Hiểu thêm về cuộc khủng hoảng tại Qatar

ĐÌNH NAM tổng hợp/DNSGCT| 11/08/2017 00:31

Các lệnh trừng phạt có thể khiến cuộc sống của người dân Qatar đắt đỏ hơn nhưng khó tác động đáng kể đến khối tài sản khổng lồ của họ.

Hiểu thêm về cuộc khủng hoảng tại Qatar

Các lệnh trừng phạt có thể khiến cuộc sống của người dân Qatar trở nên đắt đỏ hơn, nhưng sẽ khó tác động đáng kể đến khối tài sản khổng lồ của họ.

Đọc E-paper

Qatar là một quốc gia tại Trung Đông, nằm trên bán đảo nhỏ thuộc duyên hải Đông Bắc bán đảo Ả Rập, chỉ có biên giới đất liền phía Nam giáp Saudi Arabia, các mặt khác giáp vịnh Ba Tư.

Qatar nhỏ bé về diện tích chỉ 11.580km và ít ỏi về dân số, nhưng hiện là đất nước đứng đầu bảng xếp hạng mới nhất về "Quốc gia và khu vực giàu nhất trên thế giới" với GDP bình quân đầu người hơn 90.000 USD/năm.

Trên bán đảo vùng vịnh này có 1,6 triệu người sinh sống và làm việc, nhưng người nhập cư lại chiếm đến 80% dân số.

Là đất nước xinh đẹp trên bán đảo Ả Rập, nơi người dân sinh ra đã giàu. Qatar có trữ lượng khí đốt thiên nhiên thứ ba thế giới, trữ lượng dầu mỏ là 15 tỉ thùng. Người dân ở đây sử dụng điện, nước, khám chữa bệnh miễn phí và đặc biệt là không phải nộp thuế cho chính phủ. Cuộc sống của người dân Qatar hiện nay là niềm mơ ước của biết bao người dân xứ khác.

Thủ đô Doha của Qatar là một ốc đảo xanh tươi giữa sa mạc nóng và khô, với các công viên xanh ngát và bãi cỏ được chăm sóc chu đáo. Doha có rất nhiều di tích cổ như pháo đài, các đền thờ cổ kính thu hút du khách và nổi tiếng nhất là Bảo tàng Quốc gia được xây bằng đá phiến một màu vàng trắng kiên cố như một pháo đài giữa sa mạc. Người dân nước này tự hào rằng muốn biết sự giàu có của Qatar ra sao thì hãy vào Bảo tàng Quốc gia của họ. 

Doha cũng là một thiên đường mua sắm với những mặt hàng miễn thuế đa dạng trong các trung tâm thương mại sầm uất như City Center, Landmark, Hyatt Plaza, The Mall và The Royal Plaza…

Không chỉ có nhiều tiền, người dân Qatar cũng rất biết cách tiêu tiền. Nếu như muốn mua một món đồ mà Qatar không có, họ lập tức đáp máy bay tới Dubai để mua. Nếu như ở Dubai cũng không có thì họ có thể bay tới châu Âu hoặc Mỹ để mua bằng được.

Người dân nước này chưa bao giờ phải lo lắng về việc làm thế nào để kiếm sống, chính vì thế mà họ không cần thiết phải làm việc.

>>Bất ngờ về sự giàu có của Qatar

Thế nhưng tình hình nay đã có phần đổi khác, khi đất nước thuộc hàng giàu sang nhất thế giới này đang rơi vào tình trạng bị cô lập.

Tháng 6/2017, một số quốc gia do Arab Saudi dẫn đầu đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Các quốc gia khác bao gồm Bahrain, Ai Cập, Yemen, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Libya và Maldives, không chỉ đình chỉ quan hệ ngoại giao mà còn dừng tất cả các tuyến giao thông bằng đường bộ, đường biển và hàng không. Các quốc gia này – ngoại trừ Ai Cập – ra lệnh công dân mình rời khỏi Qatar. Jordan cũng giảm quan hệ với Qatar.

Ngày 23/6, bốn nước Saudi Arabia, UAE, Ai Cập và Bahrain đã công bố bản danh sách các đòi hỏi – thông qua Kuwait, hoạt động như một trung gian hòa giải – yêu cầu Qatar phải đồng ý hoàn toàn trong vòng 10 ngày, hạn chót là ngày 1/7.

Những yêu cầu này bao gồm:

– Đóng cửa Đài phát thanh Al-Jazeera và các văn phòng liên hệ.

– Đóng cửa căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar, chấm dứt sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và bất kỳ hợp tác quân sự chung nào với Thổ Nhĩ Kỳ bên trong Qatar.

– Giảm mối quan hệ với Iran. Chỉ được phép buôn bán và thương mại với Iran phù hợp với các biện pháp trừng phạt của Mỹ và quốc tế. Trục xuất bất kỳ thành viên nào của Lực lượng bảo vệ Cách mạng Iran và cắt đứt hợp tác quân sự và tình báo với Iran.

– Qatar cũng phải cắt đứt quan hệ với các tổ chức khủng bố, hệ tư tưởng và giáo phái, trong đó có Anh em Hồi giáo, Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant, al Qaeda, Hezbollah và Jabhat Fateh al Sham – trước đây là chi nhánh của Al Qaeda tại Syria.

– Nộp tất cả các kẻ khủng bố được chỉ định ở Qatar và ngừng tất cả các phương tiện tài trợ cho các cá nhân, nhóm hoặc tổ chức đã được chỉ định là khủng bố.

– Ngừng can thiệp vào các vấn đề đối nội và đối ngoại của bốn quốc gia và liên lạc với nhóm đối lập chính trị của họ.

– Ngừng cấp quốc tịch cho những công dân Saudi Arabia, UAE, Ai Cập và Bahrain bị truy nã. Thu hồi quốc tịch Qatar các công dân này đã vi phạm luật của các quốc gia vừa nói.

– Thanh toán bồi thường cho những năm bị cáo buộc sai lầm.

– Giám sát trong 10 năm.

– Đóng cửa các văn phòng thông tin mà Qatar tài trợ, trực tiếp và gián tiếp, bao gồm Arabi21, Rassd, Al-Araby Al-Jadeed và Mắt Trung Đông.

– Trở về hàng ngũ của các quốc gia vùng Vịnh và Ả Rập về quân sự, chính trị, xã hội và kinh tế, phù hợp với một thỏa thuận đã đạt được với Arab Saudi vào năm 2014.

Trước tình hình nóng bỏng này, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran đang kêu gọi các bên đối thoại để giải quyết khủng hoảng.

Vào ngày 23/6, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối đóng cửa căn cứ quân sự ở nước này và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho những đòi hỏi nói trên là vi phạm luật quốc tế.

Tổng thống Iran Hassan Rohani nói rằng Iran đứng về phía nước anh em Qatar trong cuộc khủng hoảng và mở cửa không phận cũng như hải phận bất cứ lúc nào cho Qatar.

Ngày 29/6, Qatar tuyên bố sẵn sàng thảo luận với các nước láng giềng Ả Rập để chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao đang diễn ra, nhưng khẳng định không thể đáp ứng các yêu cầu nói trên vì cho rằng đây là những điều không có thật.

Ngoại trưởng Sheikh Mohammed al Thani của Qatar cho biết nước này không thể dừng làm những việc mà họ chưa bao giờ làm: "Chúng tôi đi đến kết luận rằng mục đích của tối hậu thư không phải là để giải quyết những vấn đề được nêu, mà nhằm gây sức ép buộc Qatar từ bỏ chủ quyền của mình. Đó là điều mà chúng tôi sẽ không làm".

Với sự ủng hộ của Mỹ, Kuwait đang cố gắng hòa giải mâu thuẫn ở vùng Vịnh.

Ngày 30/7, bốn nước Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập tuyên bố sẵn sàng đàm phán để giải quyết tranh chấp nếu Doha chứng tỏ được thiện chí đáp ứng các yêu cầu mà họ đưa ra.

Theo hãng tin Reuters, ngoại trưởng bốn nước nói trên đã có cuộc gặp ở thủ đô của Bahrain để bàn về cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các nước này với Qatar. “Bốn nước đã sẵn sàng đối thoại với điều kiện là Qatar phải tuyên bố thiện chí chân thành rằng họ sẽ ngừng tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, cũng như cam kết sẽ không can thiệp vào quan hệ ngoại giao của nước khác và đáp ứng các yêu cầu".

Trong khi Qatar không hề nao núng trước áp lực của các nước vùng Vịnh thì bốn nước này không công bố thêm lệnh trừng phạt kinh tế nào mới đối với Qatar.

Bộ trưởng Tài chính Qatar Ali Sharif al-Emadi cho biết dự trữ tài chính lớn của nước này sẽ giúp họ chống chọi các lệnh trừng phạt từ nước láng giềng. Ông tuyên bố: "Chúng tôi có các quỹ đầu tư quốc gia với tổng tài sản tương đương 250% GDP. Chúng tôi còn có dự trữ tại Ngân hàng Trung ương Qatar và các khoản khác nữa".

Ông so sánh Qatar với Arab Saudi, UAE, Bahrain và Ai Cập, cho rằng dù các hãng xếp hạng tín nhiệm hạ triển vọng tài chính của Qatar nhưng Doha vẫn còn tốt hơn đối thủ: "Trái phiếu Bahrain và Ai Cập vẫn còn ở mức rác (dưới mức có thể đầu tư). Còn Saudi Arabia, họ vẫn đang gặp rắc rối tài chính. Chúng tôi là quốc gia phát triển nhanh nhất trong khu vực, nhanh hơn 40% so với UAE – nước gần nhất trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh".

Giới chức UAE tuyên bố các đối tác thương mại sẽ phải chọn giữa Qatar và các nước còn lại trong khu vực. Việc này sẽ khiến nhiều quốc gia khó xử, chẳng hạn như Anh, do phụ thuộc vào khí đốt và các khoản đầu tư từ Qatar. Dù vậy Bộ trưởng tài chính al Emadi dường như không mấy quan tâm và cho biết Qatar đã đa dạng hóa nền kinh tế sang dịch vụ và lĩnh vực này rất khó phong tỏa. Quỹ đầu tư quốc gia Qatar Investment Authority hiện sở hữu rất nhiều bất động sản ở London như Shard, Canary Wharf, Harrods và Olympic Village, với tổng tài sản của quỹ và các nguồn dự trữ khác lớn gấp ba GDP cả nước. Bên cạnh đó, nếu phải chọn giữa UAE và Qatar, rất nhiều công ty sẽ chọn Qatar vì họ đã chứng minh cho thế giới thấy sẽ không để chính trị can thiệp vào việc kinh doanh.

Tuần qua, hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s đã hạ triển vọng Qatar vì lo ngại các lệnh phong tỏa của vùng Vịnh sẽ khiến nhà đầu tư và du khách ít đến Qatar. Tuy vậy, xếp hạng tín nhiệm của nước này vẫn được giữ nguyên, do "lượng tài sản ròng đáng kể mà chính phủ và người dân nắm giữ". Bên cạnh đó, nguy cơ bất ổn xã hội tại đây cũng khó xảy ra như phần lớn các nước Trung Đông khác, do thu nhập đầu người quá cao.

Việc bị các nước láng giềng cắt đứt quan hệ đã khiến dự trữ quốc tế ròng của Qatar mất 30% ở tháng trước. Dự trữ quốc tế của Ngân hàng trung ương Qatar đã giảm 10,4 tỉ USD trong tháng 6, xuống 24,4 tỉ USD do các lệnh trừng phạt kinh tế của các nước Ả Rập. Đây là con số thấp nhất trong năm năm qua.

Các số liệu vừa công bố cũng cho thấy tiền gửi bằng ngoại tệ tại các ngân hàng Qatar đã giảm mạnh vào tháng trước. Nhiều ngân hàng và quỹ đầu tư đã rút tiền khỏi Qatar, gây áp lực lên thanh khoản, khiến ngân hàng trung ương phải dùng tiền dự trữ để giảm thiếu hụt và duy trì tỷ giá giữa đồng riyal và đôla. Tuy nhiên, mức giảm này không đến mức báo động. Nguyên nhân là "Qatar còn các tài sản nước ngoài trong quỹ đầu tư quốc gia", Mohamed Abu Basha – nhà kinh tế học tại Ngân hàng EFG-Hermes nhận xét.

Nước này hiện sở hữu một trong những quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới, với nhiều bất động sản thanh khoản cao trên toàn cầu. Số tài sản có thể bù đắp cho dự trữ của ngân hàng trung ương nếu giới chức thấy cần thiết. Sự tẩy chay của các nước láng giềng cũng vẫn chưa ảnh hưởng đến xuất khẩu khí hóa lỏng tự nhiên của nước này.

Tuy vậy, việc bị cô lập đã khiến Qatar phải mở thêm nhiều tuyến thương mại mới, đắt đỏ hơn để nhập khẩu lương thực, vật liệu xây dựng và máy móc.

Cuộc chiến ngoại giao tại vùng Vịnh vẫn chưa ngã ngũ. Giới quan sát đánh giá các lệnh trừng phạt có thể khiến cuộc sống của người Qatar đắt đỏ hơn, nhưng khó tác động đáng kể đến khối tài sản khổng lồ của họ.

>>Bị cô lập, Qatar vượt khó thế nào?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hiểu thêm về cuộc khủng hoảng tại Qatar
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO