Châu Á đối phó với khủng hoảng: Lực bất tòng tâm?

06/06/2009 09:26

Các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á đang tăng tốc thực hiện các gói kích cầu. Tuy nhiên, ít có nước nào trong khu vực đủ khả năng tung ra những gói kích cầu quy mô.

Châu Á đối phó với khủng hoảng: Lực bất tòng tâm?

Châu Á đang đứng trước một viễn ảnh đen tối. Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hơn 140 triệu người châu Á sẽ rơi vào cảnh bần cùng trong năm 2009; trong khi 23 triệu người khác có nguy cơ mất công ăn việc làm do tác động của khủng hoảng kinh tế.

Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế, hơn 140 triệu người châu Á sẽ rơi vào cảnh bần cùng trong năm 2009

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, tỷ lệ tăng trưởng của các nước trong khu vực năm 2009 chỉ bằng một nửa so với thành tích vốn đã èo uột của năm ngoái: GDP của 5 nước ASEAN, gồm Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Thái Lan năm nay sẽ chỉ đạt 2,7% thay vì 4,2% được dự báo vào tháng 11/2008. Dự báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng không mấy lạc quan. Ngân hàng này cho rằng, ASEAN đã tránh được tác động trực tiếp của khủng hoảng tài chính thế giới, nhưng đang phải đối phó với những hiệu ứng phụ của cơn bão đã đánh gục nhiều tập đoàn tài chính của Âu - Mỹ hồi tháng 9/2008.

Cả IMF và ILO đều kêu gọi chính phủ các nước châu Á sử dụng các biện pháp kích thích tài chính để xây dựng mạng lưới bảo hiểm xã hội, ngăn chặn nguy cơ bất ổn leo thang. Hầu hết các nền kinh tế trong khu vực ít nhiều đều đã tung ra nhiều kế hoạch vực dậy nền kinh tế để ngăn chặn đà lây lan của khủng hoảng. Tân Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Korn Chatikavanij tuyên bố, chính phủ mới sẽ chi ít nhất 100 tỷ bạt (gần 3 tỷ USD) trong ngân sách để thực hiện gói kích cầu phát triển kinh tế. Cũng với mục tiêu tương tự, chính phủ Indonesia cuối tuần qua đã đưa ra gói kích thích tăng trưởng kinh tế trị giá 6,3 tỷ USD; Singapore công bố gói kích thích kinh tế trị giá hơn 13 tỷ USD; Malaysia cũng tung ra gói kích cầu 2 tỷ USD...

Mặc dù vậy, tác động dây chuyền do suy thoái xuất phát từ Hoa Kỳ ngày càng đe dọa ASEAN ở những mức độ khác nhau. Các công ty tư nhân đối mặt với nhiều rủi ro khi chính phủ trong khu vực đẩy mạnh việc bán trái phiếu để tài trợ cho các quỹ kích thích kinh tế. Vì vậy, các công ty này phải chịu hai sức ép về lãi suất vay cao và sự gia tăng cạnh tranh từ phía các tổ chức tài chính được nhà nước hậu thuẫn. Các nền kinh tế châu Á có thể đạt tốc độ tăng trưởng 5,5% trong năm nay, mức thấp nhất kể từ năm 1998.

Để giảm áp lực, ADB đàm phán với các nước ASEAN và Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc để thiết lập một quỹ đảm bảo cho các khoản nợ trong khu vực. Trên cơ sở này, 10 quốc gia thành viên ASEAN đã cùng quyết định sẽ thành lập một quỹ đối phó khủng hoảng trị giá 120 tỷ USD và yêu cầu IMF trợ giúp trong thời điểm hiện nay. Theo IMF, chính phủ các nước châu Á phải vay khoảng 685 tỷ USD để chi tiêu trong 5 năm tới do suy giảm xuất khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Châu Á đối phó với khủng hoảng: Lực bất tòng tâm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO