòng chảy ngoại tệ đột xuất từ các nước giàu”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Lạm phát cắn đuôi giảm phát”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO