Đô mi nô đổ tới… Nhật?

MINH VŨ| 03/03/2012 05:32

Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu vừa tạm lắng thì Phố Wall lại khiến dư luận hoang mang khi dự báo Nhật có thể là trung tâm của một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới.

Đô mi nô đổ tới… Nhật?

Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu vừa tạm lắng thì Phố Wall lại khiến dư luận hoang mang khi dự báo Nhật có thể là trung tâm của một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới.

Thời gian qua, các công ty tài chính ở Phố Wall ra sức “tích cốc phòng cơ”, họ mua vào các sản phẩm hoán đổi vỡ nợ tín dụng (CDS) phòng khi Nhật thực sự sụp đổ.

Theo các chuyên gia giao dịch tín dụng ở New York và London, các sản phẩm hoán đổi đối với những khoản nợ của Nhật đang được giao dịch quanh mức 135 điểm cơ sở, cao hơn 100 điểm cơ sở so với lợi tức từ các khoản nợ này.

Dù quả bom nợ của Nhật sẽ không nổ tung trong một sớm một chiều, nhưng các sản phẩm CDS của Nhật hiện có giá cao hơn 50% so với một năm về trước. Sự can thiệp của Phố Wall vào thị trường nợ của Nhật bắt đầu gia tăng trong vài năm trở lại đây, và điều này có thể tạo thêm áp lực cho chính phủ Nhật.

Các công ty tài chính ở Phố Wall có thể kéo lợi tức trái phiếu của Nhật vượt quá khả năng thanh toán của chính phủ nước này, từ đó biến viễn cảnh về một vụ vỡ nợ tín dụng lớn nhất trong lịch sử trở nên chân thực hơn bao giờ hết.

Số nợ của Nhật đã lên đến 235% GDP của nước này, tức tương đương 13,7 nghìn tỷ USD, và không ngừng tăng thêm. Trong khi đó, số nợ của Mỹ hiện tương đương 98% GDP, còn với Hy Lạp và Bồ Đào Nha, hai quốc gia nợ nần nhiều nhất ở châu Âu, tỷ lệ nợ tương ứng chỉ là 159% và 110%.

Tuy nhiên, khác với những quốc gia kể trên, dù tỷ lệ nợ cao nhưng nước Nhật vẫn có khả năng xoay chuyển cục diện nhờ lĩnh vực xuất khẩu mạnh và dân số đông, trung thành với thị trường trong nước.

Không giống như những nền kinh tế phát triển khác, có đến 95% khoản nợ ở dạng trái phiếu của chính phủ Nhật được giữ trong dân chúng, chứ không phải trong tay các nhà đầu tư trái phiếu tham lam của Phố Wall.

Mặc dù vậy, những tin tức kinh tế tiêu cực xuất hiện kể từ đầu tháng 2 khiến người ta bắt đầu lo lắng về khả năng xoay chuyển cục diện của Nhật. Kết thúc quý IV/2011, GDP của Nhật tăng trưởng âm 2,3%, một sự tụt giảm cao hơn nhiều so với dự tính của chính phủ.

Lĩnh vực xuất khẩu cũng chịu sự thâm hụt thương mại đầu tiên kể từ năm 1980. Bộ trưởng Tài chính Nhật lý giải nguyên nhân thâm hụt là do chi phí năng lượng cao trong khi hoạt động xuất khẩu lại bị gián đoạn do thảm họa thiên nhiên hồi năm ngoái.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, nguyên nhân chính dẫn đến thâm hụt thương mại của Nhật là do đồng nội tệ của nước này.

Đồng yên hiện nay có giá quá cao so với đồng USD và euro, khiến hàng hóa xuất khẩu của Nhật trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết trên thị trường quốc tế. Một số công ty xuất khẩu hàng đầu của Nhật như Panasonic, Sony đã công bố những khoản lỗ kỷ lục trong năm tài chính 2011.

Khoản lỗ tại các công ty hàng đầu nước Nhật đồng nghĩa với sự sụt giảm về thu nhập của chính phủ và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Chính phủ Nhật buộc phải vay tiền từ dân để tiếp tục hoạt động.

Đồng yên tăng giá còn khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên rẻ hơn, làm lung lay những người tiêu dùng Nhật vốn luôn trung thành với sản phẩm nội địa. Trái với dự báo giảm 1,4%, kim ngạch nhập khẩu của Nhật trong tháng 12 năm ngoái tăng đến 4,1%.

Xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng nếu giá trị đồng yên tiếp tục ở mức cao trong khi người dân Nhật dần quen với các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ.

Chính phủ Nhật đã cố gắng làm suy yếu đồng yên suốt một thập niên qua nhưng không mấy hiệu quả. Nhiều vòng nới lỏng định lượng (QE) đã được thực thi, ngân hàng trung ương (BOJ) mua lại trái phiếu của mình do các ngân hàng khác nắm giữ bằng tiền mặt mới in, làm lạm phát nguồn cung tiền giấy.

Năm ngoái, BOJ thực hiện ba vòng QE nhưng giá trị đồng yên vẫn cao. Ngày 14/2, BOJ tiếp tục mở rộng chương trình QE, bơm thêm 130 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng. Đồng yên suy yếu nhẹ nhưng lượng tiền vừa bơm thêm sẽ không đủ để kéo dài hiệu quả này.

Nhiều nhà phân tích dự đoán các công ty tài chính ở Phố Wall sẽ vào cuộc để góp phần giải cứu nước Nhật như những gì họ đã làm với châu Âu.

Quả là không dễ để Nhật có thể giải quyết bài toán nợ nần này. Nước này có thể nâng nguồn cung tiền lên gấp hai hay ba lần để phá giá đồng nội tệ, nhưng làm thế cũng là phá giá nguồn tiền tiết kiệm của mình.

Hoặc, chính phủ có thể áp dụng các biện pháp thắt chặt chi tiêu, tăng thuế để tăng thu nhập, nhưng làm thế lại ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

Biện pháp mạnh mẽ nhất tính đến thời điểm hiện tại của chính phủ nước này là tăng thuế doanh thương lên gấp đôi, từ 4% lên 8%, vào năm 2014, và tiếp tục tăng lên thành 10% vào năm 2015. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa thấm tháp gì với khoản nợ khổng lồ mà nước này đang gánh chịu.

Tỷ lệ người già trong dân số Nhật hiện rất cao. Chỉ vài năm nữa, khi lực lượng này về hưu, họ sẽ giảm chi tiêu và thanh lý lượng trái phiếu nắm giữ, nước Nhật sẽ lại lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan: không thể không trả tiền lại cho người dân, nhưng nếu trả thì chính phủ sẽ không còn đủ tiền để hoạt động.

Với một khoản nợ khổng lồ luôn chứa đựng những rủi ro tiềm ẩn, thảm họa nước Nhật vỡ nợ có thể sẽ đến sớm hơn tưởng tượng của nhiều người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đô mi nô đổ tới… Nhật?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO