Afghanistan và tương lai bất định trước bầu cử

LÊ NGUYỄN/tổng hợp| 23/02/2014 07:31

Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là đến cuộc bầu cử lại chức vụ tổng thống Afghanistan, nhưng mối quan hệ giữa chính phủ Kabul và Washington xem ra đang ở vào giai đoạn khó khăn nhất.

Afghanistan và tương lai bất định trước bầu cử

Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là đến cuộc bầu cử lại chức vụ tổng thống Afghanistan, nhưng mối quan hệ giữa chính phủ Kabul và Washington xem ra đang ở vào giai đoạn khó khăn nhất.

Đọc E-paper

Năm nay, nếu hai bên không đạt được một thỏa thuận giữ lại một số quân Mỹ tại Afghanistan thì tổ chức Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng sẽ rút toàn bộ quân của họ khỏi nước này vào cuối năm, hậu quả là tương lai của Afghanistan sẽ trở nên bất ổn hơn bao giờ hết.

Trong cuộc họp báo tổ chức vào ngày 25/1/2014, ông Karzai chỉ trích đồng minh Mỹ rằng họ đang tiến hành một cuộc “chiến tranh tâm lý” và hành động như một “đối thủ” hơn là một người bạn. Ông Karzai muốn Mỹ thực hiện những cuộc thảo luận nghiêm túc về hòa bình với phe Taliban, điều Mỹ không thể làm được khi mà Taliban luôn chống lại thỏa hiệp An ninh song phương sẽ ký giữa Afghanistan và Mỹ.

Không chỉ có thế, trong quan hệ tay ba Mỹ-NATO-Afghanistan, còn có ít nhất hai khúc mắc khác: một là vụ NATO ném bom vào ngôi làng Wazghar ở tỉnh Parwan, nằm ở phía bắc thủ đô Kabul vào ngày 15/1/2014 gây thương vong cho nhiều thường dân; hai là việc Kabul thả 88 tù nhân ở nhà tù Bagram do Mỹ bàn giao cho chính quyền Karzai hồi năm 2013.

Việc này khiến cho giới chức Mỹ tỏ ra giận dữ, vì theo họ nhiều tù nhân được thả là những người từng chế bom giết hại các binh sĩ Afghanistan và nhiều thường dân vô tội. Hạ tuần tháng 1 vừa qua, Quốc hội Mỹ đã cắt giảm 50% kinh phí viện trợ phát triển cho Afghanistan do phía hành pháp đề nghị, bác bỏ những dự án lớn về hạ tầng cơ sở do quân đội thực hiện, đồng thời cắt 60% khoản 2,6 tỉ USD do Lầu Năm Góc đề nghị để tăng cường khả năng cho lực lượng an ninh Afghanistan.

Nhà Trắng tỏ ra đồng tình với những cắt giảm này mà không có một sự thắc mắc nào. Trong một lời tuyên bố được phát đi ngày 28/1/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama xác nhận theo thỏa thuận giữa hai phía, Mỹ sẽ để lại một “lực lượng nhỏ” tại Afghanistan để cùng với NATO giúp huấn luyện và hỗ trợ lực lượng bản xứ.

Theo đề nghị của tướng Joseph Dunford, Tư lệnh quân Mỹ tại Afghanistan, lực lượng Mỹ sẽở lại nước này chỉ trong hai năm thay vì 10 năm như thỏa hiệp an ninh song phương dự liệu. Điều này sẽ giúp cho ông Obama, trước khi chính thức rời Nhà Trắng vào năm 2017, được tiếng là đã giải quyết xong chuyện rút hết quân Mỹ ra khỏi Afghanistan.

Điều mà nhiều người Mỹ và cả người Afghanistan hy vọng là thái độ của người kế nhiệm ông Karzai sẽ không có tính đối nghịch với chính quyền Obama như chính ông hiện nay. Từ ngày 2/2/2014, cuộc vận động bầu cử chức vụ tổng thống Afghanistan sẽ diễn ra trong vòng hai tháng, được xem là cuộc đua của bốn ứng cử viên: ông Abdullah Abdullah, nguyên Ngoại trưởng Afghanistan; ông Ashraf Ghani, cựu viên chức Ngân hàng Thế giới (WB); ông Zalmay Rassoul, một cựu ngoại trưởng khác; và ông Qayum Karzai, người anh lớn của ông Hamid Karzai.

Cả bốn người đều được xem là thân phương Tây hơn ông Karzai và đều nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ lại Afghanistan một số lực lượng nước ngoài để giúp củng cố cho quân đội bản xứ đang còn rất yếu thế trong cuộc chiến chống lại quân Taliban. Điều mà mọi người lo ngại là cuộc bầu cử sẽ phải chờ đến vòng hai và từ nay đến tháng 6, mọi chuyện sẽ không có gì thay đổi. Vị tổng thống mới sẽ ký thỏa hiệp An ninh song phương vào đầu tháng 8/2014 và sẽ sớm đưa đất nước Afghanistan ra khỏi tình trạng bất ổn như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Afghanistan và tương lai bất định trước bầu cử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO