APEC 2014: Dung hòa thế chân vạc

LAM HỒNG| 12/11/2014 05:36

Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương năm nay là cơ hội để nước chủ nhà Trung Quốc phô diễn thực lực, không chỉ về kinh tế, mà còn bao gồm các ảnh hưởng địa - chính trị.

APEC 2014: Dung hòa thế chân vạc

Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm nay (diễn ra từ ngày 10 - 11/11) là cơ hội để nước chủ nhà Trung Quốc phô diễn thực lực, không chỉ về kinh tế, mà còn bao gồm các ảnh hưởng địa - chính trị.

Đây cũng là nơi dung hòa những xung khắc của ba dự án kinh tế mang tầm vóc chiến lược của Mỹ, của ASEAN và của Trung Quốc.

Đọc E-paper

Giấc mơ châu Á - Thái Bình Dương của Trung Quốc

Những ngày này, khi tới Bắc Kinh, du khách sẽ chứng kiến nhiều điều đáng ngạc nhiên: Bắc Kinh quyết định đóng cửa trường học và các xí nghiệp quốc doanh, khuyến khích người dân ở thành phố 20 triệu dân này đi du lịch. Các cơ sở kinh doanh gần những khách sạn là điểm đón tiếp quan chức nước ngoài, cũng được lệnh đóng cửa...

Theo BBC, chính quyền Bắc Kinh còn cấm đốt vàng mã, nhằm chống ô nhiễm không khí. Tất cả những điều "bất thường" này cho thấy một điều: Trung Quốc coi Diễn đàn APEC năm nay là một sự kiện rất quan trọng, bởi nó đánh dấu mốc hợp tác của APEC sau 25 năm.

Đăng cai APEC lần này đã là một hình thức phô diễn thực lực của Trung Quốc, không chỉ về kinh tế, mà còn bao gồm các ảnh hưởng và địa vị quốc tế của Bắc Kinh.

Sau khi được thừa nhận là một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ thời Đặng Tiểu Bình, ông Tập Cận Bình bây giờ dường như muốn yêu cầu một vai trò lớn hơn của Trung Quốc trong bản đồ chính trị thế giới.

Theo nhà phân tích Bonnie Glaser, Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, thông điệp mà ông Tập muốn gửi tại sự kiện APEC là: "Trung Quốc sẽ có mặt tại trung tâm thế giới và mọi quốc gia khác sẽ phải xem xét lợi ích của Trung Quốc trong bất cứ quyết định lớn nào".

Nếu thành công, APEC với 21 quốc gia thành viên, dân số hơn 2,6 tỷ người (45% dân số thế giới), GDP hơn 30.000 tỷ USD (56% GDP thế giới), sẽ giúp nâng cao hình ảnh của giới lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là ông Tập.

Tham vọng này của Trung Quốc được thể hiện qua các hành động có tính răn đe, tranh chấp phi pháp lãnh hải của hàng loạt quốc gia láng giềng, gây căng thẳng trong khu vực.

Theo một số nhà phân tích, trước sự phân tán của chính trường Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống 2016, Trung Quốc có thời cơ quyết đoán thêm đối với các đồng minh của Mỹ tại châu Á như Nhật Bản hay Philippines đang hy vọng là sự can dự của Hoa Kỳ có thể cản bớt tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.

Trên thực tế, để diễn đàn APEC diễn ra trong không khí "hòa bình, hợp tác", Trung Quốc đã tìm cách cải thiện quan hệ với các quốc gia láng giềng nhằm xoa dịu các căng thẳng trước đó liên quan đến tranh chấp lãnh thổ của hàng lọat nước như Nhật Bản, Philippines, Việt Nam và Hàn Quốc.

Trước đó, dưới khẩu hiệu "phát triển hòa bình" giới lãnh đạo Bắc Kinh cũng đưa ra nhiều sáng kiến đa phương, bao gồm một ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng châu Á, một ngân hàng trong nhóm BRIC. Ngoài ra, gạt bỏ những nghi ngờ trong lịch sử, Trung Quốc và Nga đang xích lại gần nhau hơn.

Hai nước đã ký một thỏa thuận khí đốt dài và một hiệp ước về an ninh mạng. Trung Quốc ủng hộ lập trường đối với Syria của Nga tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và đã từ chối lên án các hành động can thiệp của Nga tại Crimea và Đông Ukraine.

Cạnh tranh TPP - FTAAP

Lãnh đạo các nước tề tựu ở Bắc Kinh khiến nhiều nhà quan sát liên tưởng hình ảnh "Vạn quốc lai triều, tứ hải tân phục" (các nước trong thiên hạ đều phải đến Trung Hoa) mà vua chúa Trung Hoa thường theo đuổi. Tại APEC lần này, Trung Quốc cũng muốn hiện thực hóa hiệp ước thương mại mà Bắc Kinh hậu thuẫn có tên là Khu vực Thương mại Tự do của châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) từng được đưa ra từ năm 2006.

Cho rằng Hiệp ước Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng là vũ khí kinh tế của chính sách chuyển trục của Hoa Kỳ, Bắc Kinh muốn nắm thế chủ động qua dự án FTAAP, bao trùm hai sáng kiến của Mỹ và của ASEAN. Sự cạnh tranh Trung-Mỹ trong vấn đề thành lập các khu tự do mậu dịch có thể thấy rõ trong chương trình nghị sự của hội nghị thường niên APEC lần này.

Các ngoại trưởng của 21 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc APEC đã được kêu gọi nên cân nhắc sao cho "đưa dự án FTAAP từ tầm nhìn trở thành hiện thực". Tuy nhiên hội nghị chỉ đồng ý tiến hành "nghiên cứu chiến lược" từ nay đến cuối năm 2016, tránh dùng từ "nghiên cứu khả thi" do Trung Quốc đề nghị.

Và dự án FTAAP chỉ được nhắc đến trong phần phụ lục của thông cáo chung. Trong khi đó, báo chí Trung Quốc cho rằng dự án FTAAP như giải pháp nhằm lập lại trật tự trước sự xuất hiện của các hiệp định tự do mậu dịch đang được đàm phán trong khu vực.

Trung Quốc đang tập trung thúc đẩy các thỏa thuận thương mại khu vực và song phương, trong khi đó sáng kiến thương mại do Mỹ lãnh đạo đã rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Bắc Kinh được kỳ vọng đầu tư khoảng 1,25 nghìn tỷ USD ra nước ngoài trong 10 năm tới.

"Đối với châu Á-Thái Bình Dương và thế giới nói chung, sự phát triển của Trung Quốc sẽ tạo ra cơ hội và lợi ích vô cùng lớn", ông Tập phát biểu tại Diễn đàn.

Về phần Đông Nam Á, 10 quốc gia thành viên của ASEAN muốn thành lập một Đối tác kinh tế toàn cầu và cấp vùng bao gồm thêm 6 nước trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
APEC 2014: Dung hòa thế chân vạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO