Kinh tế châu Á: Giảm xuất khẩu tăng nội địa

ANH NGUYỄN| 04/06/2009 09:37

Cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra ở Mỹ từ quý 3/2008 dẫn đến sự suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhiều nên kinh tế châu Á từng phát triển tốt nhờ xuất hàng hóa sang Bắc Mỹ và EU trở thành vấn đề "nổi cộm" hiện nay. Và rằng Kỷ nguyên châu Á cẫn còn là chuyện hoàng tưởng. Đâu là thực tế?

Kinh tế châu Á: Giảm xuất khẩu tăng nội địa

Câu chuyện Trung Quốc

Tháng 2/2009, khi kinh tế thế giới chao đảo mạnh thì xuất hiện trên các kệ sách một tác phẩm rất đáng nghiên cứu. Đó là cuốn Getting China and India right (tạm dịch là Thực tế Trung Quốc và Ấn Độ) của Anil K.Gupta, giáo sư chiến lược kinh doanh ở Trường Doanh thương Smith thuộc Đại học Maryland, và Haiyan Wang, giám đốc điều hành China India Institute. Hai tác giả này cho rằng xuất khẩu là cỗ máy chính cho sự tăng trưởng mạnh của nền kinh tế Trung Quốc (TQ) trong thời gian qua đã bị thổi phồng lên quá đáng. Chính những con số thống kê mới cho thấy sự thật như sau:

Một góc Trung Quốc

Đúng là trong 3 thập niên qua, TQ xuất nhiều hàng, thu về nhiều ngoại tệ nên dự trữ được hơn 2.000 tỷ USD. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2007 tổng giá trị xuất khẩu của TQ đạt con số đáng nể là 1,22 ngàn tỷ USD, tức bằng khoảng 37% GDP
của nước đông dân này. Thế nhưng đem các con số GDP so sánh với các con số xuất khẩu thì chẳng khác gì đem trái táo so với trái cam.

Theo số liệu của Văn phòng Quốc gia Thống kê TQ thì có đến 58% lượng hàng xuất của TQ là hàng lắp ráp bằng linh kiện nhập khẩu. Trong đó, đáng kể nhất là những thiết bị điện tử như iPod, iPhone. Đúng ra, chúng là sản phẩm Mỹ, được lắp ráp tại TQ nên giá trị cộng thêm mang về cho nền kinh tế TQ chỉ chiếm chưa đến 10% giá trị hàng hóa thành phẩm xuất khẩu.

Người ta tính được giá trị cộng thêm cho tất cả hàng hóa xuất khẩu của TQ chỉ đạt từ 25% đến 50%. Các quan chức ở Bộ Thương Mại TQ cho rằng, con số gần với thực tế nhất là khoảng 33%. Như vậy, sau 2 thập niên tăng trưởng vượt bậc thì đến năm 2007, xuất khẩu mới chỉ góp khoảng 12% GDP của TQ, không thể là 37% được! Do giá trị cộng thêm của hàng xuất khẩu chỉ góp được 12% vào GDP nên mức tăng trưởng xuất khẩu chỉ góp khoảng từ 3% đến 13% vào mức tăng của GDP. Nghĩa là có khoảng 3/4 mức tăng trưởng GDP của TQ có nguồn gốc từ tiêu dùng và đầu tư nội địa!

Xuất khẩu của TQ hiện nay chiếm khoảng 10% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu toàn cầu, gần bằng với Đức, nước số một thế giới về giá trị hàng xuất khẩu. Nếu cứ theo đà tăng trưởng 25% mỗi năm thì đến năm 2020, hàng xuất khẩu của TQ sẽ chiếm đến gần 50% lượng hàng xuất khẩu của toàn thế giới. Đây là một thực tế không thể nào xảy ra được vì lý do đơn giản: Khi nền kinh tế TQ phát triển hơn thì giá lao động chắc chắn sẽ tăng cao hơn, dẫn đến việc các cơ sở công nghiệp cần nhiều lao động giá rẻ sẽ di chuyển sang các nền kinh tế phát triển khác, trong đó có Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia, Sri Lanka, Việt Nam.

Như vậy, kịch bản có nhiều khả năng sẽ diễn ra như sau: Xuất khẩu của TQ sẽ tăng ở mức khiêm tốn hơn (nhưng cũng đã là rất cao nếu so với nhiều nền kinh tế phát triển), khoảng 10% mỗi năm. Và để đảm bảo giá trị cộng thêm của hàng hóa xuất khẩu tiếp tục có mức đóng góp cao vào GDP, chính quyền Bắc Kinh sẽ phải khuyến khích các cơ sở sản xuất gia tăng giá trị nội địa trong các sản phẩm dành cho xuất khẩu.

Và đây chính là phần cốt lõi của kế hoạch ngũ niên lần thứ 11 của Bắc Kinh, đã được phát động từ năm 2006 với trọng tâm phát
triển khả năng cạnh tranh bằng cách phát triển khoa học kỹ thuật, sáng tạo, đổi mới công nghệ, tiếp tục ban hành các đạo luật và
quy định về đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ.

Kinh phí dành cho nghiên cứu phát triển từ mức 1,3% GDP vào năm 2005 sẽ tăng lên mức 2,5% GDP vào năm 2020. Lấy câu chuyện thực tế Trung Quốc này làm “căn bản”, nhiều nhà phân tích nhận thấy đây cũng là hướng phát triển của nhiều nền kinh tế “rồng”, “hổ” và “hổ con” trong nỗ lực mới nhằm tìm mọi cách giảm lệ thuộc vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu đồng thời tăng tiêu thụ ở thị trường nội địa.

“Cường quốc shopping” mới

PHẢI TÍCH CỰC GIẢM
XUẤT KHẨU, TĂNG NỘI TIÊU

- Từ cuối thập niên 1990 đến nay, giá trị
hàng hóa tiêu dùng của hộ gia đình ở
Trung Quốc đã giảm từ gần 50% của GDP
xuống còn 35%.
- Giá trị hàng tiêu dùng của hộ gia đình ở
Trung Quốc chỉ bằng 5% giá trị hàng tiêu
dùng của hộ gia đình ở Mỹ.
- Trong tổng giá trị hàng hóa tạo ra ở châu
Á (không tính Nhật), phần dành cho xuất
khẩu đã tăng từ 35% (1997-1998) lên hơn
45% như hiện nay.

Theo ông Jim O’Neill, kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Đầu tư Goldman Sachs thì thị trường BRIC gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và
Trung Quốc vẫn phát triển tốt và “decoupling” (từ chỉ việc một nền kinh tế đang phát triển tiếp tục phát triển tốt sau khi không lệ thuộc vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu nhờ tăng trưởng đầu tư và tiêu thụ nội địa mạnh) vẫn có thể xảy ra.

Thậm chí nền kinh tế BRIC sẽ trở thành một tổng thể có giá trị tính theo đồng đô la Mỹ lớn hơn cả G7 (Mỹ, Canada, Anh, Pháp,
Đức, Ý và Nhật) sớm hơn dự kiến trước đây, cụ thể là vào năm 2027 thay vì vào năm 2035! Hãy lấy TQ, nền kinh tế không chỉ phát triển tốt nhất trong BRIC mà còn có giá trị bằng 3 nền kinh tế còn lại trong nhóm này, làm chuẩn căn bản để xem xét vấn đề.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy kế hoạch kích cầu nền kinh tế trị giá 4 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 590 tỷ USD) mà Bắc Kinh công bố vào ngày 10/11/2008 đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Trong thời gian từ tháng 12/2008 đến tháng 2/2009, doanh thu bán lẻ tăng 15% trong khi chỉ số giá tiêu dùng đã giảm rất đáng kể. Trong tháng 12/2008, nhờ tiến hành chính sách giảm lãi suất ngân hàng, các khoản cho vay đầu tư và tiêu dùng của các ngân hàng TQ đã tăng 1.000% so với tháng 12/2007. Xu thế này càng bộc lộ rõ hơn trong 3 tháng đầu năm 2009 với tổng số tiền cho vay để làm ăn đã tăng 30%, đạt 676 tỷ USD.

 Tiêu dùng nội địa ở TQ cũng đã góp phần lớn vào mức tiêu dùng nội địa của BRIC

Tính đến tháng 3/2009, các thị trường chứng khoán ở TQ đã phần nào hồi phục, tăng hơn 30%. Các công ty sản xuất máy công cụ, sắt thép, xi măng và các loại vật liệu xây dựng khác đều có doanh thu tăng trở lại, đơn đặt hàng gửi đến tới tấp. Thị trường nhà ở cũng tỉnh giấc với mức tăng 29% ở 7 thành phố lớn, trong đó có Bắc Kinh, Thượng Hải và Trùng Khánh.

Một quan chức cao cấp cho biết lợi nhuận mà các công ty quốc doanh lớn đạt được trong tháng 3/2009 tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Và sau khi mức thuế đánh vào các loại xe gia đình được cắt giảm kể từ ngày 20/1/2009 thì thị trường kinh doanh xe hơi tăng vọt 27,2%. Nhờ có những dấu chỉ khá lạc quan này mà vào ngày 22/4 qua, Goldman Sachs dự báo mức tăng trưởng GDP
của TQ trong năm 2009 sẽ là 8,3% chứ không phải 6% như đã đưa ra trước đây.

Như vậy tiêu dùng nội địa ở TQ cũng đã góp phần lớn vào mức tiêu dùng nội địa của BRIC và qua đó giúp nền kinh tế thế giới bớt
suy thoái hơn. Mà chuyện tiêu dùng nội địa không chỉ mới bắt đầu diễn ra, theo nghiên cứu của Goldman Sachs thì từ 2004 đến
2008, người Mỹ đã giảm chi tiêu rất đáng kể, người châu Âu và người Nhật không còn có đóng góp quan trọng nào vào sự tăng
trưởng tiêu dùng của thị trường thế giới. Ngược lại người dân thuộc các nền kinh tế BRIC đã ngày càng mua sắm nhiều hơn, góp
phần lớn vào doanh thu tiêu dùng toàn thế giới, ngay cả trong thời điểm khủng hoảng diễn ra hồi cuối năm 2008!

Do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, tiêu dùng của BRIC sẽ giảm trong vài năm tới đây nhưng nhìn chung nó vẫn tiếp tục tăng
trưởng mạnh nếu so với các nền kinh tế đã phát triển, đặc biệt là so với Mỹ. Làm sao không tăng trưởng khi nhiều nền kinh tế đang lên như Trung Quốc sẽ giảm xuất khẩu, tăng tiêu thụ nội địa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế châu Á: Giảm xuất khẩu tăng nội địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO