Đã có thể lạc quan về tình hình châu Âu?

12/01/2012 06:15

Vài ngày nay, các phương tiện thông tin đại chúng thế giới hoan hỉ loan báo những cam kết và nhận định lạc quan về tình hình khủng hoảng nợ châu Âu. Mặc dù mới chỉ là dự báo hay dự định, song thị trường đã phản ứng tích cực thấy rõ.

Đã có thể lạc quan về tình hình châu Âu?

Vài ngày nay, các phương tiện thông tin đại chúng thế giới hoan hỉ loan báo những cam kết và nhận định lạc quan về tình hình khủng hoảng nợ châu Âu. Mặc dù mới chỉ là dự báo hay dự định, song thị trường đã phản ứng tích cực thấy rõ.

Nhiều nhà đầu tư vẫn hoài nghi về khả năng giải quyết bài toán nợ công của châu Âu, cho dù đã có nhiều dấu hiệu tích cực.

Hôm 9/1, hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức đã cam kết đẩy mạnh nỗ lực tháo gỡ cuộc khủng hoảng nợ công. Tổng thống Pháp kêu gọi tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu ký vào thỏa thuận về các quy định siết chặt ngân sách chậm nhất là vào ngày 1/3 tới.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức cho biết các cuộc thương lượng về nội dung văn kiện này đang tiến triển. Bà khẳng định, cả Berlin và Paris đều sẵn sàng tăng đóng góp cho một quỹ bình ổn lâu dài cho các khoản cứu trợ sau này khi thỏa thuận trên có hiệu lực.

Nhấn mạnh mục tiêu của hai nước là không muốn bất kỳ nước nào phải rời bỏ Eurozone, Thủ tướng Đức kêu gọi Hy Lạp thực hiện ngay lập tức các chương trình cải cách nếu muốn có thêm các khoản cứu trợ mới.

Bà khẳng định với một nền tài chính vững mạnh và là các đầu tàu tăng trưởng kinh tế, Đức và Pháp không chỉ quyết tâm duy trì và ổn định đồng Euro mà còn muốn hướng tới một châu Âu lớn mạnh, hiện đại và cạnh tranh.

Bà cũng tuyên bố ủng hộ việc áp đặt thuế giao dịch tài chính trong Liên minh châu Âu hoặc chỉ riêng Khối đồng Euro, đồng thời khẳng định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là ưu tiên hàng đầu trong quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn tờ Business Day số ra cùng ngày, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho rằng, châu Âu có thể tránh được cuộc khủng hoảng trong năm nay và có lý do để lạc quan hơn về triển vọng của khu vực.

Theo bà, tình hình Khu vực đồng tiền chung châu Âu trong 18 tháng qua đã thay đổi nhiều. Mặc dù nhiều nhà phân tích cho rằng, khu vực này khó tránh cảnh khủng hoảng, song với bà Lagarde, tình trạng đó sẽ không diễn ra với cả khối.

Nữ Tổng giám đốc IMF cho rằng, các nền kinh tế khác nhau hiện đang tăng trưởng với tốc độ khác nhau. Điều đó sẽ tác động lên toàn Khu vực đồng Euro và giúp khu vực này tránh được khủng hoảng về tổng thể.

Diễn biến mới nhất cũng được xem là một tín hiệu lạc quan đối với châu Âu là hôm qua (10/1), tổ chức định mức tín nhiệm Fitch Ratings nhận định rằng, châu Âu đang đi đúng hướng trong giải quyết bài toán nợ nần.

David Riley, Trưởng bộ phận xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Fitch Ratings cho rằng, “châu Âu đang giải quyết tình trạng mất cân bằng, vốn là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng, và các trở ngại sẽ vơi bớt vào cuối năm”.

Cơ quan này cũng khẳng định sẽ không hạ bậc tín dụng của Pháp trong năm 2012, nhưng với Italy và Tây Ban Nha thì có khả năng. Dự kiến, cuối tháng 1, Fitch sẽ công bố bậc tín nhiệm của tất cả các quốc gia châu Âu đang trong diện xem xét hạ bậc.

Phản ứng trước những thông tin này, các thị trường chứng khoán, vàng bạc, dầu thô… đã tăng mạnh trở lại trong phiên giao dịch đêm 10/1. Cụ thể, chứng khoán Phố Wall chạm mức cao nhất 5 tháng, vàng lên cao nhất trong 4 tuần, trong khi đồng USD suy yếu.

Việc các thị trường hàng hóa rủi ro đồng loạt tăng giá trở lại trước những tin tức tốt lành từ châu Âu là một tín hiệu lạc quan, song cũng có không ít nhà đầu tư vẫn cảm thấy còn quá sớm để tin tưởng rằng những nhận định hay cam kết trên có thể thành hiện thực.

Lý do các nhà đầu tư “phòng xa” là châu Âu vẫn đang chia rẽ. Ngay trong tuyên bố hôm qua, các quan chức Fitch Ratings cũng cho rằng, việc lãnh đạo châu Âu chưa thể thỏa thuận về biện pháp mạnh ngăn chặn khủng hoảng có thể khiến cả khu vực rơi vào rủi ro.

Hôm 8/1, Thủ tướng Anh nói sẽ phản đối việc áp thuế giao dịch tài chính trên toàn Liên minh châu Âu. Sở dĩ nước Anh phản đối đề xuất này là vì lo ngại nó sẽ gây hại cho sự thịnh vượng và ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người lao động tại "lục địa già".

Theo ông, nếu thuế giao dịch tài chính được áp dụng khắp các nước thành viên Liên minh châu Âu, các ngân hàng cũng như thể chế tài chính đang hoạt động tại London sẽ bị di dời sang các nước khác như Thụy Sĩ hay Trung Quốc để tránh thuế này.

Trong một diễn biến khác, vài ngày trước, Ủy ban châu Âu (EC) đã công số số liệu cho thấy, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng và các nhà điều hành doanh nghiệp ở lục địa già đã giảm trong tháng 12/2011 xuống thấp nhất trong hai năm qua.

Trên thực tế, bước sang năm 2012, nhiều nền kinh tế ở châu Âu vẫn phải mang vác theo hành trang khó khăn từ năm cũ. Do đó, ngay từ đầu năm mới, đã có không ít đánh giá không được mấy sáng về tình hình kinh tế ở khu vực này.

Dự kiến trong quý 1/2012, Italy sẽ phải vay mượn thêm để thanh toán 72 tỷ Euro (94 tỷ USD) nợ và tiền lãi, trong khi Tây Ban Nha dự kiến phát hành 25 tỷ Euro (33 tỷ USD) trái phiếu. Nếu chi phí vay mượn vẫn ở mức cao, thì nguy cơ vỡ nợ công sẽ cận kề hơn.

Lo ngại về nguy cơ vỡ nợ công là nguyên nhân đẩy lãi suất trái phiếu tăng lên và thậm chí ngày càng cao hơn đối với những nước cần vay mượn để thanh toán trái phiếu đáo hạn. Vòng luẩn quẩn này đã từng buộc nhiều nước châu Âu phải cầu viện bên ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đã có thể lạc quan về tình hình châu Âu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO