Hàn Quốc chọn biểu tượng hòa bình

THÁI BẢO| 16/05/2017 05:41

Tổng thống mới đắc cử Moon Jae-in được xem là người có thể duy trì sự hòa bình, ổn định cho Hàn Quốc, thông qua cách tiếp cận mới trong mối quan hệ giữa Seoul với Bình Nhưỡng và Washington.

Hàn Quốc chọn biểu tượng hòa bình

Tổng thống mới đắc cử Moon Jae-in được xem là người có thể duy trì sự hòa bình, ổn định cho Hàn Quốc, thông qua cách tiếp cận mới trong mối quan hệ giữa Seoul với Bình Nhưỡng và Washington. 

Đọc E-paper

Với hơn 40% phiếu bầu, ông Moon Jae-in đã thắng cử trong cuộc bỏ phiếu bầu Tổng thống Hàn Quốc ngày 9/5. Giới phân tích đang nghiêng theo hướng cho rằng chính trị gia 64 tuổi này là một sự lựa chọn của hòa bình.

Đoàn kết nhân dân

Cuộc bầu cử tại Hàn Quốc vừa qua được tiến hành như một cách tìm người thay thế cựu Tổng thống Park Geun-hye. Tháng 12 năm ngoái, bà Park bị phế truất sau vụ vi phạm trong công tác, để người bạn thân tiếp cận các tài liệu mật của chính phủ.

Rộng hơn, vụ bà Park trực tiếp liên quan tới khái niệm Chaebol, tức các tập đoàn lớn của Hàn Quốc có công xây dựng nền kinh tế nước này trước kia nhưng đã vì thế lạm dụng quyền lực, can thiệp vào chính quyền. Người dân Hàn Quốc quá phẫn uất với quyền lực của Chaebol và mất niềm tin vào giới cầm quyền, mà vụ lùm xùm của bà Park chỉ như một nguyên cớ để thổi bùng căng thẳng.

Trong bối cảnh đó, ông Moon Jae-in hiện được xem là người hàn gắn niềm tin. Từ những năm 70, ông đã bị bắt và ở tù hàng tháng trời trong một cuộc biểu tình. Thời điểm ấy ông Moon còn là sinh viên và đã chứng tỏ khát khao hiện thân cho nguyện vọng của người dân Hàn Quốc chống lại lãnh đạo Park Chung-hee, trớ trêu lại chính là cha ruột của bà Park Geun-hye.

Chiến thắng của ông Moon không hề bất ngờ, vì trước đó lãnh đạo của đảng Minjoo này đã dẫn đầu trong các cuộc khảo sát vài tháng gần đây. Vừa qua ông Moon giành được 41% phiếu bầu trong tổng cộng 13 ứng viên. Khoảng cách 17% giữa ông và người xếp thứ hai là chênh lệch lớn nhất trong lịch sử các cuộc bầu cử tại Hàn Quốc, minh chứng cho niềm tin của người dân dành cho chính trị gia này. Thêm nữa, việc 77% người dân đi bỏ phiếu cũng là con số cao nhất trong vòng 20 năm nay.

Ông Moon lên kế hoạch thành lập một "ủy ban sự thật" về vụ bê bối của cựu tổng thống, và một lời hứa khác nhằm giúp đỡ người trẻ Hàn Quốc có việc làm mang tên "ủy ban tạo việc làm", hứa hẹn cung cấp 800.000 công việc đa phần ở lĩnh vực công, mà người trẻ sẽ chiếm 1/3 số ấy, tạp chí TIME (Mỹ) cho biết.

>>Tổng thống Park Geun-hye mất chức, kinh tế Hàn vẫn ổn?

Giải tỏa căng thẳng ngoại giao

Một trong những thách thức ngoại giao lớn nhất các đời tổng thống Hàn Quốc gặp phải không gì khác ngoài vấn đề Triều Tiên. Ông Moon Jae-in được bầu chọn trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng chóng mặt trong thời gian qua, đỉnh điểm là việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

THAAD không chỉ là đối tượng chỉ trích của Triều Tiên và Trung Quốc, mà còn là nguyên nhân tranh cãi lâu dài của chính người dân Hàn Quốc với hàng loạt cuộc biểu tình phản đối. Chính sách mạnh tay của Hàn Quốc đối với Triều Tiên lâu nay, ở một khía cạnh nào đó đã tạo ra cảm giác bất an cho người dân xứ sở kim chi.

Ngay cả báo chí Mỹ cũng dẫn nhiều ý kiến chuyên gia cho thấy, trong trường hợp xấu nhất là xảy ra xung đột quân sự, Lầu Năm Góc không thể bảo vệ thủ đô Seoul của Hàn Quốc trong vòng 24 giờ hoặc thậm chí 48 giờ đầu tiên. Và thực tế, không một ai ở bán đảo Triều Tiên muốn thấy chiến tranh, tờ South China Morning Post nhận định.

Với sự có mặt của ông Moon Jae-in, người từng là Chủ tịch Ủy ban đặc biệt về cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần 2 (2007), ở vị trí lãnh đạo Hàn Quốc, có vẻ mọi thứ đang hứa hẹn cải thiện. Một ngày sau thông tin ông đắc cử, báo Triều Tiên Rodong Sinmun đã bắn những "tín hiệu hòa giải" trong một bài xã luận.

Phía Triều Tiên có vẻ "chấm" ông Moon Jae-in, vì ít nhất đây là nhân vật đại diện cho sự đối lập với bà Park Geun-hye - một biểu tượng quyền lực Chaebol quá khứ, mà Triều Tiên gọi là những kẻ tay sai, bù nhìn bị Mỹ giật dây.

Ý tưởng dẫn tới "thống nhất liên Triều" sẽ còn là giấc mơ rất xa vời, vì hầu như không thể tìm ra giải pháp buộc một trong hai phải từ bỏ quyền lực. Thế nhưng một sự hòa hợp ở mức độ "hòa giải" thì hoàn toàn khả thi. Bản thân ông Moon Jae-in cũng khẳng định rằng sẽ đến thăm Triều Tiên vào lúc thích hợp nhất...

>>Tương lai nào cho Hàn Quốc sau thời Park Geun-hye?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàn Quốc chọn biểu tượng hòa bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO