2016: Năm "sáng lên" của thị trường hàng hóa nguyên liệu?

02/01/2016 06:46

Sau khi trải qua một năm có thể được coi là tồi tệ nhất đối với các công ty hay doanh nghiệp dầu khí và khai mỏ...

2016: Năm

Sau khi trải qua một năm có thể được coi là tồi tệ nhất đối với các công ty hay doanh nghiệp dầu khí và khai mỏ, cũng dễ đồng cảm với giới đầu tư nếu họ băn khoăn rằng liệu còn cơ hội nào trên thị trường hàng hóa nguyên liệu vào cuối cái gọi là “siêu chu kỳ” hay không.

Một câu hỏi lớn cho năm 2016 là liệu rằng sự ảm đạm trên thị trường hàng hóa trong năm 2015 đã phải là sự ảm đạm nhất trước khi thị trường bắt đầu “sáng lên” hoặc ít ra cũng chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, sau nhiều năm thị trường dư cung và yếu. Nói cách khác, bước sang năm 2016, liệu thị trường hàng hóa có thể chạm đáy hay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian dài hơn.

Giá dầu thô thế giới năm 2015 trung bình thấp hơn gần 50% so với năm 2014, trong khi giá các kim loại như đồng, than và quặng sắt đều giảm mạnh. Tình trạng lao dốc của giá các khoáng sản này đã kéo giá cổ phiếu của các công ty dầu khí và khai mỏ xuống gần mức thấp kỷ lục .

Các công ty và doanh nghiệp khai thác mỏ như tập đoàn khai mỏ và giao dịch hàng hóa đa quốc gia Glencore (Anh-Thụy Sỹ) phàn nàn rằng kim loại đồng và niken bị rớt giá một cách “không công bằng” trước sự sa sút của giá dầu thô thế giới, cùng những phản ứng của giới đầu cơ liên quan tới việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.

Các công ty và nhà khai mỏ tin rằng nhu cầu kim loại ở châu Á vẫn mạnh và đang gia tăng, còn nguồn cung dễ bị ảnh hưởng bởi giá cả, nhiều khi giá trên thị trường thấp hơn giá thành.

Trong khi đó, các ngân hàng có tầm ảnh hưởng lớn đối với thị trường hàng hóa như Goldman Sachs và một nhóm các quỹ đầu tư có trụ sở tại Trung Quốc lại cược rằng giá các khoáng sản sẽ tiếp tục giảm.

Họ lý giải rằng trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, đồng nghĩa với việc nhu cầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới về nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu giảm, thì việc hàng tỷ USD đầu tư rót vào các dự án năng lượng và khai thác mỏ mới bắt đầu cho kết quả sẽ góp phần đẩy nguồn cung khoáng sản đi lên.

Điều này cũng khó tránh gây sức ép lên giá cả. Giới ngân hàng và đầu tư thì cho rằng giá hàng hóa có lẽ sẽ cần phải duy trì ở mức thấp trong thời gian dài hơn, nhằm tạo sự điều chỉnh nguồn cung cũng như cân bằng thị trường.

Chẳng có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư ngày càng không ảo tưởng gì với việc bỏ tiền đầu tư vào hàng hóa nguyên liệu sau bốn năm kết quả kinh doanh bết bát. Theo ngân hàng Barclays (Anh), tính đến cuối tháng 8/2015, tổng giá trị danh mục đầu tư của các quỹ đầu tư vào hàng hóa nguyên liệu giảm từ 259 tỷ USD hồi đầu năm, xuống chỉ còn 242 tỷ USD - mức thấp nhất trong sáu năm trở lại đây.

S&P GSCI total return index - chỉ số biểu thị sự biến động giá hàng hóa và lạm phát - đã giảm 26,3% trong năm nay, năm yếu kém thứ năm liên tiếp của chỉ số này.

Dầu mỏ: Khó có thể tìm được một nhà đầu tư nào có lòng tin vào dầu mỏ tại thời điểm này.

Kỳ vọng vào việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ ( OPEC ) sẽ cắt giảm sản lượng để vực dậy giá dầu thô tại cuộc họp ngày 4/12 tại Vienna (Áo) vừa qua cũng đã tiêu tan. Chính yếu tố này đã châm ngòi cho giá dầu thô thế giới lao xuống dưới ngưỡng 40 USD/thùng lần đầu tiên trong gần bảy năm qua .

Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), dự trữ dầu thô tại các nền kinh tế phát triển hiện đứng ở mức cao chưa từng có là gần 3 tỷ thùng. Trong khi đó, trong năm tới, thị trường gần như chắc chắn sẽ phải hấp thụ một lượng dầu mỏ xuất khẩu còn lớn hơn từ Iran, một khi lệnh trừng phạt đối với nước này liên quan đến chương trình làm giàu urani được dỡ bỏ.

Tuy nhiên, kế hoạch của Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thuộc OPEC - luôn hướng tới dài hạn và 2016 có thể là năm mà những kế hoạch này bắt đầu “đơm hoa kết trái.”

Do giá dầu thô trung bình chỉ bằng một nửa so với giai đoạn 2010-2014, ngành dầu khí đá phiến của Mỹ bắt đầu giảm nhịp độ khai thác, còn các công ty dầu mỏ quốc tế cũng tạm gác khoảng 200 tỷ USD đầu tư vào các dự án dầu mỏ trong tương lai.

Giới phân tích cho rằng những động thái này có thể góp phần giúp thị trường dầu mỏ điều chỉnh nguồn cung theo hướng bớt dư thừa trong nửa cuối năm 2016.

Các nhà phân tích tại Citigroup nhận định rằng tổng hòa các yếu tố như các nước ngoài OPEC cắt giảm sản lượng dầu mỏ và sản lượng dầu khí đá phiến, cùng với những nguy cơ địa chính trị gia tăng và công suất dự phòng giảm, sẽ giúp đẩy giá dầu trong trung hạn đi lên.

>>Giá dầu sắp qua cơn "bĩ cực"

Kim loại cơ bản: Có lẽ không có lĩnh vực hàng hóa nào gắn kết hơn với tình hình tăng trưởng và tiêu thụ hàng hóa của Trung Quốc như các kim loại cơ bản. Điều này lý giải tại sao hiện có nhiều dự báo khác nhau về triển vọng các kim loại như đồng, niken và kẽm.

Goldman Sachs dự báo giá đồng sẽ giao dịch trong khoảng 4.500 USD/tấn vào cuối năm tới, sau khi chạm mức thấp nhất trong sáu năm trở lại đây là 4.481 USD/tấn hồi tháng 11/2015. Những lý do khiến kim loại đồng dao động quanh mức thấp , theo Goldman Sachs , là tình hình tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc (nước nhập khẩu tới 45% nguồn cung đồng toàn cầu), nguồn cung dư thừa-hệ quả của tình trạng đầu tư khai thác ồ ạt trước đây - và đồng USD mạnh lên.

Tuy nhiên, Glencore và một số tập đoàn khai mỏ khác vẫn tin rằng nhu cầu về đồng và các kim loại cơ bản khác vẫn lớn và đang gia tăng.

Vàng:
Kể từ khi chạm mức cao kỷ lục 1.902 USD/ounce vào hồi năm 2011, giá vàng đã giảm 45%, và đang hướng tới ngưỡng 1.000 USD/ounce. Vật cản lớn nhất đối với kim loại quý này có lẽ là động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Các nhà phân tích thuộc ngân hàng Natixis (Pháp) dự báo giá vàng có thể giảm xuống dưới 1.000 USD/ounce trong trường hợp Fed nâng lãi suất và chi phí cơ hội của việc giữ vàng gia tăng.

Nhìn chung, nhu cầu vàng tại Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tương đối mạnh. Nhiều nhà đầu tư đang chờ động thái tiếp tục mua vàng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng trung ương), vốn là một trong những động lực đẩy giá vàng đi lên.

Trong khi đó, các nhà phân tích thuộc ngân hàng HSBC (Anh) tràn đầy niềm tin rằng giá vàng rốt cuộc sẽ hồi phục trong năm 2016, sau khi liên tục rớt xuống các mức thấp nhất trong 5 năm qua trong những tháng gần đây.

>>“Số phận” của giá vàng thế giới

Nông sản: Các mặt hàng nông sản vẫn chưa thoát khỏi tình trạng bị bán tháo trên thị trường. Trong năm 2015, giá lúa mì giảm 22%, giá ngô giảm 8% và giá đậu tương giảm 14%, do thời tiết thuận lợi và biến động tỷ giá trên thị trường ngoại hối.

Một yếu tố được cho là sẽ tạo mối nguy cho mùa vụ là tác động của hiện tượng thời tiết El Nino, được dự báo sẽ kéo dài hơn và mạnh hơn.

Trong số các nông sản, giá cacao dự báo sẽ đi lên trong năm 2016, biến động trái với chiều hướng đi xuống chung của giá nông sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
2016: Năm "sáng lên" của thị trường hàng hóa nguyên liệu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO