Châu Á và lũ lụt

THỤY KHA| 23/03/2012 09:38

Thiên tai khiến hơn 42 triệu người tại châu Á rơi vào cảnh mất nhà suốt hai năm qua.

Châu Á và lũ lụt

Thiên tai khiến hơn 42 triệu người tại châu Á rơi vào cảnh mất nhà suốt hai năm qua.

Thái Lan gánh chịu thiệt hại nặng nề trước trận lụt lịch sử năm 2011

Người dân thành phố Jakarta dù không mê tín nhưng đang rất sợ hãi thảm kịch của “lời nguyền 5 năm” sẽ xảy ra. Năm 2007, lũ lụt đã khiến 3/5 diện tích của thủ đô chìm trong nước, khiến 52 người thiệt mạng và thiệt hại lên tới 1 tỷ USD.

Năm năm trước đó, trận lũ lịch sử cướp đi mạng sống của 60 người và khiến 365.000 người dân mất nhà cửa. Thủ đô Indonesia thấp hơn 10m so với mực nước biển Java. Mặc dù dễ bị lũ lụt, nhưng các tuyến đường thủy của thành phố này đã không được nạo vét trong nhiều thập kỷ.

Chưa hết, khoảng 1/5 tổng lượng chất thải của thành phố bị thải ra sông, rạch. Sự lơ là đối với số phận của các dòng sông đã khiến Jakarta trả giá ngày càng nặng nề hơn.

Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới cảnh báo, hiện tượng đất lún do các tòa nhà mọc lên ngày càng nhiều và khai thác nước ngầm quá tải khiến Jakarta đang chìm nhanh hơn 10 lần so với tốc độ dâng cao của biển Java do hiện tượng ấm lên toàn cầu.

Điều đáng nói là tất cả các siêu đô thị tại châu Á cũng đang phải đối mặt với vấn đề tương tự. Báo cáo Giải quyết Biến đổi Khí hậu và Di cư tại châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới cho biết, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực dễ hứng chịu thiên tai nhất nếu xét trên cả phương diện số lượng thiên tai và số người bị tác động.

Theo thống kê, khoảng 31,8 triệu người trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương mất nhà do các thảm họa liên quan tới khí hậu vào năm 2010, bao gồm hơn 10 triệu người mất nhà vì lũ lụt diện rộng tại Pakistan.

10,7 triệu người khác buộc phải bỏ nhà vào năm ngoái do thiên tai. Chỉ tính riêng trong năm 2010-2011, 42 triệu người ở châu Á đã di cư với nguyên nhân liên quan tới các thảm họa thiên nhiên.

Hầu hết người dân trong số này sống tập trung tại các hòn đảo thấp tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương như Maldives, Tuvalu và Kiribati, vùng đồng bằng ven biển, đặc biệt là ở Bangladesh.

Trong khu vực Đông Á, có nhiều thành phố đối mặt với nguy cơ bị nhấn chìm như Quảng Châu, Seoul và Nagoya. Rủi ro nhất là Mumbai, một thành phố 20 triệu dân hiện đã dưới mực nước biển.

Tại Đông Nam Á, Bangkok, Manila và TP.HCM là những thành thị nằm trong khu vực thấp, cũng đối mặt với vấn đề giống như Jakarta: quá chậm chạp đối phó với các mối đe dọa lũ lụt. Chẳng hạn, năm ngoái, Bangkok đã hứng chịu trận lụt nặng nề nhất trong hơn nửa thế kỷ qua khiến hàng trăm người chết và thiệt hại lên tới 46 tỷ USD.

Năm ngoái, lũ lụt của sông Cửu Long tàn phá nhiều khu vực tại Campuchia. Ông David McCauley, người đứng đầu của chương trình biến đổi khí hậu của ADB, cảnh báo TP.HCM đang đối mặt với nguy cơ cao nhất nếu hệ thống đê điều, sông ngòi không được cải thiện đáng kể.

Đến năm 2050, 7/10 thành phố có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì lũ lụt. Bản báo cáo nói trên cho hay, 6 nước châu Á nằm trong số 10 quốc gia sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Bangladesh và Ấn Độ đứng đầu danh sách 6 nước đó.

Nepal, Philippines, Afghanistan và Myanmar lần lượt chiếm những vị trí tiếp theo. “Các chính phủ không nên trì hoãn hành động. Các chính phủ có thể giảm mức độ tàn phá của thiên tai, tăng khả năng chống thiên tai của người dân và biến hoạt động di cư thành một dạng công cụ thích nghi với biến đổi khí hậu, chứ không phải là hành động thể hiện sự tuyệt vọng”, ông Bindu Lohani, Phó chủ tịch ADB, phát biểu.

ADB đề nghị các nước đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng đô thị và các dịch vụ cơ bản để đáp ứng nhu cầu của dòng người di cư tới những thành phố siêu lớn.

Theo ADB, khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần chi khoảng 40 tỷ USD mỗi năm trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2050 để ngăn chặn tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu.

Ngoài ra, ADB cũng đưa ra đề nghị quan trọng là các thành phố phải sẵn sàng để hạn chế mở rộng đô thị và di dời khu công nghiệp. Đối với TP.HCM, các tác giả của ADB lập luận rằng “đô thị hóa đã góp phần đáng kể làm nhiệt độ và lũ lụt tăng trong hơn hai thập kỷ qua”.

Chính phủ có thể làm nhiều hơn nữa để khuyến khích doanh nghiệp và người dân di dời khỏi các khu vực nguy cơ lũ lụt cao. Điều này có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, nhưng kinh nghiệm của Thái Lan cho thấy thiệt hại sẽ còn lớn hơn nếu không hành động sớm.

Phần lớn các khu công nghiệp của Thái Lan nằm ở phía bắc của Bangkok, có nền là đất trồng lúa, lũ lụt và lở đất xảy ra thường xuyên. Kết quả là sau trận lụt xảy ra năm 2011, GDP của Thái Lan giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Châu Á và lũ lụt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO