IMF cạn tiền

THỤY KHA| 06/06/2009 09:29

Khủng hoảng lan rộng khiến IMF rơi vào tình trạng thiếu tiền mặt cho các khoản vay khẩn cấp hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển.

IMF cạn tiền

Khủng hoảng lan rộng khiến IMF rơi vào tình trạng thiếu tiền mặt cho các khoản vay khẩn cấp hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển.

Hiện nay IMF có 250 tỷ USD và Nhật Bản đã cam kết cho IMF vay 100 tỷ USD, song định chế đa phương này vẫn cần có thêm các nguồn quỹ. Theo tính toán, IMF cần phải tăng lượng tiền hiện có lên 500 tỷ USD để cho chính phủ các nước vay, nhằm củng cố lòng tin quốc tế trong trường hợp có thêm các nước buộc phải quay sang vay tiền của thể chế tài chính toàn cầu gồm 185 nền kinh tế thành viên này. Giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn cho biết, hiện IMF vẫn còn đủ tiền, nhưng hy vọng có thể tăng gấp đôi số vốn trong tương lai, vì những số liệu không mấy khả quan cho thấy sẽ có “một làn sóng thứ hai các nước đến gõ cửa xin giúp đỡ”.

Từ năm ngoái đến nay, IMF mới cam kết 48 tỷ USD cho hàng loạt các nền kinh tế đang phát triển gồm Belarus, Latvia, Pakistan, Iceland, Ukraine, Hungary và Serbia vay. Sang đến năm nay, IMF cũng không đưa ra khoản cho vay lớn nào ngoại trừ khoản cho El Salvador vay phòng hờ (trị giá 800 triệu USD) để giải quyết các vấn đề về cán cân thanh toán. Mặc dù vẫn còn tiền nhưng có bằng chứng cho thấy, IMF lo ngại các nền kinh tế mới nổi không thể trả đủ tiền sau khi chịu nhiều tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu. Những lo ngại trên không phải không có cơ sở.

Các nguồn vốn tư nhân, vốn chảy vào các nền kinh tế đang phát triển trong những năm bùng nổ kinh tế hiện nay đang rút dần. Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), dòng vốn này đạt 929 tỷ USD trong năm 2007, nhưng giảm xuống gần 466 tỷ USD vào năm ngoái. Càng đang lo ngại hơn khi IIF dự báo chỉ còn 165 tỷ USD vào năm nay. Các ngân hàng phương Tây đang mải lo đối phó với những vấn đề trong nước mà theo IIF dự báo, luồng vốn ròng đầu tư nước ngoài của các nền kinh tế này chỉ đạt 61 tỷ USD trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức 410 tỷ USD vào năm 2007.

Trong khi đó, ngày càng có nhiều nước sẽ cần đến tiền của IMF để đối phó với khủng hoảng trong nước. Pakistan đang cần khoản vay 4,5 tỷ - 7,6 tỷ mà trên nguyên tắc IMF đã đồng ý cho vay vào tháng 10 năm ngoái. Rumani và Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ quyết định vay tiền từ IMF trong hai tuần tới. Trước tình thế này, ông Dominique Strauss-Kahn cảnh báo, ít nhất trong vòng 6 tháng, IMF sẽ hết tiền để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay: “Nguồn lực của IMF đủ để đương đầu với tình hình hiện nay, nhưng vì chúng tôi đang đối phó với cuộc khủng hoảng toàn cầu nên nhu cầu có thể lớn hơn trước đây. Chúng tôi phải can thiệp tại châu Á, châu Phi, Trung Âu, Mỹ La-tinh và có thể một số nơi khác nữa. Tôi không thể bảo đảm, trong vòng từ 6-8 tháng kể từ bây giờ, chúng tôi sẽ có đủ nguồn tài lực”.

Các nhà quan sát cho rằng, IMF cần có ít nhất khoảng 1 ngàn tỷ USD trong tay thì mới đáp ứng đủ nhu cầu. Điều đó buộc giới lãnh đạo của IMF xem xét đến khả năng huy động tiền từ các nước đang thặng dư vốn như Trung Quốc. Tuy nhiên, đổi lại IMF buộc phải cải tổ và cho các nước này nhiều quyền biểu quyết hơn.

Mặt khác, cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu đang đặt ra những câu hỏi đầy hoài nghi về tính hiệu quả của IMF trong việc kiểm soát kinh tế thế giới. Tổ chức này đã không thể chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe tài chính của thế giới. Hơn nữa, trong thời gian qua còn có rất nhiều ý kiến chỉ trích rằng tổ chức này không những không hoàn thành nhiệm vụ mà còn phân biệt đối xử giữa các quốc gia giàu - nghèo. Giới lãnh đạo của IMF không thể không đưa ra quyết định cải tổ thể chế tài chính này trong cuộc họp lãnh đạo G20 vào tháng Tư tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
IMF cạn tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO