"Chiến binh" môi trường và cuộc chiến chống Apple

26/06/2012 05:11

Là một người nghiên cứu về môi trường, Ma đã dành nhiều năm ghi chép những thảm họa sinh thái của Trung Quốc.

“Bắc Kinh là một thành phố khác biệt, có rất ít xe hơi, tôi có thể đi giữa con đường. Vào mùa hè, những ngọn đèn đường thu hút nhiều côn trùng. Tôi thích chúng, những con dế, bọ ngựa, và tất cả các loại bọ cánh cứng. Tôi cũng có một kỉ niệm sống động về những ánh mặt trời chói lóa mọc trên bầu trời. Nhưng ngày nay, bầu trời thật khác”.

Ma Jun, người đàn ông 44 tuổi, một "chiến binh" môi trường xuất sắc của Trung Quốc, nhớ lại hình ảnh thủ đô khi ông còn nhỏ. Là một người nghiên cứu về môi trường, Ma đã dành nhiều năm ghi chép những thảm họa sinh thái của Trung Quốc.

Vì môi trường sống tốt đẹp hơn

Tháng 12 vừa rồi, WHO đã xếp hạng Bắc Kinh thứ 1035 trong 1100 thành phố trên thế giới về chất lượng không khí. Những kết quả khác từ sự phát triển không giới hạn của Trung Quốc thật kinh khủng, như trận đại hồng thủy ở Yangzte vào năm 1998, sau nhiều năm phá rừng và xói mòn đất.

Cuối cùng, ông đã quyết định rằng, chỉ kể chuyện thôi là không đủ mà cần phải hành động. ”Chúng ta có thể dùng truyền thông để phơi bày vấn đề, nhưng không thể ngừng ở đó vì mọi người đang trông chờ và câu trả lời”, ông cho biết.

Ma đã sáng lập một tổ chức phi lợi nhuận, Viện các vấn đề về công cộng và môi trường (IPE) vào năm 2006. Từ đó, Ma đã dùng sức mạnh của mạng Internet và sự lạc quan của giới trẻ Trung Quốc thành một lực lượng để thay đổi môi trường.

Làm việc với một mạng lưới những tình nguyện viên trẻ cống hiến, Ma và 9 nhân viên toàn thời gian của ông đã tổng hợp một nguồn dữ liệu trực tuyến về nước, không khí, và những ghi nhận về chất thải độc hại tại đất nước "sản xuất" nhiều khí thải nhất thế giới này. Trong hơn 5 năm, những tình nguyện viên của IPE đã giúp phát hiện 97.000 trường hợp vi phạm luật xanh của Trung Quốc. Và những nỗ lực này đã dẫn đến sự thay đổi.

Ma nói: “Khi tôi nhìn vào những vấn đề môi trường của Trung Quốc, trở ngại thực sự không phải là việc thiếu công nghệ hay tiền, mà là sự thiếu động lực. Động lực nên đến từ những ràng buộc về luật, nhưng ràng buộc thì yếu và những vụ kiện môi trường gần như là vô vọng. Vì vậy, công chúng cần tham gia để tạo ra động lực”.

Ma đã trở thành chuyên gia trong việc dùng dữ liệu để tạo động lực đó, đặc biệt là khi nó buộc những công ty toàn cầu giám sát những nhà cung cấp của họ tại Trung Quốc.

Phương pháp của ông đã giành được sự tin tưởng của nhiều công ty có thương hiệu toàn cầu phụ thuộc vào các công ty gia công, sản xuất đặt tại Trung Quốc. Megan Murphy, giám đốc đối ngoại quốc tế của Walmart cho biết: “Khi dùng những dữ liệu này, chúng tôi nhận ra những nhà máy cần cải thiện và chủ động làm việc với họ để tạo ra những thay đổi tích cực cho môi trường”.

Sau khi Walmart kí thỏa thuận với IPE, vào năm 2008, những nhà sản xuất khác đã nhanh chóng theo chân. Các thương hiệu châu Âu và Nhật Bản và những công Mỹ bao gồm Coca-Cocla, GE, Levi’s, Microsoft và Nike là những khách hàng chủ động sử dụng dữ liệu của Ma.

Elisabeth C.Economy, chủ tịch của hội đồng quan hệ nước ngoài của các nghiên cứu châu Á và tác giả của cuốn sách The River Tuns Black (miêu tả cách mà những vấn đề môi trường của Trung Quốc đẩy nước này vào tình trạng nguy hiểm) tâm sự: “Ông đã thúc đẩy những quan chức địa phương báo cáo dữ liệu môi trường của họ và buộc các công ty đa quốc gia phải có trách nhiệm. Ma Jun đã trở thành một trong những người lãnh đạo thực sự của phong trào môi trường của Trung Quốc”.

Vài năm trước, Ma đã bắt đầu những gì mà sau này được minh chứng là một hành trình dài và gian khổ để "thức tỉnh" các tập đoàn lớn, buộc họ đối diện với những vấn đề do những nhà cung cấp Trung Quốc gây ra.

Đối đầu với Apple

Trong báo cáo "Mặt khác của Apple", Ma đã so sánh hai hình ảnh trái ngược về Apple
Trường hợp của Apple là một ví dụ, vào năm 2009, đội ngũ của ông bắt đầu chú ý một vài trường hợp về các vấn đề sức khỏe vì ô nhiễm kim loại nặng được báo cáo trên những tờ báo địa phương. Ma kể lại: “Chúng tôi đã ngạc nhiên, nguồn ô nhiễm đó không phải là các hầm mỏ hay những nhà máy nấu kim loại, mà là từ những nhà máy sản xuất thiết bị công nghệ thông tin nổi tiếng toàn cầu”.

Đã có những báo cáo về việc các công nhân nhà máy phải chịu sự hủy hoại thần kinh sau khi tiếp xúc với n-hexane, vốn được dùng để rửa sạch những màn hình cảm ứng. Vì hầu hết các nhà máy Trung Quốc làm việc cho các tập đoàn quốc tế thông qua các nhà thầu, Ma và công ty của mình đã phải điều tra để có được bằng chứng là các nhà máy kết nối với nhau và làm việc cho các với thương hiệu toàn cầu.

Vào khoảng tháng 4/2010, Ma đã phát hiện ra 29 thương hiệu công nghệ lớn dùng các máy móc mà sự vận hành của nó gây độc hại. Cuối cùng, đội của Ma đã phát hiện ra nhà máy có các vấn đề về n-hexane được vận hành bởi một công ty Đài Loan là Wintek, vốn đã ký hợp đồng để sản xuất những màn hình cảm ứng cho Apple.

Ma là một người có kỹ năng giải quyết vấn đề tốt, rất lý trí và điềm tĩnh. Những tính cách quan trọng đó là cần thiết để ông đạt được sự ủng hộ ở Trung Quốc, nơi mà những hoạt động biểu tình nhanh chóng vấp phải sự ngăn cản của chính phủ.

Chiến lược của Ma điềm tĩnh hơn. Đầu tiên của ông là liên hệ với những người ra quyết định ở những tập đoàn, chỉ cho họ số liệu và đưa ra một luận điểm sôi nổi về lợi ích của sự thay đổi tích cực.

Ma đã giúp tổ chức một cuộc gặp của những tổ chức phi chính phủ của Trung Quốc được biết đến như Liên Minh Xanh nhằm gây áp lực cho 29 công ty với những lá thư đến CEO của họ, bao gồm Steve Jobs. Nhiều công ty sai phạm, bao gồm cả những công ty lớn như Siemens, đã sẵn sàng hợp tác với IPE.

Tuy nhiên Apple liên tục từ chối, thậm chí xác nhận rằng nó không có bất kì quan hệ nào với những nhà máy được nêu. Ma vẫn tiếp tục nỗ lực, ông đã viết lá thư thứ 2 đến Jobs. Lá thư được viết cùng bởi Jia jingchuan, một công nhân khoảng hơn 20 tuổi tại nhà máy Wintek, người đã nhập viện sau 10 tháng vì tiếp xúc với n-hexane, và lần này bức thư cũng bị lờ đi. Apple đã chạm đến điểm cuối cùng của sự kiên nhẫn.

Để đáp trả, Ma đã rút ra tất cả vũ khí của mình để chiến đấu, bắt đầu với truyền thông xã hội, vốn là kênh tuyền thông không đặc biệt mạnh ở Trung Quốc, có thể là một cách mạnh mẽ để chỉ trích thẳng thắn những công ty đang lờ đi trách nhiệm của họ.

Ma cho biết: “Nếu như bạn xuất bản một thứ gì đó bằng truyền thông truyền thống, đó là một chiều. Với truyền thông xã hội, chúng ta đều có những thông tin phản hồi của người đọc".

Vào tháng 1/2011, ông đã tung ra cho vài tờ tạp chí một báo cáo có tên "Mặt khác của Apple (The other side of Apple), trong đó ông đã tiết lộ dữ liệu về những nhà máy sản xuất cho Apple, cũng như sự do dự của công ty này trong việc giải quyết những vấn đề.

Ma cũng tung ra một video mà ông đã sản xuất, theo phong cách thực sự gây sốc, cắt những đoạn clip từ những sự kiện giới thiệu sản phẩm của Apple với cảnh những công nhân trẻ phải chịu đựng từ chất độc n-hexane. Vài tuần sau đó, Apple phải xuất bản báo cáo trách nhiệm nhà cung cấp, lần đầu tiên thừa nhận trường hợp của những công nhân nhiễm độc. Ma và liên minh của mình của các tổ chức môi trường đã tiến hành một cuộc điều tra đặc biệt về ô nhiễm trong chuỗi cung ứng của Apple.

Bức tường đá của Apple cũng đã mềm đi chỉ 1 tuần sau khi Tim Cook lên chức CEO vào tháng 8 năm ngoái. Vài giờ trước khi Ma sắp sửa tung ra “The Other Side of Apple II”, kết quả của cuộc điều tra tiếp theo nhằm vào các nhà máy của công ty, một phó chủ tịch của Apple đã nói với nhóm của Ma rằng họ sẵn sàng mở một cuộc đối thoại với nhóm.

Hai tuần sau đó, vào giữa tháng 9, các đại diện của Apple đã gặp với IPE lần đầu tiên và họ nhất trí làm việc cùng nhau. Qua mùa thu, những cuộc họp tiếp theo ở Cupertino, San Francisco, và Bắc Kinh đã vạch ra những chi tiết trong việc Apple sơ suất với những nhà cung ứng của mình, đỉnh điểm là báo cáo trách nhiệm nhà cung ứng năm 2012 của nó, nêu tên hơn 100 nhà cung ứng và chỉ ra những bản kiểm toán môi trường của 14 trong số họ. Liên Minh Xanh của Ma sẽ xác nhận độc lập các nhà cung ứng này có tuân thủ với luật môi trường hay không.

Chiến dịch của IPE đã làm tăng áp lực lên Apple trên toàn thế giới và giúp cho Ma giành được giải thưởng uy tín Goldman Prize, cho những nỗ lực cơ bản của ông để bảo vệ môi trường trong năm 2012.

Apple cũng đồng ý với kết quả các cuộc điều tra một vài nhà máy trong chuỗi cung ứng bởi Hiệp hội Lao động công bằng FLA (Fair Labor Association). FLA đã đưa ra báo cáo đánh giá các vấn đề với các điều kiện làm việc khắc khổ tại các nhà máy Foxconn vào cuối tháng 3.

Chiến binh không ngơi nghỉ

Vào tối chủ nhật cuối tháng 3, một đám đông bao gồm phần lớn là các sinh viên và nhân viên trẻ tuổi thuộc các tổ chức phi chính phủ, khoảng một nửa là người Trung Quốc, và nửa kia là người nước ngoài làm việc tại Trung Quốc, chờ đợi Ma phát biểu trong một khán phòng ở Bắc Kinh.

Một phụ nữ người Pháp nhỏ nhắn trong bộ đồ đen giới thiệu ông như là một người can đảm và có tầm ảnh hưởng trước khi trao cho ông micro. Chủ đề của bài thuyết trình của ông, trùng với Ngày Quốc tế nước thế giới, là “Những thách thức về nước và những lựa chọn xanh”.

Những trang thuyết trình của ông đầy dữ kiện thực tế: “300 triệu người nông thôn Trung Quốc không có sự tiếp cận với nước uống sạch, và 12 triệu tấn mùa vụ có chứa các kim loại nặng”.

Phát biểu của ông dần dần trở nên sống động. Hai ngàn người với bảng câu hỏi rất dài. Ma khẽ cúi mình chào và lắng nghe mỗi câu hỏi với sự tập trung cao độ, chuyển qua lại giữa tiếng Trung và tiếng Anh, ông trả lời các câu hỏi về quản lý chuỗi cung ứng, các nhóm sinh viên môi trường, và biện pháp xử lý chất thải. Ma đã làm được một chuyện to lớn và đầy ý nghĩa.

Những tờ báo địa phương đã gọi Ma là một chiến binh lịch lãm, sâu sắc, còn tạp chí Forbes thì tặng ông danh hiệu “Chiến binh sáng tạo nhất thế giới”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Chiến binh" môi trường và cuộc chiến chống Apple
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO