Đồng tiền chết chóc

THỤY KHA| 05/07/2012 07:25

Các nền kinh tế mới nổi đang phải đối đầu với mặt trái của những đồng tiền tăng trưởng: nạn sử dụng ma túy bùng phát.

Đồng tiền chết chóc

Các nền kinh tế mới nổi đang phải đối đầu với mặt trái của những đồng tiền tăng trưởng: nạn sử dụng ma túy bùng phát.

Đọc E-paper

Tội phạm ma túy ở Indonesia

Cách đây không lâu, các khu vực nghèo như Nam Mỹ chủ yếu sản xuất ma túy để bán lại cho các nước giàu có như Mỹ. Nhưng tình hình đã thay đổi: trong khi số người sử dụng ma túy tại Mỹ giảm thì những nước sản xuất như Brazil lại tăng lên. “Cũng như nhiều hiện tượng xã hội khác, toàn cầu hóa đã đồng nhất một số vấn đề, trong đó có cả nạn nghiện ngập ma túy”, báo cáo của Liên Hiệp Quốc cảnh báo.

Gia tăng tiêu thụ ma túy trong các nước đang phát triển là một thách thức bất ngờ đi kèm theo tăng trưởng kinh tế của những nước nghèo. Theo dữ liệu của Liên Hiệp Quốc, trong một thập kỷ qua, sử dụng cocaine giảm 40% ở Mỹ, trong khi tăng mạnh ở Nam Mỹ và châu Phi.

Hiện số người sử dụng ma túy ở các nước nghèo cao gấp hai lần so với tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Nguyên nhân là do lao động và giới trẻ tại các nước đang phát triển đã nhanh chóng nhiễm thói xấu của quá trình đô thị hóa. Còn những kẻ buôn bán ma túy đã tận dụng kẽ hở luật pháp lỏng lẻo tại các nước này để buôn bán cái chết trắng.

Ví dụ, sản xuất cocaine đã giảm ở Colombia trong bối cảnh các nhà chức trách, với sự hậu thuẫn của Mỹ, tấn công quyết liệt các băng nhóm ma túy. Tuy nhiên, các băng nhóm sản xuất ma túy đã nhanh chóng di dời sản xuất sang các nước láng giềng như Bolivia và Peru.

Liên Hiệp Quốc cảnh báo tình trạng bạo lực liên quan đến ma túy và các tổ chức buôn lậu ma túy ở các nước Trung Mỹ đã đến mức báo động cao và đang ngày càng nghiêm trọng hơn do nạn tham nhũng, nghèo khổ và bất bình đẳng xã hội.

Hơn 70 ngàn thanh niên là thành viên của các tổ chức buôn bán ma túy ở Trung Mỹ đã sử dụng khu vực này để sản xuất và vận chuyển ma túy tới Mỹ và châu Âu. Số vụ bạo lực liên quan đến ma túy đã làm chết trên 100.000 người tại các nước Honduras, El Salvador và Guatemala.

Xu hướng này giải thích lý do tại sao một số lãnh đạo châu Mỹ La tinh đã đề ra một số chính sách “khác thường” trong cuộc chiến chống lại ma túy. Trong tháng 3, Tổng thống Guatemala Otto Perez Molina đề xuất giải pháp hợp pháp hóa sản xuất và tiêu thụ ma túy để đẩy lùi tội phạm có tổ chức.

Tại Uruguay, Tổng thống José Mujica đang xem xét một chính sách bán cần sa cho những người dùng đã đăng ký. Tất nhiên không phải tất cả các nhà lãnh đạo chia sẻ quan điểm như vậy. Tại Mexico, người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, Enrique Pena Nieto, đã tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công các băng nhóm ma túy vốn đã làm hơn 50.000 người thiệt mạng trong 6 năm.

Mới đây, tại hội nghị cấp cao ở thành phố Cartagena, Colombia, các nước Trung Mỹ cho rằng cuộc chiến chống ma túy theo phương cách hiện hành đã thất bại và cần phải có các chiến lược và chính sách mới để ngăn chặn bạo lực liên quan đến ma túy đang ngày càng tăng ở khu vực này.

Lãnh đạo các quốc gia này nhận xét, sử dụng chính sách quân sự chống ma túy thời gian qua đã không đạt hiệu quả. Mỗi nước cần tìm ra các giải pháp riêng phù hợp với đặc thù của nước mình cho cuộc chiến lâu dài này, trong đó tính cả đến biện pháp phi hình sự hóa việc sử dụng ma túy cũng như tăng cường chính sách y tế và giáo dục trên cơ sở tôn trọng lối sống, dân chủ và pháp quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đồng tiền chết chóc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO