Cải cách kinh tế kiểu Tập Cận Bình: "Hạ hồi phân giải"

LAM HỒNG| 07/01/2016 06:48

Cải cách kinh tế kiểu Xiconomics của Trung Quốc (TQ) đang dùng đến khái niệm "cải cách cơ cấu nguồn cung" từng phổ biến trong suốt nhiệm kỳ của cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan vào những năm 1980.

Cải cách kinh tế kiểu Tập Cận Bình:

Cải cách kinh tế kiểu Xiconomics của Trung Quốc (TQ) đang dùng đến khái niệm "cải cách cơ cấu nguồn cung" từng phổ biến trong suốt nhiệm kỳ của cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan vào những năm 1980.

Đọc E-paper

Một năm sau khi nắm quyền, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã tuyên bố một kế hoạch cải cách kinh tế được xem là nhiều tham vọng nhất kể từ khi Đặng Tiểu Bình công bố mở cửa nền kinh tế vào cuối thập niên 1970. Nhưng sau 3 năm, phần lớn những thay đổi của ông Tập, như tự do hóa lãi suất ngân hàng hay là mở cửa thị trường chứng khoán, chưa tạo nên thay đổi nào đáng kể cho nền kinh tế 1,3 tỷ dân này. Theo Wall Street Journal, tỷ lệ tăng trưởng chậm lại khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh cẩn trọng hơn trong nỗ lực thúc đẩy cải cách.

Trong bài phát biểu đón năm mới 2016, một lần nữa Chủ tịch TQ nhấn mạnh về việc phải mở cửa thị trường, trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang phát triển ở tốc độ chậm nhất trong một phần tư thế kỷ qua. "Chúng ta cần phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách kinh tế và thúc đẩy công bằng xã hội. Chúng ta cần phải mở đường hướng tới một xã hội khá giả”, ông Tập nhấn mạnh trong bài phát biểu được phát sóng trên Đài Truyền hình Trung ương TQ.

Ngay sau Tết Âm lịch, Quốc hội Bắc Kinh có thể công bố các quyết định xuất phát từ Hội nghị Trung ương 5 Khóa XVIII về chiều hướng phát triển kinh tế của kế họach 5 năm 2016 - 2020, là thời kỳ cuối trước khi tổng kết 5 năm lãnh đạo của Tập Cận Bình. Giới lãnh đạo Bắc Kinh đến nay đã thấy nhiều nhược điểm trong cơ cấu kinh tế và muốn cải cách để lấy tiêu thụ nội địa làm lực đẩy cho tăng trưởng, hơn là đầu tư và xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh chưa khả quan của kinh tế thế giới, xuất khẩu của TQ vẫn không tăng đủ, nên Bắc Kinh lại sử dụng đòn bẩy cố hữu là đầu tư. Điều này tạo ra mâu thuẫn giữa thực tế và ý chí cải cách trong bối cảnh đang dấy lên lo ngại rằng TQ vẫn chưa được chuẩn bị để đối đầu với khoản nợ khổng lồ 280% GDP, có thể dẫn đến khủng hoảng cho nước này.

Sự dư thừa công suất trong sản xuất, nợ chính phủ trong nước tăng cao và sự giảm tốc của thị trường tài sản là những nhân tố làm suy giảm đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng thời kéo đà tăng trưởng toàn cầu đi xuống. Chính vì vậy, để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, TQ sẽ phải chú trọng nhiều hơn vào chất lượng và hiệu quả tăng trưởng, tăng cung hiệu quả và tạo ra cơ cấu nguồn cung linh hoạt hơn theo nguyên tắc đổi mới phát triển, hợp tác và chia sẻ.

Ông Tập lần đầu tiên công khai phát biểu về  "cải cách cơ cấu nguồn cung" - khái niệm phổ biến trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan vào những năm 1980. Theo học thuyết kinh tế của ông Tập (Xiconomics), thay đổi sâu cấu trúc nhằm xây dựng nền kinh tế trên một nền tảng vững chắc, hơn là giải pháp kích thích kinh tế. Xu hướng cải cách này đã được xác nhận bởi Ủy ban Trung ương vào năm 2013 khi kêu gọi một vai trò "quyết định" cho kinh tế thị trường, các lĩnh vực nhà nước và tư nhân phải được bình đẳng.

Tuy nhiên, có rất nhiều sự khác biệt giữa khái niệm mà cố Tổng thống Mỹ đưa ra và khái niệm mà ông Tập đang thực thi, nhất là trong chẩn đoán về những yếu kém nền kinh tế. Người Mỹ cho rằng tắc nghẽn sản xuất thúc đẩy lạm phát và tăng trưởng chậm lại.

TQ lo lắng về điều ngược lại: sản xuất dư thừa gây ra tình trạng giảm phát và tăng trưởng không bền vững. Biện pháp của chính phủ đề xuất vào cuối tháng 12/2015 là giảm chi phí đi vay, nới lỏng các rào cản trong các lĩnh vực chưa phát triển như chăm sóc sức khỏe và giảm năng lực dư thừa trong các lĩnh vực như bất động sản...

Tất cả những chính sách này đã được diễn ra trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm nhưng chưa có kết quả cụ thể. "Vẫn còn phải chờ xem liệu TQ có chịu nổi cú "hạ cánh cứng" gây nhiều bất trắc trong thời gian 2016 - 2020. Theo đó, TQ hoặc trải qua một khoảng thời gian tăng trưởng trì trệ kéo dài, hoặc nền kinh tế sẽ hồi sinh năng động và tăng trưởng trở lại sau những cải cách đáng kể”, chuyên gia của Ngân hàng Barclays nhận định.

>Trung Quốc: Đóng cửa?

>Bất động sản Trung Quốc: Quả bóng căng phồng

>Kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng 2,5% năm 2016

>Kinh tế Trung Quốc đang "méo mó" hơn thời kỳ Đại nhảy vọt 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cải cách kinh tế kiểu Tập Cận Bình: "Hạ hồi phân giải"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO