CHDCND Triều Tiên: Những cải cách mong manh

LAM HỒNG| 14/03/2015 08:18

Lần đầu tiên trong nhiều thập niên, kinh tế Triều Tiên đã tăng trưởng gần đủ để tự nuôi sống mình vào năm ngoái.

CHDCND Triều Tiên: Những cải cách mong manh

Kinh tế CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên) có nhiều dấu hiệu thay đổi dù chưa rõ ràng.

"Cải cách" vẫn còn là một điều cấm kỵ ở Triều Tiên. Nhưng lần đầu tiên trong nhiều thập niên, kinh tế Triều Tiên đã tăng trưởng gần đủ để tự nuôi sống mình vào năm ngoái. Nhờ thu hoạch tốt hơn, nền kinh tế của Triều Tiên có thể tăng trưởng 7,5% trong năm nay, so với mức tăng trưởng hằng năm ít hơn 1% trong một thập niên. Đây là kết quả do Viện Nghiên cứu Hyundai, Hàn Quốc mới công bố cùng khảo sát chi phí viễn cảnh sáp nhập hai miền Triều Tiên.

Tất nhiên, các con số từ một nền kinh tế khép kín nhất thế giới như Triều Tiên đều phải cân nhắc. Năm ngoái, một lần nữa Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) đã không được phép vào để thực địa nạn đói ở Triều Tiên. Mặc dù vậy, có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự thay đổi đang được tiến hành trong nền kinh tế Triều Tiên khi Kim Jong Un lên nắm quyền sau cái chết của cha mình là Kim Jong Il.

Các thay đổi chuyển động từ năm 2013. Ban đầu chỉ là những cải cách nhỏ về nông nghiệp. Chẳng hạn, nông dân được phép giữ lại 30% sản lượng thu hoạch. Ngoài ra, họ có thể giữ lại (bán trên thị trường) phần vượt hạn mức so với trước đây là phải nộp lại cho nhà nước. Ngoài nông nghiệp, Chính phủ Triều Tiên cũng chú trọng phát triển công nghiệp. Chủ nhà máy quốc doanh được trao quyền tuyển dụng nhân viên, trả lương công nhân, lựa chọn và thu mua nguồn nguyên liệu thô trên thị trường cũng như được quyền bán một phần sản phẩm ra thị trường. Và giống như những người nông dân, các ông chủ nhà máy vẫn phải nộp một phần sản lượng làm ra cho nhà nước. Theo chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Kookmin ở Seoul, ông Andrei Lankov, chính sách này không khác gì việc nộp thuế công ty trong nền kinh tế tư bản.

Triều Tiên cũng đang xúc tiến các đặc khu kinh tế (SEZ). SEZ có thời gian hoạt động lâu nhất là trung tâm chế xuất của Rason, ở phía đông bắc gần biên giới với Nga và Trung Quốc. Chính phủ đã công bố thêm 19 đặc khu kinh tế kể từ năm 2013, hình thành các trung tâm có quy mô 2 - 4km2 phát triển du lịch (phục vụ du khách Trung Quốc) và phát triển phần mềm. Gần như mọi thành phố của Triều Tiên hiện nay có một hoặc hai khu vực này.

So sánh hai nền kinh tế Hàn Quốc - Triều Tiên

Một số nhà phân tích cho rằng ông Kim con mong muốn đi xa hơn người cha trong cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, có lý do để hoài nghi về hiệu quả của cải cách kinh tế tại đất nước này. Đặc biệt, hệ thống phân phối công cộng tại Triều Tiên hoạt động không hiệu quả.

Điển hình, việc phân phối thực phẩm không công bằng đã khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh thiếu đói. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng buôn bán nhỏ lẻ, nạn buôn lậu và thị trường đen thực phẩm bùng nổ tại quốc gia cô lập này.

Điều này cũng đã giải thích vì sao 3/4 nguồn thu của người dân Triều Tiên hiện đến từ kinh tế tư nhân. Giới chức quốc gia này chấp nhận nền kinh tế tư nhân bởi họ không thể kiểm soát những mánh lới làm ăn.

Có tin đồn do lo ngại về mất dần ảnh hưởng và quyền ưu tiên thực phẩm, một số quan chức cũng đang cố gắng để làm sống lại kế hoạch nhà nước. Khi đó, nông dân sẽ tiếp tục phụ thuộc vào các cơ quan chính phủ về vật tư thiết yếu như phân bón và dầu.

Lo sợ về một cuộc khủng hoảng chính trị, Triều Tiên lâu nay vẫn luôn tỏ ra nghi ngờ về mục đích của các khoản đầu tư nước ngoài. Quan hệ thương mại với Trung Quốc, được cho là một đồng minh, là rất hạn chế.

Giới đầu tư Trung Quốc tại Triều Tiên thường phàn nàn về nạn bị phá vỡ hợp đồng. Ngay cả Rason, đi đầu trong việc thử nghiệm kinh tế của Triều Tiên, vẫn chưa nhận được điện từ tỉnh Cát Lâm lân cận. Một cây cầu thứ ba được xây dựng trên sông Áp Lục, phía nam của biên giới hai nước, đã được dự kiến hoàn thành vào tháng 10 năm ngoái nhưng đến nay vẫn bị đình trệ.

Bên cạnh đó, các chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên khiến quốc gia này ngày càng bị cô lập với thế giới. Hiện chỉ có Nga duy trì "quan hệ tốt" với Triều Tiên với các khoản viện trợ lớn, nhưng Nga đang rơi vào khủng hoảng kinh tế do lệnh cấm vận từ phương Tây.

Theo một báo cáo của học giả Johns Hopkins của Advanced Nghiên cứu Quốc tế ở Washington, DC, kho dự trữ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã sẵn sàng cho việc mở rộng nhanh chóng hàng trăm tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tầm trung.

Tham vọng hạt nhân càng khiến Triều Tiên bị thế giới cô lập hơn nữa khiến cho các cải cách vừa nhen nhóm có thể sớm bị dập tắt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
CHDCND Triều Tiên: Những cải cách mong manh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO