Hồi sinh sau thảm họa

20/03/2011 09:53

Từ thành phố Mito, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản - nơi bị sóng thần tàn phá nặng nề, phóng viên Tuổi Trẻ tường trình về một cuộc hồi sinh mạnh mẽ của người dân nơi đây.

Hồi sinh sau thảm họa

Từ thành phố Mito, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản - nơi bị sóng thần tàn phá nặng nề, phóng viên Tuổi Trẻ tường trình về một cuộc hồi sinh mạnh mẽ của người dân nơi đây.

Tại một điểm tị nạn ở thành phố Rikuzentakata, đông bắc Nhật Bản, các nạn nhân bị động đất đã có thể vươn vai tập thể dục mỗi sáng

Tại thành phố Mito, tỉnh Ibaraki, nơi bị cơn sóng thần cao 4m tàn phá, cuộc sống đang dần trở lại. Người dân Mito đã đứng dậy một cách mạnh mẽ.

Từ Tokyo, hàng trăm người xếp hàng dày đặc ở các trạm xe buýt để mua vé về các tỉnh thuộc vùng Tohoku bị thảm họa động đất - sóng thần tàn phá nặng nề. Tuy nhiên, các tuyến xe buýt về các vùng gần tỉnh Fukushima vẫn chưa mở lại.

Chú bé này đang tập đọc cùng bà tại khu trung tâm thể thao thị trấn Yamagata, đông bắc Nhật Bản, trong những ngày lánh nạn động đất - sóng thần - Ảnh: Reuters

Xe buýt về Mito, thành phố cạnh tỉnh Fukushima, đầy kín người. Ngay từ cửa ngõ thành phố, khung cảnh hoang tàn hiện ra trước mắt. Những ngôi nhà rơi ngói, nứt gãy, các đoạn đường sắt đề biển ngừng hoạt động. Nhiều cửa hàng trong thành phố đóng cửa, đồ đạc rơi vỡ chưa kịp dọn sạch.

Người dân tỉnh Iwate bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị công cuộc tái thiết Ảnh: AFP

Hơn 200.000 ngôi nhà ở tỉnh Ibaraki đã bị hư hỏng nặng. 19 người chết và một người bị mất tích. Trên đoạn đường sắt Hitachi Nakakahin nối từ thành phố Hitachi ra biển, một hồ nước cạnh đường sắt không chịu nổi những cơn địa chấn dữ dội đã vỡ thành hồ và cuốn trôi toàn bộ đất nền bên dưới. Một đoạn đường sắt dài sụp hoàn toàn.

Anh Harada, một người dân địa phương, cho biết chỉ vài phút trước khi chấn động dữ dội xảy ra, một đoàn tàu vừa băng qua khu vực này. Nếu con tàu trễ hơn vài phút, hậu quả là không lường trước được.

Bị cúp điện, người dân thành phố Mito, tỉnh Ibaraki xếp hàng chờ mua dầu tại một cây xăng trong thành phố. Ảnh: Lan Phương

Chờ nhiều giờ để mua xăng dầu

Hoạt động tái thiết bắt đầu

Theo báo Japan Times, ngay từ ngày 19/3, hoạt động xây dựng các căn nhà tạm cho nạn nhân động đất đã bắt đầu ở thành phố ven biển Rikuzentakata (tỉnh Iwate) bị động đất và sóng thần tàn phá nặng nề.

Chính quyền địa phương cho biết ít nhất 200 căn nhà đúc sẵn, mỗi căn rộng 30m2, đang được xây trên nền một trường tiểu học cũ. Mỗi căn có thể chứa 2-3 người. “Chúng ta cần phải thực hiện nhanh nhiệm vụ này” - Japan Times dẫn lời thị trưởng thành phố Futoshi Toba.

Ở thành phố Kamaishi cũng thuộc tỉnh Iwate, chính quyền đang khẩn trương triển khai kế hoạch xây nhà tạm ở một sân bóng chày. Tuy nhiên tình trạng thiếu hụt xăng dầu đã khiến việc chuyên chở vật liệu xây dựng đến thành phố bị trì hoãn.

Theo Kyodo News, tổng cộng tỉnh Iwate sẽ xây dựng 8.800 căn nhà tạm cho các nạn nhân động đất, sóng thần. Chính quyền tỉnh sẽ di tản người sống sót từ vùng ven biển về các khu vực ít bị tàn phá hơn.

Trong khi đó, tỉnh Miyagi đã được chính quyền tỉnh Kochi và các tỉnh khác cam kết tiếp nhận các nạn nhân sóng thần sau khi tỉnh này kêu gọi người dân di chuyển đến các vùng khác do gặp khó khăn trong việc xây dựng nhà tạm.

Thảm họa không xóa được bất đồng chính trị

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã thất bại trong nỗ lực kêu gọi lãnh đạo phe Đảng Dân chủ tự do (LDP) đối lập Sadakazu Tanigaki tham gia nội các với vai trò phó thủ tướng để đảm trách nhiệm vụ cứu trợ động đất. Theo Kyodo News, ông Kan cho biết Đảng Dân chủ Nhật (DPJ) cầm quyền cần sự giúp đỡ của ông Tanigaki trong việc tái thiết các vùng đông và đông bắc trong thảm họa vừa qua.

Thủ tướng Kan cũng cho ông Tanigaki biết ý định thành lập một chính phủ gồm hai đảng DPJ và LDP để cùng “nắm tay” vượt qua thảm họa hiện nay. Tuy nhiên ông Tanigaki đã không chấp nhận đề nghị này.

Ông Kenji Kosaka, tổng thư ký của LDP tại thượng viện, cho biết LDP sẵn sàng đóng góp cho chương trình tái thiết đất nước nhưng sẽ không tham gia nội các chính phủ. Thủ tướng Nhật cũng đã đưa ra lời đề nghị với tất cả các đảng ở Nhật để mở rộng nội các từ trước động đất, nhưng lời kêu gọi của ông đã vấp phải sự e dè của nhiều đảng đối lập.

Tại nhiều khu vực trong thành phố Mito, người dân lặn lội đến những mạch nước đổ ra từ khe núi để hứng từng thùng nước. Vài ngày qua, chính quyền địa phương phải tổ chức các đoàn xe cung cấp từng lít nước cho người dân của cả thành phố Mito vì hệ thống điện nước bị cúp.

Ở một trạm xăng trong khu Sakamachi, bà cụ Uchikoshi Sadako (79 tuổi), ngồi ôm hai can dầu chờ từ 10g sáng. Bà kể: “Tôi muốn mua hai can dầu để nấu nước tắm. Tôi biết trạm xăng nghỉ bán rồi, không biết có bán lại hay không nhưng cứ phải chờ vậy thôi”.

Để có được nước tắm, từ 3g sáng bà Uchikoshi phải đi xe 15 phút đến một khe núi có nước suối chảy để chờ hứng từng bình. Bà cho biết: “Phải đi sớm thế nhưng khi tôi đến nơi thì đã có nhiều người khác xếp hàng chờ từ trước đó rồi. Nước suối hứng được rất lạnh nên không có dầu đun cũng không dùng làm gì được”.

Nhà bà Uchikoshi vẫn còn may mắn so với nhiều người khác vì bà còn một ít xăng tích trữ. Tuy nhiên, xăng này bà chỉ dám dùng để đi đến bệnh viện khi có chuyện nguy hiểm xảy ra chứ tuyệt đối không dám sử dụng. Cạnh bà, hàng người ngồi chờ cứ dài ra mãi.

Gần đó, hàng chục xe hơi cũng nối đuôi nhau chờ đổ xăng. Ngồi trong chiếc xe đầu tiên, ông Iida Isao cho biết: “Tôi đã chờ từ 21g hôm qua. Và bây giờ phải đợi đến 16g tôi mới biết có xăng nữa để đổ không”. Vạch xăng trên xe của ông đã đến dấu màu đỏ rồi.

Bắt đầu cuộc tái thiết

Gặp chúng tôi ở văn phòng, ông Suetsugu - trưởng đại diện báo Mainichi ở Mito - chỉ lên bản đồ mô tả: “Trong buổi chiều 11/3, cơn sóng thần đã tấn công vào cảng ở đây. Nhưng vì Mito ở rất gần Tokyo và các khu vực an toàn khác nên cuộc tái thiết đã diễn ra rất nhanh chóng. Mọi người đang khắc phục hậu quả của sóng thần với tốc độ chưa từng có. Nếu các bạn ra khu cảng tan nát mấy ngày trước, mọi thứ gần như đã trở lại bình thường”.

Trên đường dẫn ra cảng, nhiều xe cẩu và máy xúc được huy động đến gom hết đồ đạc bị sóng thần thổi tung và làm hư hỏng. Con đường xếp đầy đồ đạc bị phá hủy được phân loại nhanh chóng.

Ngay tại cảng, ba container đầy hàng bị cơn sóng thần từ phía ngoài đê chắn sóng cuốn tung đập vào sát khu nhà ở của ngư dân vẫn còn nằm ngổn ngang. Dù vậy, toàn bộ khu vực cảng hai ngày trước đây còn là một bãi phế liệu khổng lồ giờ đã gọn gàng như thể chưa có chuyện gì xảy ra.

Ông Kazumi Nemoto, chủ tịch Hiệp hội Nghề cá cảng Naka Minato, cho biết: “Ngày 12 và 13/3, chúng tôi vẫn được lệnh tiếp tục di tản vì có nguy cơ xảy ra các đợt sóng thần tiếp theo. Vì vậy đến ngày 14/3 chúng tôi mới bắt đầu dọn dẹp khu nhà ở ngư dân và cảng. Nếu hai ngày trước các bạn đến đây, cả khu cảng là đống đổ nát. Mọi người đều làm việc bằng tay. Nhờ cần cẩu nâng đến chúng tôi mới có thể làm nhanh hơn đấy”.

Hằng ngày, ông Kazumi vẫn đến cảng và cùng với ngư dân trong khu nhà bắt tay vào dọn dẹp mọi thứ đến 13g. Sau thời gian đó, mọi người được phép về nhà để dọn dẹp và sửa chữa thiệt hại cho ngôi nhà của gia đình mình.

Chỉ vài ngày ngắn ngủi trôi qua, cả khu nhà ngư dân đã trở về với hoạt động bình thường của mình. Cảng ra phía biển sạch sẽ tinh tươm. Phế liệu do sóng thần gây ra được xếp thành một đống lớn, phân loại kỹ càng, ngay giữa sân của cảng.

Trên các kênh truyền hình, ngoài những thống kê thiệt hại được cập nhật, các thông tin về hệ thống tàu, điện, nước cũng nhanh chóng được thông báo khôi phục liên tiếp tại các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hồi sinh sau thảm họa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO