Cúm A/H1N1: Ẩn họa của kinh tế thế giới

LAM HỒNG| 13/05/2009 05:56

Dịch cúm A/H1N1 bùng phát vào đúng thời điểm kinh tế thế giới đang suy thoái nên càng trầm trọng hơn và những thiệt hại mà nó gây ra cũng đáng lo ngại hơn.

Cúm A/H1N1: Ẩn họa của kinh tế thế giới

Dịch cúm A/H1N1 bùng phát vào đúng thời điểm kinh tế thế giới đang suy thoái nên càng trầm trọng hơn và những thiệt hại mà nó gây ra cũng đáng lo ngại hơn.

Mức báo động lên cấp 6! 

Theo thống kê Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến ngày 10/5, số bệnh nhân bị nhiễm virus cúm A/H1N1 trên toàn cầu đã tăng lên đến 7.379 người ở 29 quốc gia. Theo thống kê của AFP, dựa trên thông báo của các nước, đã có 53 trường hợp tử vong. Trước tình hình ấy, Tổng giám đốc WHO Margaret Chan báo động là dịch cúm A hiện nay có thể suy giảm cường độ lây lan trước khi bùng nổ trở lại với độc lực nguy hiểm hơn đợt đầu. Bà Margaret Chan nhận định, tuy tỷ lệ tử vong do cúm A/H1N1 có vẻ chưa cao, nhưng một đợt tấn công thứ hai có thể xảy ra và lần này sẽ rất nguy hiểm. Trong trường hợp đó, theo bà, nhân loại sẽ phải đương đầu với đại dịch kinh khủng nhất của thế kỷ XXI. Bà Chan cảnh báo thêm là vùng Nam bán cầu sắp sang Đông, mùa thuận lợi cho siêu vi cúm lây lan. Trên báo El Pais của Tây Ban Nha, bà Margaret Chan tuyên bố, rất có thể WHO sẽ nâng mức báo động lên cấp 6, mức cao nhất, do virus biến đổi khó lường.

Vì dịch bệnh chưa có dấu hiệu suy giảm khả quan nên kinh tế thế giới trong suy thoái lại gánh thêm mối đe dọa. Trung tâm của ổ cúm H1N1 là Mexico chịu những thiệt hại đầu tiên. Số liệu thị trường tài chính cập nhật cho thấy, đồng peso giảm tới 5,5% so với đồng USD kể từ khi lệnh khẩn cấp được ban bố. Bộ trưởng Tài chính Mexico Agustn Carstens dự báo, dịch cúm gây thiệt hại cho nền kinh tế nước này từ 0,3 - 0,5% GDP, tương đương 70 tỷ USD. Một số nước ra lệnh cấm nhập khẩu thịt heo từ Mexico, một số nước thì khuyến cáo công dân nước họ không nên đi du lịch ở Mexico, hay người về từ Mexico bị khám sức khỏe cẩn thận, thậm chí bị cách ly. Trung Quốc và Nga đã cấm nhập khẩu thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo ở Mexico và ba tiểu bang của Hoa Kỳ, nơi có các ca lây nhiễm ở người. Indonesia, quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất bởi cúm gia cầm, tuyên bố sẽ áp dụng lệnh cấm như Trung Quốc và Nga.

H1N1= 3.000 TỶ USD

Nỗi lo ngại đang lan rộng khắp thế giới khi dịch cúm vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả. Từng đối mặt với dịch SARS, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, nếu tỷ lệ tử vong tương đương với dịch cúm ở Tây Ban Nha năm 1918, thì cúm H1N1 có thể làm giảm GDP toàn cầu khoảng 4,8%. Tình hình càng tồi tệ hơn khi kinh tế thế giới đang khủng hoảng. Dịch cúm tác động mạnh tới nhu cầu tiêu thụ cũng như các kênh phân phối, du lịch và lữ hành. Reuters dẫn lại kết quả nghiên cứu của IMF cho biết, thảm họa dịch cúm có thể gây thiệt hại cho kinh tế thế giới 3 ngàn tỷ USD và làm giảm 5% GDP toàn cầu. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới như hiện nay, con số thiệt hại có thể lớn hơn nhiều lần.

Năm 2006, Vụ Ngân sách Quốc hội Mỹ đã phân tích tác động của một đại dịch đến nền kinh tế nước Mỹ. Theo phân tích này, nếu xảy ra một đại dịch như đại dịch ở Tây Ban Nha năm 1918 thì tổng sản lượng quốc dân có thể giảm 4%, hay một đại dịch nhẹ hơn (như dịch cúm năm 1957 và 1968) cũng có thể làm giảm tổng sản lượng quốc dân khoảng 1%. Năm ngoái, WB ước tính rằng, nếu một đại dịch xảy ra trên quy mô toàn cầu sẽ có thể tốn 3.000 tỷ USD, làm mất 5% tổng sản phẩm thế giới và khoảng 70 triệu người có thể tử vong. Một số ước tính khác cho rằng, con số thiệt hại kinh tế có thể còn hơn 4.400 tỷ USD. Dịch SARS bùng phát trong năm 2003 đã làm thương mại toàn cầu bị gián đoạn và khiến 25 nước vùng châu Á - Thái Bình Dương thiệt hại gần 40 tỷ USD với 775 ca tử vong và 8.000 người bị nhiễm.

Các nhà đầu tư toàn cầu đã có phản ứng chủ động nhằm đề phòng khả năng chịu ảnh hưởng dây chuyền. Cổ phiếu của các hãng hàng không và doanh nghiệp khách sạn sụt giá mạnh trong bối cảnh cổ đông đặt cược việc bùng phát ổ dịch sẽ khiến nhu cầu đi lại toàn cầu giảm. Trong khi đó, giá đậu và bắp tại Mỹ giảm mạnh do lo ngại ổ dịch cúm ở Bắc Mỹ có nhiều khả năng làm hạ nhu cầu tiêu thụ thịt và giảm nhu cầu thức ăn cho gia súc. Loại cúm gây chết người H1N1 bùng phát vào thời điểm nền kinh tế của Mexico cũng như hầu hết các nước khác trên thế giới đang gặp khó khăn do khủng hoảng và suy thoái, vì vậy, quy mô cúm cúm A/H1N1 lây lan như thế nào sẽ là yếu tố xác định kinh tế toàn cầu sẽ đi về đâu trong đà suy thoái. S

Giữa lúc kinh tế thế giới chao đảo, các nước châu Á đi đến đồng thuận thành lập một quỹ ngoại hối 120 tỷ USD. Bước đi này cho thấy dấu hiệu vững chắc của một châu Á tiến tới một liên minh lớn như mô hình EU.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cúm A/H1N1: Ẩn họa của kinh tế thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO