Cổ phiếu công nghệ trước áp lực điều chỉnh giá

KHẢ HÂN| 14/09/2018 06:26

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và một số nước, đặc biệt là Trung Quốc tiếp tục leo thang, thì chứng khoán Mỹ ngày càng đối mặt với áp lực điều chỉnh giảm là tất yếu.

Cổ phiếu công nghệ trước áp lực điều chỉnh giá

Trong thời gian thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực thì nhóm cổ phiếu công nghệ luôn tăng trưởng vượt trội và trở thành động lực dẫn dắt thị trường, giúp các chỉ số chứng khoán liên tiếp phá vỡ nhiều kỷ lục. Nhưng nay, trước rủi ro thị trường điều chỉnh, nhóm chứng khoán công nghệ cũng rớt nhanh hơn là điều tất yếu.

Lao dốc

Ngày 4/9, cổ phiếu Amazon đã có thời điểm tăng vọt lên mức cao nhất tại 2.050,5 USD/CP, giúp hãng bán lẻ trực tuyến này có khoảnh khắc đạt mốc vốn hóa 1.000 tỷ USD. Đây là doanh nghiệp Mỹ thứ hai chạm mốc vốn hóa 1.000 tỷ USD, sau khi Apple đã làm được điều này vào một tháng trước, và cũng là doanh nghiệp thứ ba trên thế giới đạt đến mốc này, cùng với PetroChina vào năm 2007 và Apple.

Ở một diễn biến khác, thị trường chứng khoán Mỹ lại chứng kiến cảnh lao dốc của cổ phiếu công nghệ trong thời gian gần đây, trong đó có hai gã khổng lồ mạng xã hội là Facebook và Twitter khiến nhiều nhà đầu tư tiếp tục thua lỗ nặng. Chỉ mới 4 phiên giao dịch đầu tháng 9 nhưng cổ phiếu của Facebook đã giảm đến 7,2% so với cuối tháng 8 (xuống còn 163USD/CP), đẩy tốc độ mất giá so với đỉnh cao nhất đạt được tại 217,5USD/CP vào ngày 25/7 lên hơn 25%, xem như đã bước vào thị trường con gấu.

Twitter cũng chẳng khấm khá gì hơn, khi trong 4 phiên qua cũng đã giảm 13,3%, và nếu so với đỉnh cao nhất tại 46,65USD/CP đạt được vào ngày 6/7, thì hiện nay một cổ phiếu của Twitter chỉ còn 30,49USD, tức đã bốc hơi gần 35% giá trị chỉ trong vòng 2 tháng.

Trong bối cảnh ban lãnh đạo Facebook và Twitter phải ra điều trần trước quốc hội vì những cáo buộc can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm 2016, thì rõ ràng các nhà đầu tư chẳng thể trông mong diễn biến giao dịch của 2 cổ phiếu này sẽ tích cực. Tuy nhiên, sự lao dốc tiếp tục như thời gian qua là điều mà không nhà đầu tư nào dám nghĩ đến trong giai đoạn cổ phiếu công nghệ chói sáng trước đây.

Cũng không riêng Facebook và Twitter, cổ phiếu Microsoft, sau khi đạt đỉnh cao nhất tại 112,33USD/CP vào ngày 31/8, thì trong 4 phiên vừa qua cũng đã giảm đến 3,7%. Tương tự, cổ phiếu Apple cũng đã giảm 2,8% từ mức đỉnh 227,63USD/CP vào ngày 31/8, trong khi Netflix rớt 5,2% trong cùng khoảng thời gian. Còn nếu tính từ đỉnh cao nhất tại 418,65USD/CP đạt được vào ngày 11/7, cổ phiếu Netflix hiện đã mất hơn 16,7%.

Tuy nhiên, Tesla của tỷ phú Elon Musk mới chính là kẻ khiến nhiều nhà đầu tư phải liên tiếp đối mặt với thua lỗ nhiều nhất. Sự biến động quá mạnh của cổ phiếu này cùng với hàng loạt thông tin thay đổi liên tục trong thời gian qua đã khiến cổ phiếu Tesla - một trong những khoản đầu tư ưa thích và được đánh giá đầy tiềm năng, hiện đã trở thành món hàng rủi ro hơn bao giờ hết. Tính từ mức đỉnh cao 379,57USD/CP vào ngày 7/8, cổ phiếu Tesla đã mất hơn 30% giá trị chỉ trong vòng một tháng, còn nếu xét riêng trong 4 phiên giao dịch đầu tháng 9 thì đã mất 12,7%.

Sau những tuyên bố của Elon Musk có thể mua hết lượng cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường để biến Tesla thành công ty tư nhân, thì những thông tin xấu liên tiếp xuất hiện trong thời gian gần đây, như hàng loạt lãnh đạo của công ty này từ chức, triển vọng phát triển trở nên mờ mịt với những vụ tai nạn liên tiếp của các dòng xe điện Tesla, và gần đây nhất Elon Musk xuất hiện trên truyền hình với hình ảnh sử dụng các chất kích thích như cần sa, rượu nặng càng khiến hình ảnh của Tesla trở nên thảm hại.

Hiện tại cổ phiếu này đang trong tầm ngắm bán khống của một loạt nhà đầu tư lớn, do đó càng đè nặng lên giá cổ phiếu của Tesla.

Bong bóng công nghệ đã vỡ?

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và một số nước, đặc biệt là Trung Quốc tiếp tục leo thang, thì chứng khoán Mỹ ngày càng đối mặt với áp lực điều chỉnh giảm là tất yếu. Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Donald Trump lại đe dọa đánh thuế tiếp lên 267 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc, theo sau hàng rào thuế lên 200 tỷ USD đã công bố trước đó, sau khi những cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc gần đây dường như không đạt được thêm bước tiến nào.

Chẳng những vậy, các hàng rào thuế quan áp đặt lẫn nhau cũng gây thiệt hại lên các doanh nghiệp hai bên. Mới đây nhất, ông Trump đã hối thúc Apple mau dịch chuyển các nhà máy sản xuất ở Trung Quốc về Mỹ để tránh bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại.

Cũng cần biết rằng, trong giai đoạn thị trường tăng trưởng tích cực thì nhóm cổ phiếu công nghệ luôn tăng trưởng vượt trội, trở thành động lực dẫn dắt thị trường và giúp các chỉ số chứng khoán liên tiếp phá vỡ nhiều kỷ lục. Như từ đầu năm đến nay, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 7,6%, Dow Jones tiến 5%, thì chỉ số Nasdaq Composite - vốn liên quan nhiều nhất đối với các công ty công nghệ, đã tăng gần 15%. Nhưng trước rủi ro thị trường điều chỉnh, nhóm cổ phiếu công nghệ cũng rớt nhanh hơn là điều tất yếu.

Chu kỳ tăng giá nhiều cổ phiếu dường như chuẩn bị chấm dứt, và khả năng giảm giá trên thị trường chứng khoán Mỹ đang ở mức cao nhất trong hơn 40 năm, với lĩnh vực công nghệ đang chịu áp lực nặng nề. Và theo nhiều người, có vẻ như bong bóng cổ phiếu công nghệ đã đến hồi kết thúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cổ phiếu công nghệ trước áp lực điều chỉnh giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO