Các nước nghèo viết lại lịch sử

THANH TÂM| 07/01/2010 08:31

Hậu kỳ của cuộc khủng hoảng tài chính lần này không bi đát như nhiều chuyên gia đã lo ngại. Những quốc gia đang phát triển hiện dẫn đầu tiến trình khôi phục kinh tế thế giới.

Các nước nghèo viết lại lịch sử

Hậu kỳ của cuộc khủng hoảng tài chính lần này không bi đát như nhiều chuyên gia đã lo ngại. Những quốc gia đang phát triển hiện dẫn đầu tiến trình khôi phục kinh tế thế giới.

Năm 2009, điệp khúc thường thấy là “Sự kết thúc của toàn cầu hóa”. Nhiều chuyên gia e ngại rằng các nước đang phát triển sẽ "thu hẹp mình" để tự bảo vệ khỏi sự lan rộng ảnh hưởng của khủng hoảng ở Mỹ và châu Âu. Có người còn vẽ ra thảm cảnh: Hàng trăm triệu người ở các nước nghèo sẽ rơi vào nạn đói. Tuy nhiên, đến giữa cuối năm 2009, thế giới chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục của các quốc gia đang phát triển.

Năm 2009, thị trường chứng khoán tại các quốc gia đang phát triển khởi sắc thấy rõ. Tháng 10/2009, các nước đang phát triển ồ ạt thu hút trái phiếu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thay đổi 180o nhận định trước đó và dự báo vốn đầu tư tư nhân rót vào các nước đang phát triển sẽ tăng gấp đôi vào năm 2010... Đây có thể là tình trạng bong bóng nhưng đa số chuyên gia nghiêng về đánh giá: Chuyển biến thần kỳ này phản ánh sự đàn hồi của nền kinh tế, sự gắn kết chính trị - xã hội tại các nước đang phát triển.

Sự bật dậy của nền kinh tế đem lại lợi ích về cả chính trị lẫn xã hội. Lịch sử cho thấy, khủng hoảng kinh tế dễ dẫn đến bất ổn chính trị. Nhưng lần này, trừ một vài trường hợp ngoại lệ, thì người dân không giận dữ, bi quan đến mức tiến hành xung đột, đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản và thị trường tự do. Ngược lại, theo kết quả thăm dò ý kiến của Pew Global Attitudes Project, thì tại Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, hơn 40% dân chúng hài lòng với cuộc sống. Còn tại Pháp, Nhật và Anh thì con số đó dưới 30%.

Lòng tin của người dân càng được củng cố bằng hành động thiết thực từ phía chính quyền. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhiều nước và vùng lãnh thổ lập ra chương trình kích cầu lớn, thậm chí còn nhiều hơn các nước phát triển. Tiêu biểu là Trung Quốc, ngoài ra, còn có Nga, Hồng Kông, Kazakhstan, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Brazil và Chilê..., nhiều hơn những nước phát triển.

Khủng hoảng tài chính lần này như chất gia tốc đẩy quyền lực kinh tế tuột khỏi tay những nước phương Tây nhanh hơn các chuyên gia dự đoán. Theo Goldman Sachs, từ năm 2007, những thị trường đang phát triển lớn nhất (Brazil, Nga, Ấn, Trung Quốc) chiếm 45% tăng trưởng toàn cầu, gấp đôi so với giai đoạn 2000-2006, và gấp ba những năm 1990.

Trung Quốc dần trở thành thị trường tiêu thụ chính của những quốc gia nhỏ ở châu Á. Tỷ lệ nợ so với GDP của 20 nước đang phát triển chỉ bằng 1/2 tỷ lệ đó của 20 quốc gia giàu nhất thế giới. Nợ của những nước giàu sẽ tăng dần. Tính đến năm 2014, nợ của những nước nghèo sẽ chỉ bằng 1/3 những nước giàu. Hồng Kông dần lấn lướt New York và London nhằm tranh ngôi vị trung tâm tài chính thế giới...

Tuy nhiên, cũng có tiếng nói cho rằng: Các nước nghèo thoát khỏi khủng hoảng nhanh nhưng chưa mạnh hoàn toàn. Chính phủ không thể hỗ trợ lâu dài và rộng khắp từng người dân... Ngoài ra, WTO còn đắn đo chữ “thị trường tự do” của Nga, Trung Quốc, Indonesia và Argentia: Áp thuế lên sản phẩm nhập khẩu không phải là hình thức bảo hộ duy nhất.

Hơn thế nữa, Mỹ với sức mạnh kỹ thuật vượt trội, Nhật với sản phẩm công nghiệp chủ chốt, châu Âu với tổng lực những ông trùm sẽ không dễ dàng để bị soái ngôi hay bị vượt xa một cách nhanh chóng. Hiện tại sẽ chỉ là bước đầu trên tiến trình cạnh tranh khốc liệt của kinh tế thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Các nước nghèo viết lại lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO