Châu Á: Nền văn minh than đá

HÀ CÚC| 08/03/2012 08:39

Nền văn minh của chúng ta được tạo lập bằng than đá”, George Orwell đã viết như vậy hơn 70 năm trước đây. Sau gần một thế kỷ, điều đáng tiếc là năng lượng để vận hành nền văn minh của con người vẫn chủ yếu là than đá.

Châu Á: Nền văn minh than đá

“Nền văn minh của chúng ta được tạo lập bằng than đá”, George Orwell đã viết như vậy hơn 70 năm trước đây. Sau gần một thế kỷ, điều đáng tiếc là năng lượng để vận hành nền văn minh của con người vẫn chủ yếu là than đá.

Khai thác than tại Ấn Độ

Trong năm 2010, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), than đá chiếm chỉ một phần năm nguồn cung cấp năng lượng chính trong các nước OECD. Nhưng trên thế giới, than đá chiếm gần một nửa sự gia tăng sử dụng năng lượng trong thời gian 2000-2010.

Theo đánh giá của Đại học Boston, tiêu thụ than đá thậm chí có thể vượt qua tiêu thụ dầu lửa vào năm 2025. Lý do đơn giản: than đá có trữ lượng nhiều và rẻ.

Châu Á chiếm hơn hai phần ba tăng trưởng nhu cầu năng lượng toàn cầu trong hai thập kỷ qua. Trong đó, Trung Quốc (TQ) và Ấn Độ là hai lò đốt than đá lớn nhất thế giới hiện nay. TQ dẫn đầu thế giới trong sản xuất và tiêu thụ than.

Các mỏ của quốc gia này sản xuất trên 3 tỷ tấn than một năm (gấp ba lần so với Mỹ) và năm ngoái đã vượt qua Nhật Bản trở thành nước nhập khẩu than lớn nhất thế giới. Hơn bốn phần năm lượng điện của TQ đến từ các nhà máy điện đốt than.

TQ đang phải trả giá cho việc lạm dụng than đá bằng nạn ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ô nhiễm nguồn nước và suy thoái đất. Trong khi đó, 70% điện sử dụng tại Ấn Độ được sản xuất từ than đá.

Theo ước tính của McKinsey, lượng khí thải carbon của Ấn Độ sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030, và ngành công nghiệp năng lượng của Ấn Độ sẽ chiếm khoảng một phần mười gia tăng tổng lượng khí thải toàn cầu.

Đối phó với hiện tượng ấm lên toàn cầu, Ủy ban Châu Âu (EC) tuyên bố kế hoạch các nước trong liên minh phải chấm dứt những ưu đãi và hỗ trợ kinh tế cho các mỏ than đá và nhà máy điện chạy than.

Ngoài ra, EC cũng quyết định sẽ đóng cửa vĩnh viễn tất cả mỏ than bị lỗ trước tháng 1/2012. Không giống như châu Âu, châu Á vẫn coi than đá là nguồn năng lượng chính.

Thống kê của Tập đoàn BP (Anh) cho thấy, hiện Trái đất có trữ lượng than khoảng 860 tỷ tấn (tính đến cuối năm 2010). Trong đó trữ lượng than tập trung nhiều ở những quốc gia như Mỹ, Nga, TQ, Úc, Đức, Nam Phi, Ấn Độ.

Than tuy không gây nóng sốt trên thị trường thế giới bằng dầu nhưng cũng đóng vai trò quan trọng trong cơn khát năng lượng hiện nay. Nhiều quốc gia ở châu Á từng là cường quốc về xuất khẩu than nay quay sang nhập khẩu trở lại.

TQ có nhiều nhà máy thủy điện nhất thế giới, có nhiều nhà máy điện hạt nhân mới bằng phần còn lại của thế giới cộng lại, và đang mở rộng năng lượng Mặt trời và gió. Tuy nhiên, theo dự đoán của McKinsey, TQ vẫn có khả năng tiêu thụ 4,4 tỷ tấn than vào năm 2030.

Tại châu Á, từ Bangladesh tới Philippines, điện từ đốt than dường như là không thể thay đổi. Các nguồn năng lượng tái tạo như gió và năng lượng Mặt trời không cung cấp điện giá cả phải chăng trên một quy mô lớn. Sản xuất khí tự nhiên, thải ra carbon ít hơn, sẽ bùng nổ nhưng không thay thế than đá.

Vì vậy, sự chú ý được tập trung vào giải pháp giảm thiểu tác hại của năng lượng than. Và “môi trường tương lai của thế giới phụ thuộc vào châu Á” như một lời nhắc nhở của Liên Hiệp Quốc về phát triển kinh tế xanh, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Châu Á: Nền văn minh than đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO