Chiến tranh lạnh 3.0

THỤY KHA| 26/11/2013 05:09

Cuộc chiến ăn miếng trả miếng giữa Mỹ và Trung Quốc (TQ) trong thị trường công nghệ đang có nguy cơ lan rộng và ảnh hưởng đến các công ty công nghệ lớn của thế giới như IBM, Cisco và phía bên kia là Lenovo, Huawei, ZTE...

Chiến tranh lạnh 3.0

Cuộc chiến ăn miếng trả miếng giữa Mỹ và Trung Quốc (TQ) trong thị trường công nghệ đang có nguy cơ lan rộng và ảnh hưởng đến các công ty công nghệ lớn của thế giới như IBM, Cisco và phía bên kia là Lenovo, Huawei, ZTE...

ZTE là một trong những công ty công nghệ TQ bị Mỹ "cấm cửa"

Tổng thống Mỹ Barack Obama mới ban hành một đạo luật có điều khoản hạn chế các cơ quan chính phủ liên bang mua các hệ thống công nghệ thông tin của TQ. Đạo luật này nhận được sự ủng hộ của nhiều hạ sĩ với quan điểm "nước Mỹ đang tiếp tục bị tấn công trên mạng, bị mất việc làm và bị đánh cắp nhiều tỷ USD".

Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội (CRS) Mỹ, năm 2012, Mỹ đã nhập khẩu 150 tỷ USD các sản phẩm công nghệ từ TQ. Mỹ cũng tố cáo TQ đứng sau hàng loạt các vụ tấn công mạng nhắm vào các hệ thống thông tin, ngân hàng của Mỹ. Trong một báo cáo phát hành hôm 8/10, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ cảnh báo các hãng sản xuất thiết bị viễn thông TQ nên bị trục xuất khỏi thị trường Mỹ vì lo ngại nguy cơ gián điệp. Hai công ty viễn thông lớn của TQ là Huawei và ZTE là đối tượng của cảnh báo này. Theo báo cáo, Bắc Kinh có đủ "phương tiện, cơ hội và động lực" để lợi dụng cả hai công ty cho mục đích gián điệp.

Đạo luật mới của Tổng thống Obama còn hạn chế việc mua sắm từ những công ty TQ chịu sự ảnh hưởng của nhà nước mà không cần biết họ sản xuất sản phẩm ở đâu. Điều này có nghĩa là các cơ quan Chính phủ Mỹ có thể không được phép mua máy tính của Lenovo được sản xuất ở Đức hoặc điện thoại Huawei được thiết kế ở Anh. Với đạo luật này, dường như mọi cánh cửa vào thị trường Mỹ của các công ty điện tử, viễn thông lớn của TQ như Huawei, ZTE hay thậm chí là Lenovo... đã khép lại. Khoảng 4% doanh số của Tập đoàn Huawei đến từ Mỹ, còn của ZTE là 2-3%. Trong thị trường điện thoại di động Mỹ, ZTE xếp thứ sáu và Huawei xếp thứ tám.

Trước các động thái quyết liệt trên từ Chính phủ Mỹ, có vẻ như TQ đã trả đũa khi cáo buộc Cisco cùng 7 công ty công nghệ Mỹ khác bao gồm IBM, Microsoft, Google, Qualcomm, Intel, Apple và Oracle đang trở thành mối đe doạ cho an ninh TQ. Báo chí TQ đang công kích các công ty Mỹ đang kiểm soát các máy chủ TQ bằng trojan và mạng máy tính ma (botnet) với quy mô gần 8,9 triệu máy tính TQ bị chiếm quyền điều khiển.

John Chambers, Giám đốc Điều hành Cisco Systems, khẳng định các động thái căng thẳng trên đang ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của Hãng. Doanh số tại thị trường TQ của Cisco giảm 18% trong quý mới nhất. "Chắc chắn , TQ muốn trả đũa", ông Christopher Tang, một giáo sư kinh doanh tại Đại học California ở Los Angeles, cho biết. Giáo sư này cùng nhiều nhà phân tích đã đưa ra các rủi ro mà những công ty công nghệ Mỹ sẽ đối mặt nếu mất khách hàng. Thực tế, một khảo sát của Liên minh An ninh Điện toán đám mây cho thấy các khách hàng cũng lo ngại về tính bảo mật của các công ty Mỹ, đặc biệt sau bê bối nghe lén của chính quyền Obama bị phát giác. Trong số 207 doanh nghiệp nước ngoài được hỏi, 10% đã hủy bỏ một dự án sử dụng các nhà cung cấp điện toán đám mây có trụ sở tại Mỹ, 56% cho biết ít có khả năng sử dụng một nhà cung cấp như vậy trong tương lai. Forrester Research ước tính doanh thu của các nhà cung cấp điện toán đám mây của Mỹ, trong đó lưu trữ dữ liệu như email, tài liệu và thông tin khách hàng, lên đến 180 tỷ USD hằng năm.

Tháng trước, IBM cho biết doanh số tại TQ giảm 22%, riêng doanh thu mảng thị trường phần cứng giảm 40%. Ray Mota, đối tác quản lý cho ACG Research, một công ty nghiên cứu thị trường theo dõi ngành công nghiệp công nghệ, cho rằng "chiến tranh lạnh về công nghệ đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và TQ sẽ còn kéo dài".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chiến tranh lạnh 3.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO