Kinh tế Mỹ - Trung: Đối đầu hay đồng phụ thuộc?

LAM HỒNG| 09/07/2014 07:08

Quan hệ giữa Mỹ - Trung Quốc vì những giá trị chiến lược, đã kéo dài ba thập kỷ qua theo kiểu không phải tình bạn nhưng cũng không hẳn là thù địch. Nhưng quan hệ này đang có nguy cơ chuyển sang thù nghịch.

Kinh tế Mỹ - Trung: Đối đầu hay đồng phụ thuộc?

Quan hệ giữa Mỹ - Trung Quốc (TQ), vì những giá trị chiến lược, đã kéo dài ba thập kỷ qua theo kiểu không phải tình bạn nhưng cũng không hẳn là thù địch. Nhưng quan hệ này đang có nguy cơ chuyển sang thù nghịch khi TQ không còn cam chịu vai trò "nước nhỏ”.

Đọc E-paper

Theo AFP, tuần này, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Tài chính Mỹ sẽ công du TQ trong khuôn khổ cuộc Đối thoại song phương thường niên về kinh tế và chiến lược lần thứ sáu. Cuộc đối thoại lần này được tổ chức trong bối cảnh quan hệ giữa hai cường quốc đang căng thẳng, đặc biệt với các cáo buộc gián điệp và các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Các đối thoại, dự kiến sẽ diễn ra tại Bắc Kinh trong hai ngày 9/7 và ngày 10/7, sẽ tập trung vào "các thách thức và cơ hội cho hai nước trong các vấn đề mang tính song phương, khu vực và thế giới". Giới quan sát nhận định, cuộc đối thoại này có tầm quan trọng khi hai bên sẽ đặt lại chiến lược quan hệ sau hơn ba thập niên, từ quan hệ "nước lớn nước nhỏ” thành mối quan hệ giữa "hai nước lớn kiểu mới" với sự trỗi dậy của TQ.

Mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và TQ bắt đầu từ cuối những năm 1970, khi TQ đang khắc phục hậu quả của Cách mạng Văn hóa và Mỹ đang sa lầy trong lạm phát. Tìm động lực cho tăng trưởng kinh tế và mở rộng địa - chính trị, cả hai đã bình thường hóa quan hệ sau chuyến thăm TQ của Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972. Người Mỹ quyết định ủng hộ sự xuất hiện của một nước TQ hùng mạnh và thịnh vượng với hy vọng TQ sẽ thân thiện với Mỹ. Còn TQ ngầm chấp nhận sự hiện diện thống lĩnh của Mỹ tại Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, đến nay, cả hai đang bị kẹt trong một mối quan hệ mà các nhà kinh tế gọi là "đồng phụ thuộc" (codependency). TQ đã nhanh chóng hưởng lợi từ mô hình kinh tế dựa vào xuất khẩu, tạo nên 30 năm tăng trưởng thần kỳ khi trở thành công xưởng của thế giới. Mỹ tận dụng TQ như kênh sản xuất hàng hoá chi phí thấp, giải quyết nạn khan hiếm hàng hoá...

Theo thời gian, cuộc "hôn nhân" này biến thành một codependency toàn diện và không lành mạnh. Kinh tế Mỹ lâm vào khủng hoảng tồi tệ nhất với sự đổ vỡ hệ thống ngân hàng và tín dụng bong bóng, dẫn tới cuộc khủng hoảng kinh tế của cả thế giới. Còn TQ cũng đang đối diện với khủng hoảng toàn diện từ chính bong bóng tăng trưởng do mình tạo ra, kể cả sự phụ thuộc vào bong bóng tiêu thụ của thị trường Mỹ.

Mỹ đổ lỗi cho TQ đã gây ra thâm hụt thương mại, thao túng tiền tệ khi để đồng nhân dân tệ dưới giá trị nhằm thúc đẩy xuất khẩu. TQ đổ lỗi cho Mỹ gây nên sự mất cân bằng giữa hai nước và là nguồn gốc của vấn đề đa phương. Sự rạn nứt giữa hai cường quốc ngày càng mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như an ninh mạng, quốc phòng, sở hữu trí tuệ...

Điều đáng lo ngại là những tranh chấp an ninh đã bùng lên ở Biển Đông, mà nguyên nhân cốt lõi liên quan tới phản ứng hung hăng của Bắc Kinh trước chiến lược "xoay trục" của Mỹ đến châu Á. Một tính toán sai lầm có thể dẫn đến những phản ứng quân sự và cuộc "hôn nhân" ba thập niên có thể sớm tan vỡ.

Theo Stephen S. Roach, cựu Chủ tịch Morgan Stanley châu Á, Mỹ và TQ có thể thoát khỏi mối quan hệ codependent bằng cách viết lại các mối quan hệ của họ như là một phụ thuộc lẫn nhau. Cả hai nước cần đẩy mạnh một hiệp ước đầu tư song phương, trong đó sẽ nâng cao dựa trên luật lệ tiếp cận thị trường và cuối cùng thúc đẩy tự do hóa thương mại lớn hơn.

Cuộc đối thoại kinh tế và chiến lược lần này sẽ mang lại cho Mỹ - Trung cơ hội thúc đẩy một hiệp ước đầu tư song phương, mở rộng tự do thương mại. Điều đó sẽ cho phép Mỹ cơ hội lớn từ thị trường tiêu thụ khổng lồ của TQ. Nó cũng cho phép TQ tận dụng Mỹ về kinh nghiệm và chuyên môn để làm chủ hành động tái cân bằng kinh tế của mình.

Sau ba thập niên, mối quan hệ giữa hai cường quốc dường như quay lại điểm xuất phát. Điều này có thể thấy trong phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng quan hệ Mỹ - Trung "đang ở giai đoạn đặc biệt" khi Mỹ là cường quốc nhưng đang cần thay đổi để thoát khỏi sự bế tắc về kinh tế, xã hội, còn TQ là cường quốc mới nổi nhưng kinh tế đang suy giảm và lại muốn duy trì trật tự quốc tế như đã và đang có.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Jack Lew nêu ra cam kết của TQ sẽ mở rộng hơn nữa nền kinh tế để đón nhận đầu tư từ nước ngoài, và nói rằng từ năm 2010, đồng nhân dân tệ đã tăng 14%. Bộ trưởng Lew nói rằng đây là một vấn đề khởi đầu làm cơ sở cho sự tin tưởng giữa hai nước. Khu vực tự do thương mại Thượng Hải đang được xem như một khuôn mẫu cho các cuộc đàm phán đang diễn ra về một hiệp ước đầu tư song phương (BIT)...

Dù không bằng lòng nhưng rõ ràng Mỹ - Trung vẫn phải cố "bằng mặt" trong thời điểm này. Ông Gary Hufbauer thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết, quan hệ kinh tế Mỹ-Trung quan trọng hơn nhiều so với các quan hệ địa - chính trị song phương, trong đó hai bên xem nhau như đối thủ cạnh tranh. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Mỹ và TQ là động lực cho môi trường hòa bình trong khu vực và thế giới.

Song các nhà phân tích quân sự phương Tây đều thống nhất cho rằng, sự tăng cường an ninh trước các mối đe dọa từ hai bên đang là mối đe dọa lớn nhất tới hòa bình châu Á. Dẫu biết rằng hai hổ không chịu chung một chuồng, nhưng vì những lợi ích lâu dài, liệu cuộc "hôn nhân lợi dụng" Mỹ - Trung có tiếp tục kéo dài thêm vài thập niên nữa không?

>Quan hệ Mỹ-Trung: “Hợp tác để định hình thế kỷ 21”
>Mỹ-Trung cam kết thúc đẩy thương mại
>
Cuộc chiến gián điệp mạng Mỹ-Trung
>Hành động của Trung Quốc phủ bóng đen lên quan hệ Mỹ-Trung
>
Căng thẳng Mỹ-Trung leo thang vì cáo buộc do thám mạng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế Mỹ - Trung: Đối đầu hay đồng phụ thuộc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO