Khoảng cách giàu nghèo: Xã hội thuộc về những kẻ đại thắng

LAM HỒNG| 29/01/2011 00:12

Đã mười năm trôi qua kể từ ngày các nhà lãnh đạo thế giới cam kết giải quyết các vấn đề cấp bách trên phạm vi toàn cầu, thế giới vẫn tiếp tục chứng kiến cảnh chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng và bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực.

Khoảng cách giàu nghèo: Xã hội thuộc về những kẻ đại thắng

Đã mười năm trôi qua kể từ ngày các nhà lãnh đạo thế giới cam kết giải quyết các vấn đề cấp bách trên phạm vi toàn cầu, thế giới vẫn tiếp tục chứng kiến cảnh chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng và bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực. Toàn cầu hóa, kinh tế thị trường là những khái niệm dẫn đến nhiều thay đổi trong cách nhìn nhận về nguyên nhân gây ra bất bình đẳng ở quy mô toàn cầu.

Chết đói trên đống của cải

Mặc dù nền kinh tế toàn cầu đã phát triển với tốc độ chưa từng có trong những năm gần đây, song các nước giàu ngày càng giàu hơn và các nước nghèo ngày càng nghèo đi.

Liên Hiệp Quốc mới đây có bản báo cáo “The World Social Situation: The Inequality Predicament" (Thực trạng xã hội thế giới: Sự bất bình đẳng được xác nhận) cảnh báo về tình trạng bất bình đẳng đang lan rộng và sâu sắc trên phạm vi toàn cầu...

Đây là một thực trạng bất hợp lý trong thế giới mà khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển. Ngay cả những nước phát triển như Mỹ, Canada và Anh cũng không thoát khỏi xu thế này. Tại Mỹ, bất bình đẳng về thu nhập nới rộng hơn vào thập niên 80 khi nhiều người trong nhóm trung lưu bị "nghèo hóa".

Dự báo trong năm 2011, Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây sẽ tiếp tục có nhiều chương trình chi tiêu khắc khổ cùng với kế hoạch cắt giảm trợ cấp xã hội và các loại trợ cấp khác.

Tình trạng này sẽ khiến xã hội phương Tây phân cực mạnh hơn và nhóm người nghèo sẽ ngày càng phình rộng. Mặc dù có tốc độ tăng trưởng kinh tế ngoạn mục, hai quốc gia lớn nhất châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ cũng thất bại trong việc giải quyết vấn đề bất bình đẳng.

Khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội Trung Quốc cũng ngày một gia tăng với hệ số GINI (thước đo về bất bình đẳng lợi tức) đã tăng đến 0,47 (0 tiêu biểu cho bình đẳng tuyệt đối và 1 là bất bình đẳng tuyệt đối).

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nhiều nước tại châu Á, châu Mỹ Latinh và châu Phi. Hiện nay có khoảng 80% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới thuộc về 1 tỷ người sống tại các nước phát triển, trong khi đó 5 tỷ người sống tại các nước đang phát triển chia sẻ 20% còn lại.

"Thất bại trong việc giải quyết tình trạng bất bình đẳng sẽ khiến cho việc nâng cao điều kiện sống cho người nghèo và tạo lập công bằng xã hội trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nguy hiểm hơn, nó có thể dẫn đến sự bất ổn về mặt xã hội trên toàn thế giới. Khi đó, tất cả mọi người trong chúng ta đều phải trả giá", báo cáo Liên Hiệp Quốc cảnh báo.

Lý thuyết "hai nền kinh tế"

Kể từ cuộc Cách mạng công nghiệp đến nay, kinh tế thế giới chia thành hai nền kinh tế. Một là nền kinh tế thống trị bởi các phát kiến công nghệ, thương mại và của cải chất đống.

Hai là những nước vẫn còn nghèo đói và phụ thuộc về công nghệ. Một khảo sát được công bố ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới (diễn ra vào ngày 26/1 tại Davos, Thụy Sĩ) cho thấy, bất bình đẳng ngày càng lớn giữa các nền kinh tế là một trong hai rủi ro toàn cầu lớn nhất trong hai thập kỷ tới (cùng với sự sụp đổ của hệ thống tài chính toàn cầu).

Tranh luận về bất bình đẳng là một vấn đề cũ, nhưng cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã làm vấn đề này thêm khác biệt. Trong hai thập kỷ qua, quan điểm của nhiều nhà lãnh đạo thế giới cho rằng, bản thân bất bình đẳng không quan trọng bằng đảm bảo cho mọi người dân ở đáy xã hội có cuộc sống tốt hơn.

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair từng đưa ra học thuyết “The Spirit Level” (Thứ hạng Tinh thần) cho rằng, hàng triệu người có thu nhập như cầu thủ Beckham có thể giúp cho số trẻ em nghèo đói giảm xuống.

Trong khi đó, không ít nhà kinh tế còn cho rằng, bất bình đẳng là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tài chính khi các nhà chính trị cố thu hẹp khoảng cách giàu nghèo bằng cách khuyến khích người nghèo vay nợ tiêu dùng nhiều hơn.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, thương mại tự do đã làm giảm bớt khoảng cách giàu - nghèo. Tuy nhiên, dòng tiền tệ đầu tư toàn cầu không bị hạn chế đã làm tăng xu hướng bất bình đẳng vì nó tạo nhiều cơ may cho những cá nhân đầu tư trên các thị trường thế giới, làm tăng nhịp độ đổi mới công nghệ nhưng hậu quả là công nhân, đặc biệt là tại những nền kinh tế nghèo, bị trả lương thấp đi.

Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ dân số sống ở mức dưới 2 USD/ngày đã giảm từ 67% năm 1981 xuống còn 47% năm 2004, nhưng vẫn còn một con số kỷ lục về tổng số người nghèo ở châu Á là khoảng 1,9 tỷ người.

Theo Báo cáo về sự giàu có trên thế giới của tổ chức Capgemini, hiện số những người giàu có cũng nhiều hơn bao giờ hết: số người có tài sản trên 1 triệu USD (không tính đến dinh thự chính của họ) đã tăng 8,3% trong năm 2006, lên tới 9,5 triệu người.

Theo chủ thuyết này, sự cách biệt về mức thu nhập ngày càng tăng không hoàn toàn là do tác động của xu hướng toàn cầu hóa và thương mại tự do.

Trong khi đó, các quyết định về chính sách do các chính phủ có xu hướng ủng hộ nền kinh tế thị trường, nên càng làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo trong những năm gần đây.

Các chế độ thuế, các chính sách tư nhân hóa, các nguồn tài nguyên và việc thiếu sự bảo vệ cơ bản cho tầng lớp lao động đã làm nghiêng cán cân theo hướng có lợi hơn cho những người giàu ở các thị trường mới nổi lên như Nga và Trung Quốc.

Ở nhiều quốc gia, kể cả những quốc gia ca ngợi chế độ quân bình, quá trình cổ phần hóa, tư nhân hóa đẩy nhanh các tài sản có giá trị của nhà nước vào tay những cá nhân.

“Xã hội thuộc về những kẻ thắng” đã trở thành hiện tượng phổ cập trên phạm vi toàn cầu trong 30 năm qua do tác động của xu hướng toàn cầu hóa.

Chính vì vậy, một vấn đề quan trọng trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2011 là bàn đến các vấn đề như thương mại bán tự do, đánh thuế tài sản, bảo vệ công nhân và sự cần thiết của việc phân phối lại để tránh khoét sâu thêm hố sâu giàu - nghèo trên toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khoảng cách giàu nghèo: Xã hội thuộc về những kẻ đại thắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO