Châu Phi: Những con đường mới để phát triển

14/07/2012 01:08

Viện trợ nước ngoài được cho là đã không giúp cho châu Phi phát triển mà còn khiến châu lục này mắc kẹt trong nghèo đói.

Châu Phi: Những con đường mới để phát triển

Viện trợ nước ngoài được cho là đã không giúp cho châu Phi phát triển mà còn khiến châu lục này mắc kẹt trong nghèo đói. Những câu chuyện của các doanh nghiệp châu Phi đang cho thấy nền tảng thực chất để tạo ra tăng trưởng kinh tế là sự mở rộng của những doanh nghiệp vừa và nhỏ, và sự mở rộng của tầng lớp người tiêu dùng trung lưu.

Bà Sylvia Owori làm việc tại công ty thời trang của mình. Ảnh: DER SPIEGEL

Sylvia Owori lớn lên trong cực khổ ở thủ đô Kampala của Uganda, rồi được họ hàng đưa sang London, tạo điều kiện cho học thiết kế thời trang. Năm 1998, bà trở về Uganda, bán áo quần nhập từ phương Tây, nhưng sau đó tự sản xuất hàng thời trang nhãn hiệu Sylvia Owori được Đông Phi ưa chuộng với các cửa hàng ở Kampala và Nairobi, thủ đô của Kenyan.

Sản phẩm bà mới thiết kế là túi đựng laptop làm bằng vải của những chiếc quần jeans cũ thải ra từ châu Âu. Nhà sản xuất thời trang nổi tiếng H&M rất thích những chiếc túi này, và hai chuỗi cửa hàng thời trang khác cũng đang mời bà Owori sang London bàn chuyện làm ăn. “Thế giới thời trang giờ đây đang hướng mắt đến châu Phi. Đây là cơ hội của chúng tôi, và chúng tôi sẽ tận dụng nó”, bà Sylvia Owori cho biết.

Cách thức mới để tăng trưởng

Công ty của bà Owori đang tạo ra việc làm thời vụ giúp cải thiện đời sống cho khoảng 200 phụ nữ ở các ngôi làng quanh Kampala. Trong khi đó, ở vùng Luzira, ngoại ô Kampala, nhà máy Quality Chemical Industries (QCI) của ông Emmanuel Katongole đang hoạt động rất tốt với khả năng sản xuất mỗi ngày sáu triệu viên thuốc điều trị HIV và sốt rét để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nhà máy này cung cấp bữa trưa cho 350 công nhân, và cả các chế độ đào tạo, cũng như chế độ y tế.

Thời trang nhãn hiệu Sylvia Owori được Đông Phi ưa chuộng với các cửa hàng ở Kampala và Nairobi, thủ đô của Kenyan. Ảnh: Spiegel

Từng phải nhận viện trợ thường xuyên từ khắp nơi trên thế giới mà không thể tạo ra một sự tăng trưởng nào, các quốc gia châu Phi như Uganda giờ đây đang chứng minh hiệu quả của mô hình kinh tế mới mà các chuyên gia về phát triển từng đưa ra: Thay vì để các chính phủ lắm tham nhũng khai thác và xuất khẩu hàng hóa nguyên liệu và làm lợi cho một số ít người, để các doanh nghiệp có điều kiện ăn nên làm ra sẽ tạo được sự tăng trưởng bền vững hơn.

Viện trợ cuối cùng bị xem là nguyên nhân khiến hàng triệu người châu Phi bị mắc kẹt trong đói nghèo. “Viện trợ phát triển kinh điển khiến các chính phủ lười biếng”, ông Katongole nhận xét.

Từng được ngân hàng phát triển châu Phi (ADB) trao giải thưởng thương mại, ông chủ của QCI cho rằng nếu thế giới muốn giúp châu Phi thì nên trợ giúp tài chính cho những công ty như của ông.

Một công nhân làm việc trên một giếng dầu ở Bulisa, cách thủ đô Kampala của Uganda khoảng 250km về phía Tây Bắc. Khai thác khoáng sản không được xem là ngành tạo ra phát triển bền vững như các ngành sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Ảnh: Reuters

Nền kinh tế châu Phi đang có tốc độ tăng trưởng tương đương châu Á. Ở đó, vàng, gỗ, dầu mỏ, khí đốt, quặng sắt, và kim cương đang ngày càng giảm phần đóng góp trong sản lượng kinh tế, trong khi khu vực dịch vụ và sản xuất hàng hóa mở rộng.

Chế biến gỗ, hoa quả, vải sợi đã tạo ra nhiều việc làm, và nâng cao đời sống cho nhiều người hơn so với trước.

Điều này tạo ra một tầng lớp trung lưu ngày một đông mà theo ước tính của Ngân hàng phát triển châu Phi (ADB) là vào khoảng 313 triệu người, chiếm khoảng 34% tổng dân số khu vực.

Họ sống ở các thành phố, là những người làm công ăn lương, hay những chủ doanh nghiệp. Trẻ và có học, họ là những người đang có nhu cầu mua từ TV, quần áo thời trang, đến xe hơi.

Họ đang tạo ra một thị trường tiêu dùng với nhu cầu ngày càng tăng mà chuyên gia trưởng về kinh tế của ADB, ông Mthuli Ncube đánh giá là đóng vai trò như một cái giảm xóc cho kinh tế thế giới đang khủng hoảng. 

Những trở ngại vô hình

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần lực lượng lao động được đào tạo bài bản và cần một sự ổn định về kinh tế. Đối với các doanh nghiệp này, nạn quan liêu và tham nhũng là trở ngại và các cuộc nội chiến là điều tệ hại.

Đó là những khó khăn mà ông Richard Kimani ở Nairobi đang gặp phải. Năm 2002, với tiền vay lãi suất thấp từ Tập đoàn đầu tư Đức (DEG), một tổ chức tài chính của chính phủ Đức chuyên cung cấp vốn đầu tư cho khu vực tư nhân ở các nước phát triển, ông mở nhà máy sản xuất nước quả vào năm 2002 ở ngoại ô Nairobi.

Giờ đây, công ty Kevian kiếm được 31 triệu USD lợi nhuận mỗi năm từ việc bán nước quả cho các thị trường Tanzania, Rwanda, Burundi, và Zambia và giúp tiêu thụ xoài và thơm cho khoảng 30.000 nông dân trong vùng.

Tuy nhiên, khi muốn mở rộng quy mô sản xuất, ông Kimani gặp khó khăn ngay từ việc nhập dây chuyền đóng chai mới từ Đức. Thiết bị được chở bằng tàu thủy đến thành phố cảng Mombasa của Kenyan, và sẽ được chở bằng xe tải về Nairobi.

Nhưng nạn hối lố trong ngành hải quan và mặt đường 500km từ Mombasa đến Nairobi quá xấu đã gây ra nhiều tốn kém. "Chuyển một container bằng đường thủy từ châu Âu đến Mombasa ít tốn kém hơn là chuyển container đó bằng đường bộ từ Mombasa đến Nairobi", ông Kimani cho biết.

Nhà máy Quality Chemical Industries (QCI) sản xuất mỗi ngày sáu triệu viên thuốc điều trị HIV và sốt rét để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ảnh: Spiegel

Một trở ngại khác cho sự phát triển của Kevian là nguy cơ bất ổn về an ninh đất nước, khi mà cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào đầu năm 2013.

Năm năm trước, khi chuẩn bị cho tổng tuyển cử, các nhà chính trị đã gây ra tình hình rối loạn khi xúi dục các băng nhóm gây bạo loạn và xung đột sắc tộc khiến 1.300 người bị giết, hàng trăm ngàn người phải rời bỏ nhà cửa, ngành du lịch bị tê liệt và các doanh nghiệp bị phá hủy.

“Lần này chắc sẽ không tệ như thế nữa. Cử tri giờ đã hiểu rõ điều gì nguy hiểm”, ông Kimani nói. Nếu bạo loạn xảy ra, tầng lớp trung lưu giờ sẽ mất nhiều thứ, và họ sẽ không chấp nhận điều đó, họ sẽ không chấp nhận bạo loạn nữa.

Nói như chuyên gia Ncube thì tầng lớp trung lưu châu Phi là “những người bảo vệ nền dân chủ”. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Châu Phi: Những con đường mới để phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO