Campuchia đang đầu tư nhiều tỷ USD làm du lịch

QUỲNH CHI (thực hiện)| 04/05/2011 00:35

Trong năm 2011, Campuchia có kế hoạch thúc đẩy du lịch để có thể đạt được 2,8 triệu lượt và 4,5 triệu lượt vào năm 2015. Trao đổi với ông Sam Promonea - Thứ trưởng thường trực Bộ Du lịch Campuchia về cách mà ngành du lịch nước này đang làm, rất đáng để học hỏi.

Campuchia đang đầu tư nhiều tỷ USD làm du lịch

* Việt Nam có ngành du lịch phát triển trước Campuchia. Năm 2000, lượng khách đến Việt Nam đã là 2,14 triệu lượt, thế nhưng sau 10 năm, lượng khách mới chỉ tăng gấp đôi. Trong khi cùng thời gian đó, lượng khách đến Campuchia tăng gấp 5,1 lần...

- So sánh về tài nguyên du lịch, Việt Nam có nhiều lợi thế hơn Campuchia, như chiều dài bờ biển, hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ, vô số danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa..., trong khi du lịch Campuchia tập trung chủ yếu vào 5 tỉnh thành chính gồm: thủ đô Phnom Penh, Siem Riep, Rattanakhri, thành phố biển Sihanoukville và Palin.

Tuy nhiên, Campuchia tự hào với những lợi thế như quần thể di tích Angkor. Bên cạnh đó, Campuchia đã xác định rõ mục tiêu phấn đấu của mình là di tích lịch sử - văn hoá và du lịch sinh thái là trọng điểm, nên ngay từ đầu đã có những chính sách bảo tồn tích cực, khoa học và hữu hiệu.

 Đó là cơ sở để Campuchia có thể hy vọng vào sự phát triển vượt bậc trong ngành du lịch.

* Nhưng theo chúng tôi thì điều đó chỉ có thể giúp Campuchia duy trì lượng khách cũ hoặc có chăng thêm chút đỉnh. Phải chăng Campuchia có những giải pháp nào khác?

- Những ưu thế về tự nhiên cũng như tài nguyên biển không thể so sánh được với Việt Nam, nhưng Campuchia đang có nhiều giải pháp để thúc đẩy ngành du lịch phát triển.

Theo đó, ngoài những di tích vốn có, Campuchia phát triển du lịch biển trong giai đoạn mới.

Cụ thể, tại thị trấn Kep giáp biên giới Việt Nam, liên doanh các nhà đầu tư Mỹ, Nhật và Ả Rập đang đổ vào đó 2 tỷ USD để xây dựng resort, khách sạn, biệt thự cao cấp và nhiều cơ sở hạ tầng khác phục vụ du lịch sinh thái biển, trải dài 6km; 10 hòn đảo trong vịnh Sihanoukville cũng đã được Campuchia cho các doanh nghiệp lớn của Mỹ, Hồng Kông, Anh thuê để phát triển du lịch.

Khu rừng ECO có trên 50.000 ha cũng đang được các nhà đầu tư nước ngoài khai thác với số tiền đầu tư hơn 3 tỷ USD. Tập đoàn Sokha đang xây dựng rất nhiều dự án tại tỉnh Cambodge nhằm triển khai khu vực này thành khu du lịch sinh thái và văn hóa dân tộc ít người giống như hai địa điểm du lịch Sapa và Đà Lạt của Việt Nam.

* Vậy một khi các dự án hoàn thành, Campuchia sẽ là đối thủ đáng gờm nhất của Việt Nam trong cuộc đua giành vị trí thứ tư về du lịch tại Đông Nam Á?

- Chúng tôi không có suy nghĩ sẽ phải chạy đua với bất cứ nước nào, đặc biệt là Việt Nam. Không chỉ vậy, những kế hoạch phát triển du lịch của Campuchia trong thời gian tới gắn liền với sự phát triển du lịch của Việt Nam.

Chẳng hạn, Preak Sihanouk có tiềm năng du dịch sinh thái rất phong phú nên Campuchia luôn mong muốn hai tỉnh Kiên Giang và Preak Sihanouk sớm mở tuyến du lịch đường bộ từ Kiên Giang đến Preak Sihanouk và ngược lại, mở đường bay thẳng từ đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đến Preak Sihanouk, Siem Riep và thủ đô Phnom Penh...

* Hiện Campuchia đang thực hiện giải pháp nào để thu hút du khách, nhất là các du khách từ Việt Nam?

- Từ trước đến nay, lượng khách Việt Nam đến Campuchia luôn đứng số 1, tuy chưa có con số cụ thể nhưng chỉ tính riêng Viettravel, năm 2010 đã đưa 10.000 lượt người đến Campuchia. Vì vậy, chúng tôi đã làm việc với Viettravel để hai bên có thể hỗ trợ nhau trong việc khai thác lượng khách từ Việt Nam nhiều hơn nữa.

Hiện các tour có thể hỗ trợ tour đi Campuchia bằng đường hàng không sẽ được Viettravel mở lại từ ngày 30/4, với mức giá rẻ hơn trước đây khoảng 30% (tương đương 250 USD/chuyến trọn gói).

* Xin cảm ơn Thứ trưởng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Campuchia đang đầu tư nhiều tỷ USD làm du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO