Đề xuất tăng thuế với giới siêu giàu

LAM HỒNG| 16/04/2014 07:52

Bắt những tỷ phú siêu giàu như Bill Gates phải đóng thuế luỹ tiến trên số tài sản do ông sở hữu trên toàn cầu có giảm được khoảng cách bất bình đẳng đang lan rộng?

Đề xuất tăng thuế với giới siêu giàu

Bắt những tỷ phú siêu giàu như Bill Gates phải đóng thuế luỹ tiến trên số tài sản do ông sở hữu trên toàn cầu có giảm được khoảng cách bất bình đẳng đang lan rộng?
>Khoảng cách giàu - nghèo: Càng ngày càng giãn

Mâu thuẫn trong chính sách thuế

Bất bình đẳng diễn ra sâu sắc tại Mỹ vì trong gần 6 thập niên qua, chính phủ nước này đã có chính sách thuế "ưu ái" tuyệt đối cho giới siêu giàu. Chẳng hạn, lợi tức thu được từ cổ phiếu cũng như các khoản đầu tư dài hạn chỉ phải chịu mức thuế 15%, thấp hơn nhiều so với mức thuế trung bình 35% đánh vào người có thu nhập cao.

Với chính sách thuế này, khoản thuế mà tỷ phú Warren Buffett phải nộp là thấp hơn so với khoản thuế của thư ký của ông!

Ngân hàng đầu tư Credit Suisse phân loại những người "siêu giàu" trên thế giới là những người sở hữu tài sản trị giá từ 50 triệu USD trở lên. Theo thống kê này, giới siêu giàu sinh sống ở Mỹ là 35.000 người có tài sản lớn hơn 50 triệu USD, trong đó 24.000 người có tài sản từ 50 - 100 triệu USD. Trong khi đó, tại Trung Quốc và Thụy Sĩ, số người siêu giàu lần lượt chỉ khoảng 6.000 và 4.000 người.

Thu nhập của 0,1% giới siêu giàu Mỹ chiếm đến 7,5% GDP nước này, trong khi 50% người nghèo nhất chỉ nắm giữ 1%. Mặc dù chiếm phần rất lớn trong tổng thu nhập quốc gia nhưng giới siêu giàu ở Mỹ lại đóng thuế thu nhập thấp nhất, 34% so với Nhật là 49%, Trung Quốc và Đức là 44%.

Tỷ phú Bill Gates đã bán phần lớn cổ phần của mình trong Microsoft. Ông và vợ đã dành ra hơn 28 tỷ USD cho các hoạt động xã hội trên toàn cầu, đặc biệt là để chống AIDS, bại liệt, lao và đói. Mặc dù vậy, số tài sản của tỷ phú Bill Gates vẫn tiếp tục tăng cao. Theo Bloomberg Billionaires Index, tính đến ngày 8/4/2014, số tài sản của Bill Gates là 79 tỷ USD, tăng hơn 16 tỷ USD trong hai năm qua.

Bill Gates thuộc tầng lớp siêu giàu tại Mỹ nên có quan điểm cho rằng cần phải thu thuế trên số tài sản thặng dư khổng lồ của gia đình ông. Nhưng nếu không có những người siêu giàu như ông thì sẽ không có Microsoft cũng như các quỹ xã hội đang đẩy lui nhiều dịch bệnh và nạn đói ở châu Phi.

Trường hợp của tỷ phú Bill Gates là ví dụ điển hình nhất về mâu thuẫn trong việc giải quyết bất bình đẳng cũng như phân chia tài sản để tạo nên động lực tích cực phát triển của xã hội.

Tăng cường truy thu người giàu

Từ thập niên 1970, các nhà kinh tế đã tranh luận về việc liệu mức thuế cao có làm chững lại đà tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, thuế đánh vào các khoản đầu tư và thặng dư sẽ không khuyến khích tiết kiệm cũng như thiếu các khoản đầu tư vốn cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng. Người nghèo thì không có động lực làm việc, còn người giàu thì thờ ơ với việc kiếm nhiều tiền hơn nữa.

Thực tế, theo Trung tâm Chính sách Thuế Mỹ, thu nhập những người thuộc nhóm 1% siêu giàu chỉ có 1% đến từ phúc lợi xã hội; 24% thu nhập của họ là từ kinh doanh và 29% đến từ đầu tư.

Cũng theo nghiên cứu trên, thu nhập cao không có nghĩa là những người thuộc nhóm 1% không cần làm việc nhiều. Ông Robert Williams thuộc Trung tâm Chính sách Thuế cho biết, một số chủ doanh nghiệp thậm chí còn làm việc cả tuần và chăm chỉ hơn nhân viên.

Mặc dù vậy, thuế đánh vào thặng dư vốn, hay nói cách khác, những tỷ phú như Bill Gates phải đóng thuế nhiều hơn nữa, sẽ giảm bớt áp lực lên người lao động và phần lớn dân số được hưởng lợi, giảm một cách sâu sắc tình trạng bất bình đẳng đang lan rộng trên toàn thế giới.

Năm 2015 là thời hạn hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, trong đó có mục tiêu giảm một nửa số người đói nghèo cùng cực và giảm tỷ lệ tử vong trẻ em.

Một số nhà hoạt động đang gây sức ép cho một chương trình nghị sự sau năm 2015 là phải thay đổi trọng tâm từ xóa đói giảm nghèo sang giảm bất bình đẳng.

Để giải quyết những mâu thuẫn như trường hợp của tỷ phú Bill Gates cần phải có công cụ thuế hợp lý hơn.

Hai nhà nghiên cứu Thomas Piketty (Trường Kinh tế Paris) và Emmanuel Saez (Đại học California) đã đề xuất chính sách đánh thuế mới: nếu như nước Mỹ muốn tất cả người dân giàu có hơn, mức thuế suất tối ưu đánh vào thặng dư vốn (bao gồm tài sản thừa kế, lợi nhuận doanh nghiệp và thu nhập từ đầu tư) nên ở mức 60%.

Theo tính toán của Văn phòng Quản lý và Ngân sách Hoa Kỳ, nâng mức thuế đánh vào lợi nhuận từ đầu tư tài chính lên ngang bằng với mức thuế đánh vào thu nhập (35%) có thể đem lại khoảng 1.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Nước Mỹ cũng có thể kiếm thêm 700 tỷ USD nếu như yêu cầu người thừa kế phải trả thuế cho phần giá trị tăng thêm của tài sản so với trước khi họ thừa kế cổ phiếu, bất động sản hay các loại tài sản khác.

Thậm chí, Piketty còn đề xuất một loại "thuế tư bản toàn cầu" bao gồm tài sản thực tế như đất đai, tài nguyên thiên nhiên, nhà ở, cao ốc văn phòng, nhà xưởng, máy móc, phần mềm... trên khắp thế giới.

Mức thuế sẽ bắt đầu thấp nhưng tăng đến mức cao nhất là 5% đến 10% hằng năm đối với những tài sản trị giá hàng tỷ USD. Hiểu một cách đơn giản thì thuế này sẽ lũy tiến trên giá trị tài sản và được áp dụng ở tất cả những nơi mà giới siêu giàu sở hữu tài sản.

"Tôi hiểu rằng nhiều người không muốn điều này xảy ra, giống như nhiều người không muốn thuế thu nhập lũy tiến đã áp dụng những năm 1900-1910 tại Mỹ. Nhưng nó cần phải được áp dụng để giảm khoảng cách bất bình đẳng lan rộng. Tiền có xu hướng sao chép chính nó và như thế, quá khứ sẽ nuốt chửng tương lai", Piketty bình luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đề xuất tăng thuế với giới siêu giàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO