Châu Âu: Cuộc khủng hoảng mang tên "người tị nạn"

LAM HỒNG| 08/08/2015 01:20

Châu Âu đang là cửa ngõ hứng chịu cuộc khủng hoảng người tị nạn tồi tệ nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ hai.

Châu Âu: Cuộc khủng hoảng mang tên

Châu Âu đang là cửa ngõ hứng chịu cuộc khủng hoảng người tị nạn tồi tệ nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ hai.

Đọc E-paper

Sau gần 2 tháng đàm phán căng thẳng, ngày 20/7, bộ trưởng các nước trong Liên minh Châu Âu (EU) cùng bốn nước liên kết của không gian Schenghen là Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein đã đạt được thỏa thuận về tiếp nhận người tị nạn. Tổng số, các nước liên quan sẽ đón nhận gần 55 nghìn người xin tị nạn. Cụ thể là có 54.760 người sẽ được chia cho 32 nước châu Âu tiếp nhận trong 2 năm tới.

Điều gì giải thích sự thay đổi này? Có lẽ thảm họa xảy ra đối với 800 sinh mạng người di cư ngoài khơi bờ biển Libya trong tháng 4 đã khiến các chính trị gia xấu hổ nên quyết định hành động. Nhưng thảm họa này cũng nhắc nhở về những lời hứa trống rỗng và thiếu trách nhiệm trước đó của EU. Bởi vì, từ tháng 11/2014, chương trình cứu hộ đang hoạt động rất hiệu quả của Ý là "Mare Nostrum" phải ngưng và thay vào đó là chương trình "Triton" của EU.

"Mare Nostrum" có kinh phí hoạt động 9 triệu euro/tháng, với hơn 700 nhân viên và đã cứu hộ được hơn 150.000 người. Trong khi đó, "Triton" chỉ có kinh phí 2,9 triệu euro/tháng, với hơn 75 nhân viên. Sự cắt giảm này khiến châu Âu bị chỉ trích gay gắt vì bị xem là đã coi việc cắt giảm chi phí hoạt động quan trọng hơn sinh mạng con người.

Mặt khác, hai cửa ngõ lớn cho người nhập cư vượt biển là Ý hay Hy Lạp, nhất là Ý, nơi nhận đến ba phần tư lượng người nhập cư trái phép từ Bắc Phi, tuy nhiên, hai nước này thường thả lỏng kiểm soát và để dòng người này tiếp tục di chuyển lên phía Bắc như Đức, Na Uy, Thụy Điển hoặc tìm đường sang Anh. Đây chính là điểm đang gây chia rẽ châu Âu và khiến các nước đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Trong khi đó, dù bị ngăn cản nhưng vẫn có đến hơn 160.000 người di cư trái phép đã đến EU trong năm nay. Các nhóm nhân quyền cho rằng đây là cuộc khủng hoảng người tị nạn tồi tệ nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ hai. Dù có nhiều cố gắng nhưng EU không thể nào đạt được mục tiêu nhằm phân bổ qua toàn bộ các nước trong liên minh.

Đứng trước thảm họa nhân đạo, một số nước EU đã đồng ý tiếp nhận số người tỵ nạn dự kiến theo kế hoạch phân bổ ban đầu của Ủy ban Châu Âu, dựa trên cơ sở các yếu tố khả năng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp và số lượng người tỵ nạn đã đón nhận ở mỗi nước này. Nhưng cũng có một số nước bác bỏ, trong đó có Hungary, Áo, các nước vùng Baltic và Tây Ban Nha. Thậm chí, Chính phủ Hungary bắt đầu cho xây hệ thống hàng rào dây thép gai tại biên giới Hungary – Serbia. Hành động bị coi là bài xích người tỵ nạn và đã gặp phải sự phản đối gay gắt của gần 20 tổ chức dân sự và bảo vệ nhân quyền.

Ủy ban Châu Âu cho dù có những quan ngại mang tính nguyên tắc trong vấn đề này, vẫn chưa thể làm được gì theo hướng ngăn cản vì việc xử lý làn sóng nhập cư và bảo vệ biên giới là thuộc thẩm quyền của từng quốc gia thành viên EU. Nhiều quốc gia EU từng ủng hộ mô hình cứng rắn trong chính sách nhập cư của Úc.

Ngay sau khi nắm quyền năm 2013, chính phủ của ông Tony Abbott đã huy động lực lượng quân đội mở chiến dịch mang tên gọi "Biên giới có chủ quyền" để ngăn chặn từ xa dòng người tỵ nạn vượt biển tới Úc. Các tàu hải quân Úc chặn các tàu chở người tị nạn từ xa và đẩy họ trở lại điểm xuất phát trung chuyển, thường là từ bờ biển Indonesia. Ngay cả khi có hồ sơ tỵ nạn được thẩm định hợp lệ, người tị nạn vẫn không được phép định cư trên lãnh thổ Úc. Sự lựa chọn duy nhất với họ là hoặc sống trong các trại tập trung trên đảo, hoặc hồi hương và được hưởng những trợ cấp nhất định của Úc theo thỏa thuận với chính phủ nước họ.

Hiệu quả của chính sách nhập cư này là không một con thuyền tỵ nạn nào tới Úc và thảm cảnh chết chóc trên biển cũng đã chấm dứt. Có thể coi đó là một thắng lợi của chính sách nhập cư của Úc. Tuy nhiên, giới bảo vệ nhân quyền lên án đây là chính sách rũ trách nhiệm và "là hành động nhẫn tâm, không giải quyết được cái gốc của vấn đề tị nạn".

Trong khi đó, hàng chục ngàn người từ châu Phi, Trung Đông và châu Á đã rời bỏ quê hương mỗi năm để đến châu Âu với hy vọng tìm kiếm cuộc sống tốt hơn. Họ chạy trốn sự nghèo đói ở Somalia, bạo lực ở Libya, chiến tranh ở Nigeria, Chad, Bờ Biển Ngà, và cả chế độ hà khắc ở Ethiopia... Từ đầu năm tới nay, hơn 100.000 thuyền nhân đã vượt Địa Trung Hải tới Âu châu.

Trong những chuyến đi đầy rủi ro đó, hơn 2.000 người thiệt mạng. Nhưng ông Andrej Mahecic, một viên chức của Cao ủy Tị nạn, nói rằng vụ khủng hoảng ở Âu châu chỉ là một phần của thảm kịch. "Địa Trung Hải có lẽ chỉ là hậu quả có thể thấy được của những gì mà chúng tôi nhìn thấy trên toàn cầu. Quý vị đừng quên là 86% người tị nạn trên thế giới được tiếp nhận bởi các nước đang phát triển". 

>Châu Á: Nơi “tị nạn” thất nghiệp của người Âu, Mỹ

>Châu Âu mừng và lo trước Trung Quốc

>Trung Quốc thúc đẩy tinh thần kinh doanh từ lao động nhập cư

>Châu Âu đưa quân đội ngăn chặn nạn nhập cư trái phép

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Châu Âu: Cuộc khủng hoảng mang tên "người tị nạn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO