Chiến tranh lạnh bao vây Nga và Trung Quốc

LAM HỒNG| 14/06/2014 07:28

Các động thái bao vây và cô lập cả Nga và Trung Quốc từ phía Mỹ và phương Tây mang dáng dấp một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới.

Chiến tranh lạnh bao vây Nga và Trung Quốc

Các động thái bao vây và cô lập cả Nga và Trung Quốc (TQ) từ phía Mỹ và phương Tây mang dáng dấp một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới.

Đọc E-paper

Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp các lãnh đạo G7 tuần trước tại Brussels, Bỉ, nơi đàm phán về cuộc khủng hoảng ở Ukraine là nội dung chính. Tuy nhiên, có một sự vắng mặt đáng chú ý: Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Nga bị loại khỏi các cuộc họp G7 như một phần của các biện pháp trừng phạt Moscow qua việc sáp nhập khu vực Crimea của Ukraine vào Nga. Trong một tuyên bố chung được công bố vào cuối thứ tư, các nhà lãnh đạo G7 cam kết hỗ trợ người dân và Chính phủ Ukraina "khi đối mặt với sự can thiệp không thể chấp nhận từ phía Nga".

G7 cũng cảnh báo Moscow chuẩn bị đón nhận thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế nếu hành động sáp nhập bất hợp pháp của Nga tiếp tục đe dọa ổn định phía đông Ukraine.

Washington và lãnh đạo G7 đang lo ngại Moscow sẽ tái áp đặt "gọng kìm" thời chiến tranh lạnh đối với một phần lớn châu Âu, sau khi sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi tháng 3. Có thể thấy, với việc lôi kéo G7 vào việc trừng phạt Nga, Mỹ đang hình thành một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới nhằm cô lập Moscow.

Trước đó, ngay khi đặt chân tới châu Âu, ông Obama đã công bố kế hoạch tăng cường quân Mỹ ở các nước giáp biên với Nga. Trong chuyến thăm chính thức Ba Lan, ông Barack Obama đã công bố Mỹ sẽ chi 1 tỷ USD để tăng cường triển khai quân đội Mỹ tới các nước đồng minh mới tại châu Âu. Đây là một động thái nhắc lại hành động của Chính phủ Mỹ trong thời chiến tranh lạnh chống lại Liên Xô.

Bị phương Tây cô lập, Nga và TQ bất ngờ có nhiều động thái xích lại gần nhau, trước hết bằng hợp đồng dầu khí trị giá 400 tỷ USD trong 30 năm. Mối liên minh giữa Moscow - Bắc Kinh rõ ràng được dựng lên nhằm cản bước Mỹ tại khu vực châu Âu và Đông Á, đặc biệt là chiến lược xoay trục châu Á.

Washington lúc này phải đối phó với hai thách thức cùng lúc: sức mạnh quân sự từ 8.500 đầu đạn hạt nhân của Nga và vòng kìm kẹp tài chính với 1.200 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ mà TQ đang nắm giữ. Tuy nhiên, Mỹ đang cố tách ra khỏi gọng kìm này bằng việc lôi kéo các đồng minh G7 đứng về phía mình và cô lập TQ bằng nhiều hình thức khác nhau khi TQ ngày càng hung hăng tại Biển Đông và Hoa Đông.

Tuyên bố chung của Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Ý và Canada, Anh được đưa ra sau hội nghị tại Brussels tối ngày 4/6 quan ngại sâu sắc trước những căng thẳng tại vùng biển Hoa Đông và biển Đông. Các lãnh đạo G7 tái khẳng định lập trường "chống lại bất kỳ hành động đơn phương của bất cứ bên nào nhằm khẳng định chủ quyền lãnh thổ hoặc chủ quyền trên biển bằng biện pháp hăm dọa, gây hấn hoặc vũ lực". Cũng giống như với Nga, việc G7 đồng loạt chỉ trích và tỏ ra cứng rắn trước TQ có thể khởi đầu một cuộc xung đột chiến tranh lạnh lâu dài với quốc gia đông dân nhất thế giới.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, đặc biệt từ khi chấm dứt chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, Mỹ đã xem Thái Bình Dương nằm trong tầm khống chế của mình. Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Chủ tịch TQ Mao Trạch Đông đã gặp nhau và đi tới thỏa thuận: Mỹ ủng hộ TQ trở lại với các hoạt động quốc tế và TQ ngầm chấp nhận sự thống lĩnh quân sự của Mỹ ở châu Á.

Bốn thập niên sau đó là giai đoạn ổn định và thịnh vượng nhất của châu Á, tạo nên một châu Á phát triển như hiện nay. Tuy nhiên, sự hung hăng của TQ tại Biển Đông bất chấp mọi luật lệ quốc tế cho thấy thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Washington về vai trò của Mỹ ở châu Á đang bị TQ phá bỏ. Với "giấc mơ Trung Hoa", TQ muốn tái định hình thế lực quân sự và chính trị ở khu vực này để phản ánh vai trò trung tâm của chính mình.

Các siêu cường quốc như G7 nhận thấy TQ đang thách thức mạnh mẽ trật tự do Mỹ dẫn đầu vốn đã là xương sống của phép màu kinh tế châu Á và ổn định của kinh tế thế giới. G7 phải cứng rắn với TQ vì lo ngại bị Bắc Kinh khống chế ở tuyến hàng hải Đông - Tây qua eo Malacca. Vì thế, G7 không thể không lên tiếng và có hành động áp chế sự lấn lướt của TQ.

Theo Bloomberg, cạnh tranh về địa - chính trị và kinh tế có quan hệ mật thiết với nhau và sẽ định hình cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới. Nếu như cuộc đối đầu Xô - Mỹ vì cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân, tránh một cuộc xung đột toàn diện, thì mâu thuẫn Trung - Mỹ hiện nay sẽ quyết định bởi kinh tế. Ngoài các răn đe về quân sự, Mỹ và G7 sẽ sử dụng kinh tế và thương mại làm vũ khí chiến lược để kiềm chế TQ cũng như Nga. Một khi đã nhất quán trong hành động tại Ukraine với Nga, thì tại châu Á - Thái Bình Dương, G7 buộc phải có thái độ tương tự với TQ.

Shi Yinhong, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, cho rằng: "Nếu Trung Quốc quan tâm nhiều tới sức ép quốc tế, nước này đã không hạ đặt giàn khoan Haiyan - Shiyou 981".

>Đốt nóng chiến tranh lạnh
>Chiến tranh Lạnh phiên bản 2?
>
Chiến tranh lạnh 3.0

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chiến tranh lạnh bao vây Nga và Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO