Giấc mộng Trung Hoa hay ác mộng đại cường?

LAM HỒNG| 26/06/2014 07:24

Sự nôn nóng và táo bạo của giới lãnh đạo mới của Trung Quốc trong tham vọng "đại cường" có thể biến "Giấc mơ Trung Hoa" thành ác mộng.

Giấc mộng Trung Hoa hay ác mộng đại cường?

Sự nôn nóng và táo bạo của giới lãnh đạo mới của Trung Quốc (TQ) trong tham vọng "đại cường" có thể biến "Giấc mơ Trung Hoa" thành ác mộng.

Đọc E-paper

Các thế hệ lãnh đạo TQ thường xây dựng một hệ thống lý luận, học thuyết, tư tưởng để định hướng kỹ trị đất nước tỷ dân này. Năm 1978, Phó chủ tịch nước Đặng Tiểu Bình đã ban hành khẩu hiệu "TQ hùng cường" trong hệ thống sau này được tổng hợp thành "lý luận Đặng Tiểu Bình" nhằm cải cách toàn diện và mở cửa đất nước sau nhiều năm tụt hậu, mở đầu cho ba thập niên bùng nổ phát triển kinh tế TQ sau này.

Năm 1989, Giang Trạch Dân đã thúc đẩy sự "trẻ hóa dân tộc TQ" cùng "Tư tưởng ba đại diện" nhằm giải quyết tình trạng lạc hậu của TQ. Sau khi được cất nhắc lên vị trí quyền lực cao nhất, Hồ Cẩm Đào đã xây dựng được học thuyết lớn là "Xã hội hài hòa" nhằm giải quyết những căng thẳng xã hội mà nguyên nhân là từ những biến đổi kinh tế - xã hội sau cải cách và mở cửa.

Học thuyết của Hồ Cẩm Đào thuyết phục người dân tìm đến các khái niệm Nho giáo dựa trên sự hài hòa để thúc đẩy mối quan hệ bên trong của TQ cũng như giữa TQ và thế giới.

Lúc này, Bắc Kinh đang ra sức quảng bá cho khẩu hiệu mới của Tập Cận Bình là "Giấc mơ Trung Hoa". Trong những tháng gần đây, truyền thông TQ ra sức tán dương chủ thuyết này của lãnh đạo TQ. Các bức tường "ước mơ” đã được dựng lên ở một số trường đại học, cho phép sinh viên viết lên những ước mơ của mình. Viện Khoa học Xã hội TQ cũng đề xuất nghiên cứu giấc mơ TQ.

Ông Tập đã nhắc đến khái niệm "Giấc mơ Trung Hoa" lần đầu tiên vào tháng 11/2012 khi được đề cử làm tổng bí thư. Thuật ngữ này được nhắc lại trong bài diễn văn với tư cách nguyên thủ quốc gia, giải thích rõ: "Để thực hiện giấc mơ Trung Hoa, chúng ta phải cổ suy tinh thần Trung Hoa, vốn lấy sự kết hợp tinh thần dân tộc với lòng yêu nước, tinh thần của thời đại với cải cách và sự sáng tạo làm gốc".

Đó là một thông điệp đã gây được tiếng vang sâu sắc với công chúng. Theo khảo sát của Công ty Millward Brown, khoảng 70% người TQ nói nhận ra giấc mơ là quan trọng với họ. Sự nhấn mạnh về vinh quang quốc gia, chứ không phải là thành tích hoàn toàn cá nhân, là cốt lõi trong chủ thuyết mà Tập Cận Bình muốn dẫn dắt người dân nước này theo đuổi.

Theo một nhà phân tích tại China Market Research Group: "Giấc mơ Trung Hoa khiến người dân đại lục tự hào hơn về những thành tựu quốc gia, một TQ đang vươn lên trở thành cường quốc, tham gia vào những quyết định quan trọng của thế giới".

Tuy nhiên, giấc mơ TQ định nghĩa quá mơ hồ và vì thế có thể đại diện cho bất cứ cái gì. Nhiều nhà quan sát phương Tây xem đây là chiến dịch tuyên truyền của giới lãnh đạo mới nhằm chiếm được cảm tình của công chúng và bình ổn xã hội đang có nhiều rối ren. Rõ ràng điều này diễn ra trong lúc khó khăn ngày càng chồng chất đối với tầng lớp lãnh đạo: kinh tế sụt giảm, tham nhũng tràn lan, mâu thuẫn trong xã hội dâng cao...

Cuốn sách "Trung Quốc mộng: Tư duy đại cường trong thời đại hậu Mỹ” chỉ rõ giấc mơ mà Tập Cận Bình xây dựng là một quốc gia mạnh mẽ hơn với quân đội hùng mạnh, nếu lạm dụng sẽ trở thành sự cổ suý cho chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy. Mục tiêu mà ông Tập muốn gieo vào đầu người dân TQ là "sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa" vào thời điểm 100 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (2049).

Theo đuổi giấc mơ này, TQ đang thiết lập lại chính sách "ngoại giao nước lớn" mà ngoại trưởng nước này không giấu giếm tuyên bố vào tháng 3/2014, trong đó TQ sẵn sàng "phá vỡ mô hình lịch sử của xung đột và đối đầu giữa các nước lớn" để khẳng định vị trí cường quốc của mình.

Đây là chính sách từng được Giang Trạch Dân đưa ra mặc dù thời điểm đó vẫn thừa nhận TQ phải chịu các hạn chế do Mỹ áp đặt. Tập Cận Bình với tham vọng muốn đẩy nhanh vị thế của TQ, đặt mối quan hệ với Mỹ và các cường quốc khác ở trạng thái bình đẳng hơn. Thực tế cho thấy Tập đang đưa TQ đi theo con đường này với hàng loạt động thái phô diễn sức mạnh quân sự, sẵn sàng khiêu khích chủ quyền của các nước láng giềng tại biển Đông, nhằm ngăn chặn sự "xoay trục châu Á" của Mỹ.

Cũng trên vị thế "đại cường", TQ đã hành xử để gửi thông điệp Nhật Bản phải đứng thấp hơn trong quan hệ song phương và trong địa - chính trị khu vực. Việc lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông là một trong những biện pháp nhằm tạo sức ép liên tục và gây cảm giác cô lập Nhật. TQ gia tăng gây rối các quốc gia khác như Philippines và Việt Nam cũng nhằm mục đích này, bất chấp sự chỉ trích của dư luận quốc tế cũng như hậu quả mà TQ phải gánh chịu về mặt ngoại giao quốc tế.

Giới lãnh đạo Bắc Kinh có vẻ quyết tâm duy trì ấn tượng khủng hoảng để biện minh cho quyền lực to lớn của cá nhân, cũng như sự táo bạo và quy mô chính sách ngoại giao nước lớn mà TQ đang hướng tới. Trước xu hướng này, Chương trình Nghiên cứu châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) cảnh báo cần xem xét hậu quả khi đối phó với một nhà lãnh đạo mà dường như nghĩ rằng rất cần duy trì "mức độ căng thẳng nhất định", cả trong và ngoài nước, để đạt được các mục tiêu chính sách của mình.

Với suy nghĩ này, giấc mơ Trung Hoa có thể sớm trở thành ác mộng ngay cả đối với người dân TQ. 

>Trung Quốc:Gia tăng “quyền lực mềm” qua truyền thông
>Trung Quốc đang làm gì ở châu Phi?
>
Xác định Trung Quốc là cơ hội hay thách thức
>Trung Quốc : Rải tiền “mua châu Á”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giấc mộng Trung Hoa hay ác mộng đại cường?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO