Giá dầu tăng cao, kinh tế thế giới sẽ gặp khó

LÊ NGUYỄN tổng hợp| 02/04/2012 08:09

Trong lúc cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng euro tạm lắng thì sự kiện giá dầu thô bắt đầu tăng vọt được xem là mối đe dọa mới nhất đối với nền kinh tế thế giới, đến nỗi có nhà phân tích đã gọi “dầu lửa là một Hy Lạp mới”.

Giá dầu tăng cao, kinh tế thế giới sẽ gặp khó

Trong lúc cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng euro tạm lắng thì sự kiện giá dầu thô bắt đầu tăng vọt được xem là mối đe dọa mới nhất đối với nền kinh tế thế giới, đến nỗi có nhà phân tích đã gọi “dầu lửa là một Hy Lạp mới”.

Thị trường dầu lửa nhiều biến động, mối quan hệ giữa Iran và phương Tây căng thẳng, chỉ cần một thông tin nhỏ cũng đủ làm cho giá dầu thay đổi. Cuối tháng 2/2012, sau khi một thông cáo báo chí của Iran loan tin một đường ống dẫn dầu của Ả Rập Saudi bị nổ tung, giá dầu thô đột nhiên tăng thêm 5 USD, lên 128 USD/thùng.

Rồi sau khi Ả Rập Saudi phủ nhận tin trên, nó rơi trở lại 125 USD/thùng, song vẫn còn cao 16% so với giá dầu đầu năm 2012.

Nhận định về những nguyên nhân dẫn đếnsự tăng giá dầu thô, các nhà phân tích quy cho sự “hào phóng” của hệ thống ngân hàng khi bơm nhiều tiền mặt vào thị trường tiền tệ hoặc hứa hẹn duy trì lãi suất thấp trong một thời gian dài.

Các ngân hàng trung ương cũng phải chia sẻ phần trách nhiệm do đã đưa ra những dự báo đầy lạc quan về tỷ lệ tăng trưởng toàn cầu. Song nguyên nhân quan trọng hơn cả lại là sự giảm sút đột ngột của nguồn dầu thô cung cấp trên thị trường.

Một loạt những biến động, từ sự bất đồng về đường ống dẫn dầu giữa Sudan với quốc gia mới độc lập Nam Sudan đến những vấn đề liên quan tới kỹ thuật khai thác dầu khí ở Bắc Hải đã khiến cho số lượng dầu thô cung cấp trên thị trường giảm 700 ngàn thùng/ngày.

Bên cạnh đó là sự giảm sút tạm thời 500 ngàn thùng/ngày trong lượng dầu Iran cung cấp ra thị trường, do hậu quả biện pháp trừng phạt của châu Âu và những bất đồng trong vấn đề thanh toán giữa Iran và Trung Quốc.

Trong một viễn cảnh xa hơn, nếu như lời đe dọa của Iran biến thành sự thật, eo biển Hormuz bị phong tỏa, cản trở sự lưu thông của 17 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương 20% tổng lượng dầu cung cấp trên thị trường, thì tình hình giá cả dầu thô sẽ biến động nhiều hơn nữa.

Theo đánh giá của chuyên gia phân tích Jeffrey Currie thuộc Tập đoàn Goldman Sachs, với tình hình cung cầu như hiện nay, giá dầu sẽ xoay quanh mức 118 USD/thùng.

Trong phạm vi toàn cầu, thiệt hại do giá dầu tăng không lớn, nếu dầu tăng 10% thì tỷ lệ tăng trưởng chung sẽ giảm khoảng 0,2% trong năm đầu tiên, chủ yếu do một phần lợi tức chuyển từ người tiêu thụ sang nhà sản xuất là thành phần có khuynh hướng ít tiêu xài hơn.

Tuy nhiên, tác động của sự tăng giá dầu lên từng quốc gia, từng khu vực thay đổi nhiều hơn. Trong thời gian qua, người Mỹ sử dụng nhiều loại xe ít tốn xăng, lượng dầu thô nhập khẩu thấp hơn mức đỉnh năm 2005 rất nhiều, điều đó có nghĩa là phần lớn số tiền chi cho giá dầu tăng còn nằm trong biên giới nước Mỹ.

Tháng 1 năm nay, chi phí về năng lượng của người dân Mỹ thấp hàng thứ nhì trong vòng 50 năm qua nên họ ít bị ảnh hưởng bởi giá dầu.

Trong khi đó, các nước châu Âu với mức thuế dầu thô nặng nề hơn so với Mỹ, sẽ chịu tác động của giá dầu mạnh mẽ hơn, vì kinh tế của phần lớn các nước trong khu vực này đang bị đình trệ hay đi xuống, mặt khác, nhiều nước lệ thuộc phần lớn vào nguồn dầu nhập khẩu, chẳng hạn như ở Hy Lạp, 88% dầu thô sử dụng trong nước xuất phát từ nguồn nhập khẩu.

Nước Anh tương đối ít khó khăn hơn, những thiệt hại do giá dầu thô nhập khẩu tăng được bù đắp một phần bởi nguồn dầu khí khai thác được ở Bắc Hải.

Bức tranh toàn cảnh ở các nền kinh tế đang lên khá đa dạng: các nước xuất khẩu dầu từ Venezuela đến Trung Đông đều có lợi, còn các nước nhập khẩu dầu thì cán cân thương mại sẽ bất lợi nhiều hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giá dầu tăng cao, kinh tế thế giới sẽ gặp khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO