Đảo chính hủy hoại kinh tế Thái Lan

HẢI ĐỖ| 17/10/2014 07:05

Khủng hoảng chính trị đã khiến kinh tế Thái Lan phải trả một cái giá rất đắt bằng tiền mặt.

Đảo chính hủy hoại kinh tế Thái Lan

Khủng hoảng chính trị đã khiến kinh tế Thái Lan phải trả một cái giá rất đắt bằng tiền mặt.

Đọc E-paper

Theo The Economist, các cuộc đảo chính đang gây hại cho kinh tế Thái Lan. Dữ liệu cho thấy trong năm nay kinh tế nước này sẽ hầu như không có tăng trưởng ở tất cả các lĩnh vực: chi tiêu yếu, đầu tư giảm, thương mại và du lịch bị thu hẹp, hạn hán đang diễn ra ở các tỉnh và tại Bangkok càng làm cho tình hình tồi tệ hơn.

Những người lạc quan thì cho rằng hòa bình và trật tự đã được vãn hồi và tình hình đang ngày càng tốt lên trên đất nước của những nụ cười.

Theo Ngân hàng Thương mại Siam, kinh tế Thái Lan sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 4,5% trong năm 2015. Người dân sẽ tăng chi tiêu và giúp kinh tế phục hồi theo hình chữ "V".

Nhưng những người bi quan nhìn thấy hành động can thiệp của quân đội đang khiến cho mọi con số đảo lộn. Paul Collier, giáo sư kinh tế tại Đại học Oxford lưu ý rằng "các cuộc đảo chính không phải là một cách rẻ tiền để thay thế một chính phủ”.

Theo ông tính toán, tác động tích lũy của một cuộc đảo chính là giảm thu nhập 7%. Các chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Thế giới dự báo, Thái Lan sẽ tăng trưởng chậm nhất trong khu vực Đông Nam Á cho đến năm 2016.

Hãy xem xét các yếu tố để giải thích lý do tại sao kinh tế Thái Lan không có khả năng phục hồi nhanh. Niềm tin tiêu dùng đã phục hồi phần nào nhưng chi tiêu hộ gia đình vẫn còn yếu. Chỉ số tiêu dùng cá nhân của Thái Lan đã giảm trong tháng Tám.

Nợ hộ gia đình cao trong bối cảnh thu nhập sau thuế của cá nhân thấp. Nhu cầu mua căn hộ, nhà, xe hơi và hàng tiêu dùng đang bị nhiều người tiêu dùng trì hoãn. Trong khi đó, xuất khẩu của Thái Lan sụt giảm dù đã được hỗ trợ bởi một đồng baht yếu.

Vì vậy, lựa chọn thứ ba để thúc đẩy tăng trưởng là tăng chi tiêu chính phủ. Nhưng kinh nghiệm cho thấy tác động của gia tăng chi tiêu chính phủ sẽ chậm hơn so với mong muốn.

Ngoài ra, trong bối cảnh các đảng phái còn nhiều mâu thuẫn, nội các Chính phủ Thái Lan hiện nay sẽ rất thận trọng khi nói đến việc điều chỉnh chi tiêu chính phủ.

Giống như các chính phủ trước đây, các tướng lĩnh chuyển sang nắm quyền dân sự phải đối mặt với hai vấn đề kinh tế lâu dài: trợ giá cho nông dân và quản lý tỷ giá hối đoái. Họ không có khả năng tìm ra giải pháp khác so với những chính phủ bị lật đổ trước đó.

Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính Thái Lan đã có xu hướng rất bảo thủ và quyết tâm bám vào giá trị của đồng baht. Một số chuyên gia kinh tế dự báo đồng baht sẽ tiếp tục yếu đi trong thời gian tới với yếu tố chi phối mạnh nhất là chính trị.

Lần cuối cùng vào năm 1984, kinh tế Thái với đồng baht mất giá mạnh đã có bùng nổ về tăng trưởng thu nhập và xuất khẩu. Vào thời điểm đó, một bộ trưởng tài chính quyền lực đã ghìm giá đồng baht, bất chấp sự phản đối từ Ngân hàng Trung ương.

Khi tăng trưởng xuất khẩu giảm xuống gần như bằng không, vào năm 1996, Ngân hàng Trung ương từ chối giảm giá đồng baht thêm nữa. Cuối cùng đồng tiền Thái sụp đổ kéo theo sự sụp đổ của nền kinh tế nước này. Phải mất nhiều năm để đưa nền kinh tế trở lại mức trước khủng hoảng.

Việc giảm giá đáng kể của đồng baht chắc chắn sẽ gây ra một sự bứt phá trong xuất khẩu và du lịch, nâng cao tỷ lệ lạm phát một chút. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương cho rằng đây sẽ là phương pháp sai.

Thay vì cố gắng cho sự tăng trưởng 5%, họ đang theo đuổi chính sách chỉ hướng đến mục tiêu tăng trưởng từ 2% đến 3%.

Cuối cùng, phải làm gì với giá gạo? Đây là vấn đề thường xuyên đặt ra trong chính trường Thái Lan và cũng là khởi phát của các tranh chấp giữa hai phe "thành thị” và "nông thôn".

Lựa chọn được đặt ra là liệu người dân thành phố sẽ mua thực phẩm với giá rẻ hơn hoặc những người nông dân sẽ có thu nhập cao hơn khi gạo được giá. Chính phủ bị lật đổ của Yingluck Shinawatra "lấy lòng" các cử tri nông dân phía Bắc bằng cách nâng giá gạo thông qua sự can thiệp của chính phủ.

Nhưng chính phủ của nữ Thủ tướng này đã bị lật đổ khi trong tay còn một kho dự trữ lớn gạo và bị Ủy ban Chống tham nhũng Thái Lan kết tội làm thất thoát ngân sách quốc gia. Chính quyền mới của ông Prayuth Chan-ocha cũng sẽ có rất ít lựa chọn ngoài việc hỗ trợ nông dân để đổi lấy sự hỗ trợ chính trị.

So với tốc độ tăng trưởng kinh tế, thiệt hại kinh tế của Thái Lan do bất ổn chính trị sẽ vào khoảng 20 - 30 tỷ USD trong các năm 2014-2016. Hy vọng chính phủ mới hoạt động đủ tốt để nhanh chóng bù đắp sự mất mát này.

>Thái Lan: Hỗn loạn trong biểu tình
>DN Thái Lan âm thầm tăng thị phần trên toàn cầu
>
Thái Lan: Ngân hàng của làng
>Tỷ phú Thái Lan "thâu tóm" FamilyMart Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đảo chính hủy hoại kinh tế Thái Lan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO