"Giải oan" cho chính sách thắt lưng buộc bụng

14/02/2014 04:46

OECD đã thẳng thắn thừa nhận trong một nghiên cứu mới công bố về những sai sót liên quan tới dự báo trong thời gian khủng hoảng của khu vực eurozone.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã thẳng thắn thừa nhận trong một nghiên cứu mới công bố về những sai sót liên quan tới dự báo trong thời gian khủng hoảng của khu vực eurozone, trong đó chính sách thắt lưng buộc bụng được "giải oan" không phải nguyên nhân gây thiệt hại cho quá trình phục hồi kinh tế.

OECD thừa nhận đã sai lầm khi cho rằng chính phủ tất cả các nước đều biết cách hạ nhiệt cuộc khủng hoảng eurozone
Sau khi rà soát lại những dự báo trước kia của mình, tổ chức quốc tế có trụ sở tại Paris này đã phải ngậm ngùi rút ra kết luận rằng sự lạc quan quá mức của mình về câu chuyện phục hồi bắt nguồn từ một giả định chủ quan và sai lầm rằng chính phủ tất cả các nước đều biết cách hạ nhiệt cuộc khủng hoảng eurozone.

Tự mua dây buộc mình

Thông tin nóng hổi này được chào đón nhiệt tình nhất ở Đức, cùng một số quốc gia cũng chung ý tưởng về việc thắt chặt tài chính là công cụ vô cùng cần thiết để ứng phó với khủng hoảng chứ không phải một cách hành xử hà khắc khiến hàng triệu người thất nghiệp và rơi vào cảnh nghèo.

Năm 2012, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã có những phát biểu gây tranh cãi rằng tất cả các dự báo đưa ra đều đã đánh giá thấp tác động của chính sách thắt lưng buộc bụng đối với quá trình phục hồi. Tuy nhiên, Kinh tế trưởng của OECD, Pier Carlo Padoan, phản đối quan điểm này.

Ông Padoan giải thích OECD không hạ thấp số nhân tài khóa để đưa ra những dự báo thiếu xác đáng về vai trò của chính sách thắt lưng buộc bụng. Số nhân tài khóa là chỉ số đo lường tác động của chi tiêu chính phủ (chính sách tài khóa) đối với thu nhập của quốc gia đó. Về lý thuyết, chỉ số này giảm đồng nghĩa với việc chính sách tiết kiệm không mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế vì cần có chi tiêu chính phủ để kích thích tiêu dùng, từ đó mới tạo ra thêm của cải.

Vấn đề thực chất, theo ông Padoan, nằm ở chỗ OECD tự trói mình quá lâu vào giả định phiến diện rằng cuộc khủng hoảng đồng euro sẽ tự khắc tiêu tan theo thời gian, rằng khoảng cách về lợi suất trái phiếu của các chính phủ sẽ thu hẹp - để rồi đến một ngày nhận ra đó mới chính là những sai lầm nghiêm trọng nhất.

Một so sánh giữa Mỹ và khu vực eurozone cho thấy có rất nhiều lý do khác nữa ảnh hưởng tới hiệu quả khôi phục kinh tế hơn là chính sách thắt lưng buộc bụng hay chính sách tài khóa. Cả hai đều có chiến lược riêng để củng cố hệ thống tài chính nhưng xem ra Mỹ lại làm tốt hơn rất nhiều.

OECD đã cố gắng để vớt vát một sợi dây liên hệ nào đó giữa mức độ giảm thâm hụt của các quốc gia với những dự báo quá lạc quan của mình, nhưng chỉ thu được kết quả mong muốn trong một năm duy nhất, với điều kiện là tính tới cả Hy Lạp.

Rút kinh nghiệm để sửa sai

OECD thừa nhận sai lầm lớn nhất chính là đã quá tin tưởng vào giả thuyết rằng giới hoạch định chính sách sẽ sớm kiểm soát được cuộc khủng hoảng khu vực eurozone, sau khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ông Mario Draghi mạnh mẽ tuyên bố sẽ làm "bất cứ điều gì" để bảo vệ đồng tiền chung.

Chưa dừng lại ở đó, OECD còn tiếp tục lan tỏa thái độ lạc quan quá mức của mình tới cả những quốc gia đang mở cửa thông thoáng nhất cho giao thương và tài chính quốc tế, hay những quốc gia đang kiểm soát thị trường trong nước một cách "khó tính" nhất để bảo vệ hệ thống ngân hàng.

Sự cố lần này giúp OECD nghiệm ra một điều là tổ chức này đã không thật sự thấu đáo khi đánh giá những tác động của các cú sốc toàn cầu lan truyền tới từng nền kinh tế, đặc biệt khi không phải quốc gia nào không có đủ lực cũng như linh hoạt cần thiết để tự tìm lối thoát cho riêng.

OECD khẳng định sẽ rút kinh nghiệm trong tương lai để có một cái nhìn bao quát hơn về các dự báo cho từng quốc gia, chọn góc nhìn "toàn cầu hóa" hơn và cũng chú trọng hơn vào các nhân tố có khả năng gây khủng hoảng, từ đó nâng cao chất lượng dự báo.

Thị trường tài chính dự kiến sẽ là một hướng thu hút nhiều sự quan tâm của tổ chức này trong thời gian tới sau những trải nghiệm về thị trường trái phiếu xảy ra trong các lỗi dự báo về eurozone. OECD cũng hướng tới thực hiện công tác dự báo như "một nghệ thuật hơn là một môn khoa học", tức vận dụng tối đa các chỉ số chính kết hợp với thực tiễn kinh doanh thay vì chỉ dựa vào kết quả chạy mô hình kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Giải oan" cho chính sách thắt lưng buộc bụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO