Hợp tác Kinh tế APEC: Dọn dẹp G-20

HÀ CÚC| 20/11/2010 09:33

Căng thẳng giữa Nhật với Nga và Trung Quốc (TQ) bao phủ Hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế APEC khai mạc vào ngày 13/11 tại Yokohama (Nhật Bản).

Hợp tác Kinh tế APEC: Dọn dẹp G-20

Căng thẳng giữa Nhật với Nga và Trung Quốc (TQ) bao phủ Hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế APEC khai mạc vào ngày 13/11 tại Yokohama (Nhật Bản). Hội nghị này cũng diễn ra ngay sau hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Seoul (Hàn Quốc), nơi các cuộc thảo luận về sự mất cân bằng thương mại cũng như những căng thẳng về vấn đề tiền tệ đã chi phối các cuộc thảo luận.

Tuy nhiên, Hội nghị thượng đỉnh APEC vẫn hướng tới việc thúc đẩy tự do thương mại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vốn chiếm tới hơn một nửa hoạt động kinh tế toàn cầu.

Lãnh đạo APEC đạt cam kết về khu mậu dịch tự do

Lãnh đạo các nước trong khu vực lại tiếp tục những nỗ lực con thoi để thảo luận về tự do mậu dịch vốn còn đang dang dở tại hội nghị thượng đỉnh G-20 vừa diễn ra tuần trước đó tại Seoul.

Tại hội nghị G-20, Mỹ đã không ký được một Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, mà cũng không thuyết phục được TQ hãy để đồng nhân dân tệ tăng giá.

Mặc dù vậy, kết quả khả quan của thượng đỉnh G-20 đem lại nhiều hy vọng cho những thảo luận tại APEC. Tại Seoul, các nhà lãnh đạo G-20 đã đồng ý tiếp tục đưa thế giới tiến tới tăng trưởng cân bằng và bền vững, mặc dù còn nhiều việc phải làm để giải quyết những bất đồng về vấn đề tiền tệ và thương mại.

Thông cáo chung cam kết hạn chế phá giá đồng nội tệ nhằm mục đích xuất khẩu và tạo việc làm trong các nước, tăng cường hợp tác đa phương nhằm chống chủ nghĩa bảo hộ, kiên trì theo đuổi các chính sách có lợi để giảm tình trạng mất cân bằng thương mại và duy trì cán cân thanh toán ở mức ổn định cho các nền kinh tế.

Một thỏa thuận khá quan trọng khác là đồng thuận hướng tới các cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn do thị trường quyết định. Hội nghị cũng đã thông qua kế hoạch hành động về phát triển trung hạn trong 5 năm (2011 - 2014).

Tổng thống Mỹ Barack Obama theo đuổi chính sách “trọng Thái Bình Dương” nên đến APEC với rất nhiều tham vọng. Ông Obama đã nói với Nhật Bản và TQ rằng, châu Á nay trở thành công xưởng của thế giới, đừng tính đến việc xây dựng sự thịnh vượng của mình dựa trên hàng hóa xuất khẩu qua Mỹ.

Các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có đồng tiền phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ biết rằng, khi làm đồng tiền này hạ giá, chính quyền Mỹ muốn “xuất khẩu lạm phát” sang các nước châu Á, để buộc họ phải, hoặc định giá lại đồng tiền của mình, hoặc nâng mức lương bổng, và như vậy giúp cho việc đưa trở lại việc làm về Hoa Kỳ. Như vậy, công xưởng châu Á sẽ không còn lợi thế cạnh tranh dựa trên mức lương thấp nữa.

Vào năm ngoái, tại Singapore, nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương APEC đã đồng ý sẽ tiến hành các bước chuẩn bị cho việc thành lập một khu tự do mậu dịch khổng lồ, bao gồm toàn bộ 21 nền kinh tế.

Nhưng theo các chuyên gia, sáng kiến này vẫn chỉ mới ở giai đoạn sơ khai và APEC còn phải vượt qua rất nhiều khó khăn mới đạt được mục tiêu xóa bỏ các hàng rào thuế quan trong một khu vực rộng lớn như thế.

Theo nhận định của giáo sư kinh tế thuộc trường Đại học Quản lý Niigata (Nhật), Ivan Tselichtchev: “Các nước trong khu vực đã tạo nên một mạng lưới chằng chịt những thỏa thuận thương mại, tương lai sẽ vẫn rất phức tạp và chúng ta sẽ không có một thỏa thuận chung cho tất cả mọi người”.

Càng khó khăn hơn khi một số quốc gia lại tự thiết lập những thỏa thuận mậu dịch tự do riêng lẻ. Chẳng hạn, Hoa Kỳ muốn gia nhập vào khối Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một vùng tự do mậu dịch với quy mô còn nhỏ, hiện chỉ bao gồm các nước Brunei, Chilê, New Zealand và Singapore. Cũng giống như Mỹ, Việt Nam, cùng với Úc, Malaysia, Peru cũng đang thương lượng để gia nhập TPP.

Tiến trình tự do hóa mậu dịch châu Á - Thái Bình Dương càng gặp thêm trắc trở do nhiều căng thẳng song phương, mà trước hết là giữa Mỹ với TQ, đặc biệt do vấn đề đồng nhân dân tệ và chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Mỹ, trong bối cảnh mà Bắc Kinh và Washington tranh giành ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, khủng hoảng ngoại giao trầm trọng giữa TQ với Nhật Bản và Nga về tranh chấp chủ quyền đảo Điếu Ngư và Kuril cũng khiến những đàm phán tại APEC có kết quả hạn chếõ. Chưa kể, quan hệ Mỹ - Nhật hiện nay cũng không lấy gì là suôn sẻ, do bất đồng trên vấn đề dời căn cứ quân sự của Hoa Kỳ trên đảo Okinawa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hợp tác Kinh tế APEC: Dọn dẹp G-20
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO