Hệ lụy từ chính sách một con tại Trung Quốc

LÊ CẨN tổng hợp| 02/07/2012 04:32

Ở Trung Quốc, chính sách một con được áp dụng khá triệt để, công nhân viên chức vi phạm bị sa thải, còn người dân vi phạm thì bị phạt tiền.

Hệ lụy từ chính sách một con tại Trung Quốc

Ở Trung Quốc, chính sách một con được áp dụng khá triệt để, công nhân viên chức vi phạm bị sa thải, còn người dân vi phạm thì bị phạt tiền.

Đọc E-paper

Một gia đình lý tưởng tại Trung Quốc

Loại tiền phạt mệnh danh là SMF (tương đương 6.280 USD) đã nghiễm nhiên tồn tại trong đời sống tại Trung Quốc từ thập niên 1980. Theo ước lượng của nhà nghiên cứu độc lập He Yafu, trong 30 năm qua ngân sách Trung Quốc đã thu về một khoản tiền tương đương 314 tỷ USD.

Bài tính của Yafu dựa trên con số khoảng 200 triệu người đã “vỡ kế hoạch” trong 30 năm qua, trung bình mỗi người phải đóng khoản phí tương đương 1.570 USD.

Khi áp dụng trên thực tế, khoản phí SMF thay đổi tùy theo mức thu nhập bình quân của người dân ở mỗi địa phương, nặng nhất là thành phố Thượng Hải, ở đó khi sinh đứa con thứ hai, cặp vợ chồng vi phạm phải đóng mỗi người gần 17.200 USD, còn nếu tiếp tục sinh con thứ ba, khoản SMF mà cả hai người phải đóng là 68.000 USD!

Trong trường hợp không đủ khả năng hay không chịu trả phí, các cặp vợ chồng vi phạm phải gánh chịu những hậu quả nặng nề, tiêu biểu nhất là đứa con thứ hai trở đi không được nhập hộ khẩu, nghĩa là mọi cánh cửa tương lai, kể cả học vấn, đều đóng sập trước mắt đứa trẻ.

Bên cạnh phí SMF, Trung Quốc không quên đề ra những khoản thưởng cho các cặp vợ chồng tuân thủ đúng quy định như: các trường danh tiếng ưu tiên thu nhận những học sinh có “giấy chứng nhận vẻ vang dành cho các bậc cha mẹ chỉ có một con”, còn bản thân các bậc cha mẹ có giấy này được hưởng tiền thưởng cho đến khi về hưu.

Thời gian qua cũng đã có đôi chút nới lỏng trong chính sách này, theo đó các cặp vợ chồng sống ở thôn quê được sinh đứa con thứ hai nếu đứa con đầu là gái; ở Thượng Hải, nếu cặp vợ chồng nào có một người đã đi đánh cá trong năm năm thì có thể sinh con thứ hai mà không phải đóng phí SMF.

Gần đây, chính sách một con đã làm phát sinh thêm một nghề chưa từng được ghi trong từ điển ngành nghề của Trung Quốc, đó là nghề làm “chồng hờ” với một mức thù lao thấp hơn nhiều so với khoản phí SMF. Những cặp vợ chồng nào đã có một, hai con mà muốn có thêm “tí nhau” nữa sẽ tiến hành một cuộc ly hôn giả, sau đó người vợ làm giấy kết hôn với một ông chồng hờ.

Theo luật pháp Trung Quốc, trong một cuộc hôn nhân mà một người đã có con từ một cuộc hôn phối trước và người kia chưa có con thì họ được phép sinh con chung. Khoản phí mà một người chồng hờ nhận được vào khoảng 3.120 USD.

Theo các nhà xã hội học, nếu chính sách một con vẫn được áp dụng một cách cứng rắn tại Trung Quốc thì dân số nước này sẽ sớm già nua, từ tỷ lệ 8/1 hiện nay (8 người trong độ tuổi lao động thì có một người trên 65 tuổi) giảm còn 2,2/1 vào năm 2050, thấp hơn cả nước Nhật có dân số già nhất thế giới (hiện nay), với tỷ lệ 2,6/1. Khi đó, hai người phải làm việc để nuôi một người, sự xáo trộn xã hội là điều không thể nào tránh khỏi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hệ lụy từ chính sách một con tại Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO