Cơ hội hòa bình cho Trung Đông

03/09/2010 08:05

Cuộc đàm phán trực tiếp, mặt đối mặt của hai nhà lãnh đạo Israel và Palestine đã bắt đầu vào lúc 10g ngày 2/9 (21g giờ VN) tại Washington với sự trung gian của Mỹ.

Cơ hội hòa bình cho Trung Đông

Cuộc đàm phán trực tiếp, mặt đối mặt của hai nhà lãnh đạo Israel và Palestine đã bắt đầu vào lúc 10g ngày 2/9 (21g giờ VN) tại Washington với sự trung gian của Mỹ.

Từ trái sang: Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Nhà Trắng, Washington ngày 1/9 - Ảnh: Reuters

Một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama lên tiếng kêu gọi hòa bình, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã chào mừng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tới Bộ Ngoại giao Mỹ để cuộc hòa đàm được bắt đầu. “Có mặt ở đây ngày hôm nay, mỗi người trong các vị đã bước một bước quan trọng để giải phóng dân tộc mình khỏi những chướng ngại của một lịch sử mà chúng ta không thể thay đổi và hướng tới một tương lai của hòa bình, thịnh vượng mà chỉ các bạn mới có thể tạo ra” - bà Clinton nói.

“Cuộc đàm phán lần này sẽ không dễ dàng. Một nền hòa bình thật sự, lâu dài sẽ chỉ đạt được qua những nhượng bộ đau đớn từ cả hai phía. Người dân Israel, và tôi với tư cách thủ tướng, đã chuẩn bị để có một hành trình dài mang đến cho nhân dân chúng tôi an ninh, thịnh vượng và những láng giềng hữu hảo” - Reuters dẫn lời ông Netanyahu nói khi cuộc đàm phán bắt đầu.

Trước đó, Tổng thống Obama đã hối thúc hai nhà lãnh đạo Israel và Palestine không thể để phí hoài cơ hội hòa bình lần này cho dù còn rất nhiều trở ngại phải vượt qua. “Khoảnh khắc này là một cơ hội sẽ không sớm trở lại” - BBC dẫn lời ông Obama. Tổng thống Mỹ khẳng định mục tiêu của cuộc đàm phán trực tiếp lần này, dự kiến kéo dài một năm, là “giải quyết rốt ráo tất cả những vấn đề” liên quan tới hòa bình cho Israel và Palestine, bao gồm việc hình thành một nhà nước Palestine độc lập, dân chủ và tồn tại hòa bình bên cạnh Israel. 

Hòa bình Trung Đông: 20 năm gian khó

1991: Hội nghị hòa bình Madrid thiết lập chương trình khung cho tiến trình hòa bình.

1993: Thỏa ước Oslo lịch sử, ký hiệp định đầu tiên giữa Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO).

1994: Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat ký thỏa thuận về tự trị tại Cairo, Ai Cập.

2000: Tổng thống Mỹ Bill Clinton tổ chức hội đàm với ông Arafat và Thủ tướng Israel Ehud Barak tại trại David. Đàm phán kết thúc thất bại khi không nhất trí được các vấn đề Jerusalem và người di cư Palestine.

2003: Tổng thống Mỹ George W. Bush, Thủ tướng Israel Ariel Sharon và Thủ tướng Palestine Mahmud Abbas đề xuất lộ trình thành lập nhà nước Palestine vào năm 2005 tại Aqaba, Jordan.

2005: Ông Sharon và ông Abbas, lúc này là chủ tịch Palestine, gặp nhau ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập.

2007: Ông Abbas và Thủ tướng Israel Ehud Omert chính thức nối lại hòa đàm tại Annapolis, Maryland, Mỹ.

2008: Israel mở chiến dịch 22 ngày tấn công dải Gaza, Palestine đình chỉ mọi thương lượng.

Những chủ đề từng khiến các cuộc thương lượng hòa bình kéo dài 20 năm qua thất bại vẫn được lặp lại ở Washington lần này. Trong khi khẳng định ủng hộ một nhà nước Palestine độc lập, ông Netanyahu lại vẫn yêu cầu đó phải là một nhà nước phi quân sự, Palestine phải thừa nhận Israel là một nhà nước Do Thái và Jerusalem phải thuộc về Israel, không chia cắt.

Ông Abbas lại muốn một nhà nước độc lập tồn tại ở Bờ Tây và dải Gaza, với thủ đô là Đông Jerusalem. Ông cũng muốn lấy lại vùng lãnh thổ mà Israel đã chiếm đóng vào năm 1967, nhưng sẵn sàng chấp nhận một giải pháp đổi đất, chấp thuận sự tồn tại của một số khu định cư Do Thái để đổi lấy những vùng lãnh thổ hiện cũng do Israel cai quản. Đồng thời, ông Abbas cương quyết yêu cầu Israel ngừng xây thêm các khu định cư Do Thái ở vùng lãnh thổ mà họ chiếm đóng.

Trong những nhận xét trước bữa ăn tối với các nhà lãnh đạo Ả Rập, ông Netanyahu đã gọi ông Abbas là “đối tác vì hòa bình” và khẳng định: “Chúng tôi không tìm kiếm một đợt tạm ngưng chiến. Chúng tôi tìm kiếm việc kết thúc cuộc xung đột này một lần và mãi mãi”.

Tuy nhiên, nhấn mạnh đến vai trò của ông Obama “như một trung gian và môi giới trung thực” trong cuộc đối thoại trực tiếp Israel - Palestine, vua Jordan Abdullah II cảnh báo: “Nếu hi vọng lại tiêu tan một lần nữa, cái giá của thất bại sẽ rất cao cho tất cả”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ hội hòa bình cho Trung Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO