Heineken mua lại Tiger beer: Bia khát... bia

THỤY KHA| 01/08/2012 00:27

Sợ chậm chân trong các thị trường mới nổi, hãng bia Hà Lan Heineken tung hàng tỷ USD cho thương vụ thâu tóm hàng loạt đối thủ, trong đó có Tiger Beer.

Heineken mua lại Tiger beer: Bia khát... bia

Sợ chậm chân trong các thị trường mới nổi, hãng bia Hà Lan Heineken tung hàng tỷ USD cho thương vụ thâu tóm hàng loạt đối thủ, trong đó có Tiger Beer.

Đọc E-paper

Công ty bia khổng lồ của Hà Lan Heineken ngày 27/7 đã gia hạn thêm 1 tuần cho Tập đoàn S xuất thực phẩm và đồ uống Singapore Fraser and Neave (F&N) để xem xét đề nghị hỏi mua lại Công ty Asia Pacific Breweries (APB) với giá 4,1 tỷ USD.

Heineken và F&N từ lâu đã là đối tác của nhau ở châu Á: Heineken hiện sở hữu 41,9% APB, trong khi F&N sở hữu 40%, còn hãng bia Nhật Kirin Holdings thì nắm 15% F&N.

Heineken tung ra hàng tỷ USD để mua lại APB sau khi có thông tin những công ty bia có liên hệ với tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đạt được thỏa thuận mua lại 22% cổ phần của F&N và 8,6% của APB.

Công ty Thai Beverage của ông Charoen do đó đã tăng cổ phần nắm giữ ở F&N lên 23,9%. Động thái của hãng bia Thái Lan đe dọa quan hệ kinh doanh của Heineken với APB, vốn đang tăng trưởng nhanh.

APB (có trụ sở tại Singapore) là hãng sản xuất nhãn hiệu Tiger Beer, có lợi nhuận trước thuế tăng trung bình 24%/năm suốt từ năm 2007; riêng năm 2011, lợi nhuận của APB đạt 613 triệu đô la Singapore.

Theo Bloomberg, tuy là công ty sản xuất bia lớn thứ ba thế giới (nắm 8,8% thị phần toàn cầu), song trong các hãng bia lớn nhất thế giới, Heineken có mức độ hiện diện thấp nhất tại các thị trường mới nổi.

Vì thế, Heineken chỉ chờ có dịp thuận lợi để đẩy mạnh đầu tư, mở rộng tầm hoạt động. Rốt ráo mua lại các hãng bia trong khu vực, Heineken cũng không giấu tham vọng chiếm lĩnh toàn bộ thị trường bia châu Á - thị trường đang chiếm doanh số lớn nhất.

Theo Euromonitor International, năm ngoái, doanh số 615,8 tỷ USD của thị trường bia toàn cầu chủ yếu đến từ thị trường châu Á - Thái Bình Dương. APB có các thương hiệu như: Bintang, Anchor, Anglia và Malta khá phổ biến tại các nước như: Singapore, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.

Tuy nhiên, tại các nước Hồi giáo như Malaysia và Indonesia, rất khó khăn để nhận được giấy phép sản xuất bia, vì thế, mua lại là cách dễ dàng nhất giúp Heineken bước chân vào các thị trường khó tính này. Việc sáp nhập không chỉ tạo ra mạng lưới phân phối rộng lớn, mà còn mang lại cho các hãng này một lợi thế lớn khi mua nguyên liệu.

Nếu mua lại APB thành công, đây sẽ là thương vụ mua bán và sáp nhập đắt giá nhất của Heineken kể từ khi hãng này bỏ ra 7,4 tỷ USD mua lại Công ty Fomento Economico Mexicano SAB (Femsa) của Mexico.

Trong những năm gần đây, Heineken liên tục mở rộng thị trường đang phát triển thông qua mua bán và sáp nhập, như thương vụ FEMSA tại Mexico và Brazil, hợp tác với hãng bia United Breweries tại Ấn Độ.

Tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương, Heineken đạt tăng trưởng 6,2% năm ngoái so với 1% tại thị trường Mỹ và 0,2% tại thị trường châu Âu. Theo phân tích của Standard Chartered, các hãng bia như Heineken, Carlsberg hay Anheuser-Busch InBev hiện rất sẵn tiền mặt.

Trong khi đó, giá trị thị trường của nhiều công ty kinh doanh bia tại nhóm thị trường mới nổi hiện đang bị định giá thấp. Vì vậy, đây là cơ hội tốt nhất để các hãng bia phương Tây chộp cơ hội để thâu tóm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Heineken mua lại Tiger beer: Bia khát... bia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO